6 điều nên làm khi thực tập để được tuyển dụng chính thức

6 điều nên làm khi thực tập để được tuyển dụng chính thức
Thực tập không còn là màn “thủ tục” nhằm lấy điểm tốt nghiệp của sinh viên, mà nó sẽ góp phần nâng cao cơ hội nghề nghiệp trong thời buổi lao động cạnh tranh hiện nay.

Theo chia sẻ từ Trưởng phòng Nhân sự của CareerLink.vn - một trong những trang web hàng đầu về hỗ trợ nhân sự và tìm kiếm việc làm tại Việt Nam, thì: “Để nắm bắt được cơ hội việc làm ngay khi ra trường thì sinh viên không chỉ nên xem kỳ thực tập như một khoảng thời gian học tập mà hãy luôn nỗ lực, và nghiêm túc với công việc vì các trải nghiệm thực tế sẽ trở thành bước đệm quan trọng trên con đường sự nghiệp về sau.”

Bài viết này sẽ đưa ra 6 lời khuyên hữu hiệu giúp các bạn sinh viên có một kỳ thực tập thành công và có thể cạnh tranh một suất làm chính thức ngay khi vừa tốt nghiệp.

Cập nhật việc làm mới nhất tại Careerlink.

1. Luôn giữ sự nhiệt huyết

Khi bắt đầu làm một việc gì đó chúng ta sẽ luôn có trạng thái hăng hái, nhưng càng về sau thì  cảm xúc sẽ bị chai sạn và dần trở nên ù lì. Thực tế thì ai cũng đều trải qua tình trạng như vậy, nhưng bạn cần luôn giữ sự nhiệt huyết và đảm bảo bạn đã cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt công việc được giao.

Giữ vững “tinh thần thép” là chuyện tương đối khó khăn, nhất là với những bạn sinh viên với ít trải nghiệm. Lời khuyên rằng nếu bạn muốn từ bỏ thì hãy nhớ về lý do khi bắt đầu, hoặc luôn nghĩ đến viễn cảnh làm việc tươi sáng về sau.

2. Luôn tuân theo quy tắc của công ty

Công sở cũng là một cộng đồng thu nhỏ và tất nhiên sẽ luôn có các luật lệ công khai cũng như “bất thành văn” riêng. Để hòa nhập vào môi trường thì bạn phải thay đổi bản thân cho phù hợp cũng như học cách tuân theo nội quy.

Thông thường, các nội quy phổ biến mà bạn cần tuân theo là không đi muộn về sớm, không xả rác bừa bãi, không vào mạng xã hội hay “chat chit” trong giờ làm việc hay phải đeo thẻ khi ra vào công ty. Tuy nhiên, riêng mỗi nơi lại có các “luật ngầm” riêng như không nghe điện thoại cá nhân ngay tại bàn làm việc. Nếu bạn không chắc về điều mình làm là đúng hay sai, hãy quan sát mọi người hoặc hỏi trực tiếp người giám sát chứ đừng nên tùy tiện hành xử.

3. Tạo mối quan hệ tốt với người giám sát

Giám sát viên được xem là người có thể giúp bạn đạt được điểm số và công việc tốt, nhưng cũng là người khiến bạn nhận điểm xấu và “đóng sập” cánh cổng hy vọng để được tuyển dụng chính thức. Vì thế cách tốt nhất là bạn hãy bỏ ý nghĩ “Tôi chỉ cần làm tốt việc nhiệm vụ của mình là được!”, mà còn phải khéo léo xây dựng mối quan hệ với người giám sát bằng cách lắng nghe, luôn tôn trọng ý kiến từ họ, không tự ý hành động khi chưa được sự đồng ý, chủ động tìm câu trả lời trước khi làm phiền ai đó và đừng bao giờ “kéo” người giám sát vào các tình huống khó xử được tạo ra bởi sai lầm của chính bạn.

4. Nhìn ra các vấn đề chưa được phát hiện

Có câu “người ngoài cuộc thường sáng mắt hơn trong cuộc”, và một số trường hợp thì điều này đúng. Thực tế, một số vấn đề tồn đọng của nội bộ thường khó phát hiện, và nếu bạn tinh ý quan sát thì rất có thể “nhìn” được khúc mắc.

Hãy luôn tập thói quen quan sát tỉ mỉ và chú tâm ghi nhớ mọi thứ xảy ra. Thêm nữa, vì không phải là nhân viên chính thức nên mọi người sẽ đối xử với bạn theo cách ít “cảnh giác” hơn, nên từ đây bạn dễ tìm ra “điểm gỡ rối”. Nhưng bạn cần thận trọng suy nghĩ trước sau khi đề xuất bất kì ý kiến nào để tránh sai sót và tốt nhất vẫn nên xin thông qua ý kiến của người giám sát.

5. Tỏ ra là người cầu thị

Yếu tố cầu thị luôn là một thứ quan trọng để giúp bất kì ai tiến bộ và điều này càng được nhấn mạnh khi bạn chỉ là một sinh viên sắp tốt nghiệp. Hãy nhớ rằng lý thuyết giảng đường chỉ là một phần và những điều bạn học trong quá trình làm việc sẽ là hành trang bổ ích cho tương lai. Khi có thể, hãy xung phong nhận thêm việc để tránh tình trạng nhàn rỗi, tạo thiện cảm với mọi người bằng nhiệt huyết và quan trọng hơn hết là thu thập kinh nghiệm thực tế cho bản thân.

6. Biết cách nhận lỗi

Điều cuối cùng là bạn hãy làm quen với việc “xin lỗi” và có thái độ cư xử phù hợp khi mắc sai lầm. Thực tế, chẳng ai hoàn hảo và thành thạo tất cả mọi thứ dù đã từng được học bài bản. Mọi người sẽ không quá câu nệ nếu bạn chân thành nhận trách nhiệm, biết khắc phục hậu quả và tránh lặp lại những lỗi lầm cũ. Một lời xin lỗi và sự cố gắng phấn đấu sẽ là một “điểm cộng” đẹp cho kỳ thực tập của bạn, và tiến gần đến cơ hội làm việc chính thức trong tương lai.

MỚI - NÓNG