Các cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi đơn kêu cứu lên thủ tướng vì Covid-19

Sinh viên được kiểm tra thân nhiệt khi quay lại trường học
Sinh viên được kiểm tra thân nhiệt khi quay lại trường học
TPO - Tập thể cơ sở giáo dục ngoài công lập trên toàn quốc vừa gửi kiến nghị thư lên Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19.

Tính đến 15h chiều 5/3, đã có 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập ký vào kiến nghị thư gửi Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập gửi đơn kêu cứu lên thủ tướng vì Covid-19 ảnh 1
Trong kiến nghị thư, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho biết tính đến năm học 2020-2021, khối giáo dục ngoài công lập toàn quốc có gần 2 triệu học sinh. Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ khối tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài đã giúp giảm đáng kể áp lực lên ngân sách nhà nước dành cho giáo dục.

Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam và trong tương lai gần có thể vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp.

Hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai là vô cùng tàn khốc.

Theo thống kê từ các điều tra của báo chí trước đó, chỉ có khoảng 20% cơ sở giáo dục ngoài công lập thực sự có lãi, còn 40% ở mức tồn tại được và có đến 40% vẫn đang phải chịu lỗ. Chính vì thế, khi có suy giảm và khủng hoảng như thế này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản.

Khảo sát của tập thể các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi.

Việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam.

Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và HN thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc.

Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn. Phản ứng dây chuyền sẽ là khủng khiếp, cả về mặt tài chính và hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, nhưng nghiêm trọng hơn là giáo dục Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19.

“Chúng tôi đã kiệt sức! Về tài chính, về năng lượng và cả ý chí! Chúng tôi khẩn cầu cơ quan ban ngành đồng cảm và chia sẻ với sự khó khăn chưa từng có mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang đối mặt” – kiến nghị thư viết.

Trước những khó khăn và diễn biến bất lợi đó, tập thể các cơ sở giáo dục ngoài công lập khẩn thiết đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét và thông qua một gói các phương án hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trong đó, khi điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, cho phép các cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ học sinh, chương trình học tập đúng tiến độ, có doanh thu và đảm bảo đời sống cho giáo viên, cán bộ công nhân viên.

Miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội;

Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập;

Công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy. Đồng thời đây chính là cách để số hoá nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.