Chạy… chữ mùa lũ

Thầy cô phơi sách vở bị nước mưa dầm ướt.
Thầy cô phơi sách vở bị nước mưa dầm ướt.
TP - Mỗi trận lũ về cả ngôi trường lại ngập trong nước lũ, có khi nước dâng cao lên cả mét, bùn non từ sông, ruộng tràn vào ngập ngụa. Đợi nước rút, thầy trò lại bì bõm, xắn quần dọn bùn, lau rửa bàn ghế, phơi sách vở và học “chạy” cho kịp chương trình. Thế nhưng chưa bao giờ giấc mơ con chữ thôi cháy bỏng với cả thầy và trò vùng rốn lũ bên sông Thu Bồn. Những câu chuyện xúc động được viết nên ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

“Xé rào” tới lớp

Lũ đã ra khỏi làng hơn tuần nay, nhưng đường vào xã Duy Vinh vẫn còn lấm lem bùn đất, ổ voi ổ gà lồi lõm, nước còn đóng vũng ngập hơn nửa lốp xe. Sân trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm phía cuối cánh đồng làng cũng tàn tạ. Cây cối xơ xác bạc phếch một màu bùn, thầy trò vào trường vừa đi vừa né những vũng lầy choán lấy mặt sân.

Ngơ ngác trước cảnh trường tan hoang, bất chợt tiếng học trò đọc bài văng vẳng phát ra từ những lớp học còn in dấu nước dâng phả lên mùi bùn non tanh nồng khiến chúng tôi cay cay sống mũi. Nhắc lại ngày đầu lên trường dọn lũ, thầy cô vẫn còn rùng mình. Không ai ngờ trận lũ năm nay ngập sâu đến vậy, dù trước đó trường đã kê bàn ghế, chất đồ đạc lên cao. “Nước vừa ra khỏi nhà là tui chạy lên trường. Ôi trời ơi không tin vô mắt mình! Tường thì bùn bám lớp, bàn ghế đổ rạp, cột cờ trước sân cũng bị quật ngã. Sách vở, máy móc ngâm hết trơn trong nước, chả biết bắt đầu dọn từ đâu nữa”, thầy Nguyễn Tấn Sinh, giáo viên môn Văn, nhớ lại. Sau một tuần thầy cô lăn lộn cật lực dọn dẹp, trường sẵn sàng đón trò tới lớp dù mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang.  

Dưới cột cờ, hàng trăm đầu sách trải kín ghế đem phơi nắng sau trận ngâm nước dài ngày. Thầy Lê Đấu - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngày nào thầy cô cũng đội nắng ngồi lật từng trang, mong cứu được tủ sách của trường. Cuốn nào hơi khô khô thì đem ủi cho phẳng phiu rồi cất lại, cố sao cho chữ trong sách không bị nhòe.

Giọng thầy trầm buồn: “Hôm rồi bão số 12 hoành hành, tôi hỏi lũ vào nhà các con có bị trôi mất chi không? Mấy em hồn nhiên nói: dạ không thầy, nhà con có của cải chi mô mà trôi. Tui đắng cả cổ. Ở cái vùng rốn lũ này, mưa bão khiến người ta muốn giàu lên cũng khó!”.

Duy Vinh vốn là vùng trũng thấp, lại như một ốc đảo bị vây quanh bởi sông và ruộng. Lũ về, cả vùng lại ngập trong biển nước. Cũng chính lúc này, nỗi lo cô bỏ trò, trò bỏ lớp lại ập tới. Cây cầu Hà Tân bắc qua sông Duy Vinh (một nhánh của sông Thu Bồn) sau trận lũ như cành củi mục, sụt lún, đứt gãy nhiều đoạn có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Đây lại là con đường tới lớp độc đạo hàng ngày của phần lớn thầy cô trong trường.

Cô Trần Thị Lộc (Tổng phụ trách Đội) kể: “Sau lũ người ta giăng rào, đổ đá chắn cầu lại không cho qua vì sợ sập. Nhìn cây cầu cong như chiếc võng, nhiều đoạn lún xuống cũng ớn, mà không đi thì bỏ trò, bỏ lớp cho ai. Lũ đã nghỉ mất cả tuần, giờ mình nghỉ nữa thì mấy em hụt bài vở hết, nên đành liều xé rào qua cầu, vừa đi vừa nổi da gà, nhưng chỉ cần nghĩ ở lớp trò đang đợi mình là can đảm chạy tiếp”. Những ngày này, hàng chục thầy cô trong trường vẫn liều qua cầu bằng cách ấy. “Mỗi lần xách xe đi dạy tôi phải kẹp trước xe chiếc áo phao, tới đầu cầu thì dừng lại mang vào chạy qua, lỡ cầu sập có rớt thì mình vẫn nổi mà bơi vô bờ. Nhiều bữa vội quá, qua hết cầu rồi mà áo phao vẫn chưa kịp tháo, cứ vậy chạy thẳng tới trường. Bà con hai bên đường cười miết mà mình không biết họ cười chuyện chi. Chắc chỉ có vùng này thầy cô mới đi xe máy mà mang áo phao thôi”, cô Lộc tếu táo. Không chỉ thấp thỏm cho mình, giáo viên trong trường cũng đứng ngồi không yên khi mỗi ngày, có rất nhiều phụ huynh phải chở con qua cầu mới tới được lớp. Chẳng biết bao giờ cầu Hà Tân mới sửa chữa. Giờ thầy cô chỉ mong có thêm áo phao cho cả phụ huynh, học sinh thường xuyên qua lại cây cầu tử thần này.

 Xin cơm cho trò

Lũ rút cũng là lúc con đập qua thôn Đông Bình tan hoang theo dòng nước. Hàng chục học sinh ở thôn này để đến trường phải lụy đò. Nhìn đám học trò trên con nước chòng chành không khỏi bất an trong lòng, thầy cô trong trường bàn tính chuyện cho các em ở lại trường qua trưa, ít nhất cũng đỡ phần nào hiểm nguy chờ chực. Nhưng kinh phí nào để lo chuyện đó?! Câu hỏi cứ đau đáu trong lòng, thầy Nguyễn Tấn Sinh – giáo viên môn Văn bèn đảm nhận việc huy động các nhà tài trợ. Thầy lên mạng xã hội kêu gọi các bạn bè, nhà hảo tâm ủng hộ. Đây không phải lần đầu tiên đi xin tiền tài trợ, ít nhiều thầy cũng có chút kinh nghiệm khi đi vận động hỗ trợ, phát thưởng cho học sinh nghèo.

Chạy… chữ mùa lũ ảnh 1 Bữa cơm trưa cho học sinh trường do thầy Nguyễn Tấn Sinh vận động nhà hảo tâm hỗ trợ.

“Mấy chuyện liên quan đến tiền bạc thì tế nhị lắm, không rõ ràng là mệt. Tiền xin phải đúng mục đích và sử dụng đúng mục đích. Xin được đồng nào, chi tiêu như thế nào đều phải minh bạch, công bố rõ ràng cho mọi người hay biết” -  thầy Sinh chia sẻ.

Tấm lòng của người thầy nhanh chóng nhận được những phản hồi tích cực. Bạn bè làm ăn xa thăm hỏi rồi gửi tiền ủng hộ. Các thầy cô trước từng công tác tại trường hiểu nỗi khó của thầy trò cũng góp mỗi người chút ít. Số tiền huy động được 5 triệu đồng. “Thầy cô ai cũng tất bật vừa dạy học vừa dọn lũ nên không có thời gian để đi chợ nấu cơm, trường đành phải thuê người dân gần đó nấu hộ. Mỗi suất ăn 15 ngàn đồng. Các em ăn đều khen ngon” - thầy Sinh cho hay.

Chạy… chữ mùa lũ ảnh 2 Thầy Nguyễn Tấn Sinh chở gạo cứu trợ về tận nhà cho các em.

Em Lê Hiếu, học sinh lớp 9, vui vẻ: “Mấy ngày mưa lũ ở nhà toàn ăn cơm với rau, mắm nay đến trường lại ăn cơm có thịt, cá. Biết thầy cô rất thương nên ba mẹ luôn nhắc phải gắng học tập”.

Để yên tâm hơn, các thầy cô phân công người ở lại qua trưa cùng các em. Cô Trần Thị Lộc - giáo viên tổng phụ trách Đội rưng rưng xúc động khi nhìn các em háo hức bên từng phần cơm, chia nhau từng miếng thịt, con cá cùng ăn. “Hình ảnh ấy khiến tôi hạnh phúc lắm. Giữa cái nghèo cái khó dường như người ta sẽ biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Cái nghĩa cái tình ấy cũng bắt đầu ăn sâu vào các em rồi”.

Hai hôm sau, thầy cô mừng quýnh khi hay tin con đập đã được người dân sửa lại. Những đoạn đập bị cuốn trôi được kè vào những bao cát, có thể lội bộ qua nên học sinh không cần phải ở lại trường qua trưa nữa. Xem như cũng gỡ được một nốt thắt. Nhưng còn nhiều hoàn cảnh nghèo khó thương tâm cần được giúp đỡ. Có em thì mẹ mắc bệnh ung thư, nhà nghèo khó nên hết giờ học trên lớp thì giúp việc mưu sinh cùng gia đình. Có gia đình nghèo và trong cảnh gà trống nuôi con, một tay người cha nuôi 3 đứa con nhỏ… Ở vùng quê trũng nước này cái nghèo cái khó “bó” lấy không cho người ta cơ hội để thoát ra. Quanh năm làm lụng dành dụm được chút ít rồi con lũ lại tràn vào cuốn đi tất cả.  “Quan trọng nhất vẫn là duy trì việc học của các em, không để các em vì thiếu, đói mà bỏ trường bỏ lớp. Các phụ huynh cũng cố gắng hết sức để cho con em được đi học. Là thầy cô, nhìn các em vẫn vượt khó đến trường xem như đó cũng là món quà lớn rồi. Chúng tôi cố gắng kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ được phần nào hay phần đó. Số tiền còn lại có thể chuyển sang giúp đỡ các học trò nghèo” - thầy Sinh chia sẻ.

Gỡ được nốt thắt cho các học trò thôn Đông Bình nhưng nỗi lo lớn hơn còn ngay ngáy khi sắp tới các em học trò thôn Vĩnh Nam cũng rơi vào cảnh lụy đò bởi cây cầu Hà Tân sụt lún nghiêm trọng bị cấm lưu thông. Thầy Đấu chau mày nhẩm tính, có khoảng hơn 100 em học sinh của trường ở thôn Vĩnh Nam. “Nếu có xây được cầu mới cũng phải mất cả năm trời. Số lượng học sinh thì lớn nên hỗ trợ bữa trưa cho học sinh cũng khó mà khả thi” - thầy Đấu nói.

“Lúc tui xé rào chạy qua cầu đi dạy, nhiều người nói mắc chi mà liều mạng rứa? Nguy hiểm rõ ràng trước mắt rồi không lo né đi còn lao vô. Nhưng tui nghĩ trò đang đợi mình ở bên kia, nhiều em cũng vì con chữ mà phải đi qua cầu này, răng tui có thể quay đầu bỏ lớp được!”.

Cô Trần Thị Lộc trải lòng

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.