Cái kết có hậu với cô sinh viên đặc biệt

Nguyễn Thị Thanh Trâm, sinh viên Trường Khoa học xã hội và Nhân Văn, Hà Nội
Nguyễn Thị Thanh Trâm, sinh viên Trường Khoa học xã hội và Nhân Văn, Hà Nội
TPO - Nhân vật trong bài “Cô gái có hoàn cảnh đặc biệt và 28 điểm khối C” đăng trên báo Tiền phong được bạn đọc hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng trong suốt 4 năm đại học.

Tháng 7/2019, Báo Tiền phong đăng bài “Cô gái có hoàn cảnh đặc biệt và 28 điểm khối C” nói về nghị lực vươn lên của Nguyễn Thị Thanh Trâm, học sinh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh giành 28 điểm khối C trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Sau khi đọc báo, một doanh nghiệp tại Hà Nội thông qua phóng viên đã đề nghị được hỗ trợ, giúp đỡ Thanh Trâm để em vơi bớt khó khăn trong chặng đường theo học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG Hà Nội). Cụ thể, mỗi tháng, doanh nghiệp này sẽ chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của Trâm mỗi tháng 3 triệu đồng, từ tháng 1/2020. 

Nhận được thông tin, Thanh Trâm chia sẻ, em rất bất ngờ, cảm động và biết ơn tấm lòng của nhà hảo tâm. Được biết, từ khi nhập học ngành Đông Phương học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội), cô đã đi làm thêm bằng việc bưng bê ở quán cà phê với giá 15.000 đồng/ giờ tiền công tuy nhiên năm đầu tiên, lịch học khá dày, không có nhiều thời gian đi làm nên tiền lương không được bao nhiêu. Trâm tâm sự: “Tiền học phí cộng tiền sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nên em khá chật vật. Em đang lo lắng cho những học kỳ tiếp theo chưa biết xoay xở ra sao thì được giúp đỡ”. 

Trâm nói, em sẽ học tập nghiêm túc, tập trung nhiều cho ngoại ngữ để sau này làm phiên dịch hoặc công việc trong các cơ quan ngoại giao.

Từng là học sinh giỏi quốc gia

Thanh Trâm vốn sinh ra ở miền quê nghèo xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, năm 2013 gia đình Trâm gặp biến cố, từ đó, một mình bố Trâm là ông Nguyễn Thừa Vượng năm nay 57 tuổi lăn lộn làm thuê bất kể nắng mưa để nuôi 3 đứa con, 2 gái, một trai. Ông Vượng làm nghề thợ cốt pha, mỗi ngày được trả công từ 200 đến 250 nghìn.

Tuy nhiên, Hà Tĩnh có những tháng trời mưa tầm tã, không có việc, vì thế kiếm được đồng nào, cha con phải chi tiêu chắt bóp để “bữa no lo bữa đói”. Vất vả là vậy nhưng các con của ông không một lời kêu ca. Đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Năm 2017, ThanhTrâm thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, sau đó em trai cũng thi đỗ vào lớp chuyên sinh của trường này.

Sau khi biết con gái Thanh Trâm đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia, ông Vượng không giấu được vui mừng nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang vì tuổi cao, sức yếu, cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương những ngày đi phụ hồ, bốc vác của ông. Chưa kể, những năm gần đây, ông cảm thấy sức khoẻ đi xuống.

 
Cái kết có hậu với cô sinh viên đặc biệt ảnh 1  
Phòng trọ, nơi nhiều năm liền 3 cha con ông Vượng ở.

Ông Vượng kể, năm 2013, khi đang ở quê nhà xã Sơn Long, con gái lớn thi đỗ ĐH nhưng không có tiền con  đành nghỉ học đi làm công nhân. Thương con, nhiều đêm mất ngủ, cuối cùng ông quyết định dù khó khăn thế nào cũng không để 2 đứa con nữa thất học.

Buổi sáng một ngày giữa tháng 1/2013, ông nhớ, mình đã rớt nước mắt khi phải đưa con trai út khi đó 8 tuổi ra tận Thanh Hóa để gửi nhờ một người họ hàng, gửi con gái thứ 2 ở quê còn ông cuốn quần áo về TP Hà Tĩnh kiếm việc làm.

Những ngày đầu, mỗi tuần ông đi đi về về lấy tiền nuôi con. Nửa năm sau, ông mới có tiền thuê trọ, đưa hai con về sống cùng, chuyển trường cho con về TP. 3 cha con sống lay lắt bằng những đồng tiền còm cõi làm thuê của ông. 

Căn phòng trọ hơn chục mét vuông cha con ông thuê ở Phường Đại Nài, cách xa trung tâm TP để tiết kiệm tiền thuê trọ. Ông kể, trước đây mỗi tháng cha con phải mất khoảng 800 nghìn đồng cộng thêm 300 nghìn điện nước. 3 cha con trú ngụ trong căn phòng 16 mét vuông, lợp mái tôn. Căn phòng không có gì đáng giá, ngoài góc học tập với nhiều sách vở được kê gọn gàng. 8 năm qua, 3 cha con vẫn phải ngủ chung trên một chiếc giường nhỏ.  

Không được học hành đến nơi đến chốn nhưng người cha của Trâm tự tin mình là người có phương pháp dạy con. Từ bé, ông chỉ dỗ dành, khi con lớn hơn ông thường lấy những câu chuyện tốt, xấu ở ngoài xã hội về “nói xa, nói gần” cũng để răn con. Suốt hơn 20 năm nuôi con, ông cho biết, mình chưa từng nặng lời, đừng nói là đánh con. Mỗi năm, ông gọi các con ngồi lại họp kiểm điểm 2 lần, trong đó ông luôn đặt câu hỏi “Cha có làm điều gì sai không”, nếu con không chỉ ra được ông sai điều gì thì ông cũng yêu cầu ngược lại: “Các con không được làm sai điều gì”. 

Ông bảo, dù nghèo nhưng ông luôn xác định, mình sống phải làm gương cho con nên ông không bao giờ tụ tập rượu bia, thuốc lá. Có những lúc vất vả, khổ sở muốn gục xuống nhưng ông nghĩ mình phải làm điểm tựa cho con nên lại gắng gượng để sống vui vẻ, lạc quan. 

Trong kỳ thi THPT quốc gia, Thanh Trâm đạt 28 điểm 3 môn xét tuyển khối C, trong đó môn Lịch sử 10 điểm; Địa lý 9,5 điểm và Ngữ văn 8,5 điểm. Trâm cũng là học sinh có thành tích xuất sắc, năm 2019 giành giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử; Năm 2018 em giành giải Ba cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. 

MỚI - NÓNG