Áp lực học hành cho con: Thế nào là đủ?

Tấm ảnh châm ngòi cho tranh luận: Mẹ con ôm nhau khóc sau giờ thi Ảnh: Diệp Anh
Tấm ảnh châm ngòi cho tranh luận: Mẹ con ôm nhau khóc sau giờ thi Ảnh: Diệp Anh
TP - Hình ảnh hai mẹ con vừa ôm nhau vừa khóc trước cổng trường thi có lẽ là một trong những khoảnh khắc xúc động và ám ảnh nhất những ngày vừa qua. Nó cũng “châm ngòi” cho cuộc tranh luận không hồi kết giữa các phụ huynh cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.  

Áp lực học hành: Cần hay không?

Những ngày này, chuyện thi cử, học hành của con cái trở thành một trong những chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm, bàn luận ở khắp các diễn đàn của phụ huynh trên cộng đồng mạng.

Sau khi facebook T. Trần chia sẻ câu chuyện của mình lên một nhóm kín, về việc anh vốn có xu hướng để các con học hành thoải mái nhẹ nhàng. Tuy nhiên, hậu quả là con gái anh trượt đại học, thường xuyên bỏ học. Con trai anh hiện tại lớp 8 cũng có kết quả học lực trung bình. “Từ hai đứa con, tôi rút ra một điều: nếu không tạo một sức ép đủ mạnh lên con cái, chúng sẽ không bao giờ ý thức được cái giá phải trả về sau này. Sai lầm của tôi là không tạo ra một kỉ luật cần thiết để các con trở nên hoang dã và bất chấp”, anh viết.

Câu chuyện của anh thu hút hàng trăm lượt thích và hơn 250 bình luận. Bên cạnh những ý kiến cương quyết phản bác việc “gò” con cái vào học hành vẫn có nhiều người tán đồng quan điểm của anh.

Anh Phạm T.T chia sẻ: “Mình là một ví dụ về việc bố mẹ không ép học, không đi họp phụ huynh, không biết lịch học của con luôn. Và kết quả là mình học cực kỳ đối phó chưa bao giờ được học sinh tiên tiến. Lớn lên vào đời vất vả mới thấy giá như bị ép học thì tốt. Tệ nữa là giờ không có kỹ năng để ép con vào kỷ luật”.

“Tôi đồng ý với tác giả và hiểu sự hối hận của tác giả do không rèn cho con tính kỉ luật. Hồi còn niên thiếu tôi uất ức vì sức ép và kỉ luật của gia đình, nhưng giờ tôi biết ơn cha mẹ vì điều ấy. Tôi có tố chất hơn bạn bè đồng lứa, nhưng chính sự rèn giũa của bố mẹ mới giúp tôi đi bền, đi xa. Giờ xã hội ngày càng đòi hỏi những trình độ cao hơn, kĩ năng chuyên sâu hơn, không có chỗ cho kẻ lười biếng”, bạn trẻ A.P. Nguyễn viết.

Tài khoản K. Trần cho rằng: “Kỷ luật là điều cần thiết, quan trọng là làm nó với tình thương chứ không phải với mục đích ganh đua. Hầu hết trẻ nào cũng thích chơi hơn học và một đứa nhóc thì khó mà đủ nhận thức để quyết định tương lai của chính nó. Các anh các chị nào hay bảo để con tôi tự do chọn lựa là rất không thực tế và phó mặc chuyện tương lai của con cái vào tay một đứa nhóc”.

Chị Võ.T H thì nhận định: “Thực ra ở đây các bậc phụ huynh cần hiểu vấn đề là: không áp lực, không gây sức ép cho con khi con mình không có đủ khả năng để học ở mức cao hơn trình độ con có (tức là bắt nó học ở cái lớp khó hơn hẳn trình độ của nó), chứ không phải là không ép khi con không thích học. Nói thật trẻ con nó chỉ thích chơi chứ không bao giờ thích học, người lớn còn thế nữa là trẻ con”.

Trong đó, ý kiến của thành viên Tom Dinh nhận được khá nhiều đồng thuận: “Em thấy đúng là cần có một sức ép đủ lớn thì trẻ con mới chú ý hơn đến việc học ạ. Nhưng cách tạo sức ép thế nào cho hợp lý thì khó quá”.

Đi “cáp treo” hay “gọt quả núi xuống thấp”?

Những tranh cãi của phụ huynh giữa việc “để con chơi” hay “ép con học” vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, nhất là khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đang đến gần. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng không nên để con cái bị đè nặng bởi áp lực học hành. Tuy nhiên, Tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất cũng nhấn mạnh phải hiểu thật chính xác áp lực này là gì và nó đến từ đâu.

 “Người ta đang nhầm lẫn giữa việc áp lực do mục tiêu rèn luyện hay áp lực do tâm lý, phương pháp rèn luyện. Nhiều người yêu cầu Bộ GD&ĐT phải giảm áp lực học hành bằng cách giảm tải chương trình, phải phấn đấu một kỳ thi nhẹ nhàng, tôi cho đó là sai lầm.

Áp lực học hành cho con: Thế nào là đủ? ảnh 1 Làm thế nào để con cái học hành không áp lực nhưng vẫn hiệu quả là câu hỏi luôn khiến phụ huynh đau đầu

Cũng là leo lên một đỉnh núi, có khi ta thấy mệt mỏi nhưng cũng có khi ta thấy nhẹ nhàng? Khi hưng phấn vui vẻ thì nhẹ nhàng còn khi không muốn leo mà cứ phải leo thì sẽ cảm thấy nặng nề từng bước. Điều này tương tự như động cơ học tập, thái độ học tập tốt sẽ góp phần giảm nhẹ áp lực. Việc hạ thấp độ cao một ngọn núi chưa hẳn là giải pháp hay để lúc nào cũng leo lên nhẹ nhàng. Đôi khi người ta thay đổi phương thức giúp ai cũng dễ tới đỉnh núi hơn, chẳng hạn bằng cáp treo. Phương pháp giảng dạy của thầy cô cùng với phương pháp học tập của học sinh sẽ là “cáp treo” làm giảm áp lực học tập.

Thời chúng tôi, mục tiêu rèn luyện khá cao khi học ở lớp chuyên toán (hồi đó gọi là lớp Toán Đặc biệt) nhưng với động cơ học tập và phương pháp học tập được thầy cô giúp tạo ra, chúng tôi không hề thấy áp lực, vẫn vui chơi khá nhiều, vẫn thoải mái mà vẫn đạt được mục tiêu.

 Theo tôi, học sinh bị áp lực học tập có những lý do từ phụ huynh, từ những cách điều khiển con học không đúng cách, đôi khi theo kiểu nhồi nhét. Có những mục tiêu mà phụ huynh đặt thêm ra so với chuẩn của Bộ GD&ĐT mà không kể đến có phù hợp từng lứa tuổi hay không, con mình có năng lực hay không? 

 Nếu cứ giảm tải theo kiểu “gọt quả núi thấp xuống” thì sẽ hỏng hết giáo dục. Một bài học chúng ta đang nhận lấy đó là điểm 9, điểm 10, danh hiệu học sinh giỏi nhiều không đếm xuể ở các cấp tiểu học hay THCS. Thay bằng giúp học sinh leo lên thì thầy cô đã bồng bế học sinh lên. Thay vì động viên, khích lệ các em cố gắng thì thầy cô đã trao cho các em những “vinh quang” giả tạo. Những niềm vui giả dối đó có thực sự tốt cho các em hay chỉ góp phần xoá dần động cơ sự phấn đấu?”, TS Lê Thống Nhất phân tích.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng bố mẹ nào cũng có kỳ vọng vào con cái, nhưng hãy ít thôi và luôn phải đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ con. Hãy hiểu cho những nỗi niềm của con, đừng đặt mục tiêu con phải vào trường điểm, trường đại học hàng đầu, mà hãy động viên con cố gắng, nếu không đạt được vẫn có những lựa chọn khác phù hợp hơn. “Nhiều phụ huynh sai lầm khi cho rằng càng lên lớp trên mới càng quan trọng, và lơ là những năm học đầu đời. Theo tôi, ngay từ bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô đã cần phải sát sao, động viên con, khích lệ con và làm gương cho con, tạo cho con sự hứng thú, tự giác với việc học. Thay vì suốt ngày cầm điện thoại, cha mẹ hãy cầm cuốn sách. Thay vì quát mắng bắt con học bài, hãy dành thời gian ngồi cùng con, chia sẻ với con niềm vui hoặc những băn khoăn khi đến trường”, TS Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ quan điểm.

Đứng trên góc độ là một người chuyên nghiên cứu tâm lý tuổi trẻ vị thành niên, chuyên gia tư vấn Lê Thị Túy cho biết áp lực học tập không phải là vấn đề mới, nhưng các hành vi gây hại cho các em đang có xu hướng gia tăng. Trước đây, khi sống trong xã hội có yếu tố truyền thống nhiều hơn, một đứa trẻ được hỗ trợ tâm lý bởi bố mẹ, ông bà, họ hàng, làng xóm. Ngày nay, trong xã hội đô thị hóa, mỗi gia đình sống trong các căn hộ biệt lập, trách nhiệm chính trong việc giáo dục con cái thuộc về bố mẹ. Nhưng chính bố mẹ cũng không có thời gian tâm sự với con. Nếu có thì cũng chỉ được vài câu rồi lại chăm chú vào điện thoại, máy tính… Bởi vậy, những đứa trẻ ngày càng cô đơn, không có môi trường để giải tỏa những căng thẳng. “Sức ép từ áp lực học hành, thi cử càng cho thấy sự cần thiết và gấp rút hình thành các văn phòng tư vấn tâm lý học đường tại các trường học. Nó không chỉ giúp các em giải toả được những vấn đề trong học hành mà còn về sức khoẻ giới tính, tình yêu, tình dục, cách xử lý các mối quan hệ bạn bè và trong xã hội...”, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc nêu giải pháp.

Tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất:

Áp lực học hành cho con: Thế nào là đủ? ảnh 2

Nếu cứ giảm tải theo kiểu “gọt quả núi thấp xuống” thì sẽ hỏng hết giáo dục. Một bài học chúng ta đang nhận lấy đó là điểm 9, điểm 10, danh hiệu học sinh giỏi nhiều không đếm xuể ở các cấp tiểu học hay THCS. Thay bằng giúp học sinh leo lên thì thầy cô đã bồng bế học sinh lên.

Cha mẹ ngồi bê bết tại cổng trường là một sức ép lớn

Áp lực học hành cho con: Thế nào là đủ? ảnh 3

Trên trang facebook cá nhân của mình, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng có những chia sẻ về câu chuyện này: “Các cha mẹ luôn kết tội: Việt Nam lạc hậu. Suốt ngày thi cử nặng nề, áp lực. Thế giới bỏ thi lâu lắm rồi. Sai! Thưa các bố mẹ, chả nước nào không thi. Bỏ qua châu Á, nơi các bố mẹ coi thường và nghĩ là thi cử nặng nề, châu Âu nhé, mỗi kì thi, rất nhiều nơi tại châu Âu, toàn bộ đất nước nghỉ làm để các bố mẹ đi phục vụ kì thi cho các con liên tục trong cả tuần. Bọn trẻ thi tốt nghiệp là thi tất cả các môn, học môn nào thi môn đó. Và đương nhiên là cũng toán, lý, hóa, văn, sử, địa.... như Việt Nam. Bọn trẻ châu Âu đã thi là vừa viết, vừa vấn đáp, cực khó. Bọn trẻ học rạc người. Khóc á, là gì, đầy cháu tọp người đi vì kì thi... Tại sao vẫn cần kì thi? Vì cá chép phải có khó khăn mới hóa rồng được”.

Cũng theo chị, việc của phụ huynh cần làm để giúp con giảm áp lực là phải động viên, đặt lòng tin nhưng không phải sức ép vào con. Luôn nói với con là bố mẹ tin tưởng ở con, việc học là của con, con muốn thi vào trường nào là do con chọn. Ngoài ra, phụ huynh nên tổ chức cuộc sống, sinh hoạt như bình thường để trẻ không cảm thấy sự gay gắt và quyết liệt của kì thi làm u ám cuộc sống của mình, kì thi là quan trọng nhưng không có gì phải quá lo lắng. “Chính những bóng dáng cha mẹ ngồi bê bết tại cổng trường lại là một dạng sức ép lớn lên các sĩ tử. Nhiều em đã òa khóc khi nhìn thấy bố mẹ, không phải vì buồn do không làm được bài mà cảm thấy mình quá bất hiếu, đã làm khổ cha mẹ. Đó cũng có thể trở thành một trong những nguyên nhân khiến trẻ làm điều dại dột nếu chẳng may kì thi không đạt như ý nguyện”, nữ tiến sĩ nhận định. 

MỚI - NÓNG