Chênh lệch điểm chuẩn lớp 10 'khủng': Tảng băng chìm chất lượng giáo dục?

PGS Chu Cẩm Thơ
PGS Chu Cẩm Thơ
TPO - PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng sự chênh lệch điểm chuẩn quá lớn vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội là rất đáng suy ngẫm khi tiếp cận từ chất lượng giáo dục.

Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm 2019 cho thấy sự chênh lệch đầu vào rất lớn giữa các trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn.

Trong 112 trường THPT công lập của thành phố, 23 trường lấy trên 40 điểm, chủ yếu thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

Điểm chuẩn cao nhất là trường Chu Văn An (quận Tây Hồ) với 48,75. Theo cách tính điểm xét tuyển của Hà Nội, thí sinh phải đạt trung bình  trên 8 điểm mới đỗ. Nếu cả bốn môn đạt 8 - mức điểm giỏi, các em vẫn trượt do năm nay không cộng điểm ưu tiên.

Trái ngược lại, ba trường THPT Đại Cường (Ứng Hòa), Mỹ Đức C (Mỹ Đức), Minh Quang (Ba Vì) lấy điểm chuẩn là 16. Học sinh chỉ cần 2,7 điểm mỗi môn là trúng tuyển.

Vậy đây có phải là một nghịch lý cũng như là điều đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông hay không?

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT; Nhà sáng lập, Giám đốc nghiên cứu và phát triển POMATH cho rằng, sự chênh lệch này rất đáng suy ngẫm khi tiếp cận từ chất lượng giáo dục.

Có sự ngầm ẩn trong phân nhóm các trường?

PV: Thưa PGS Chu Cẩm Thơ,  năm nay có sự chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội là rất lớn. Theo bà sự chênh lệch này nói lên điều gì?

PGS Chu Cẩm Thơ: Tôi có theo dõi tuyển sinh vào lớp 10 của một số tỉnh thành thì nhận thấy có hiện tượng điểm chuẩn vào các trường khá chênh lệch. Đặc biệt ở Hà Nội, năm nay, khoảng cách điểm chuẩn của trường cao nhất và thấp nhất khối công lập lên tới hơn ba mươi điểm (gấp 3 lần). Với tôi, sự chênh lệch này rất đáng suy ngẫm khi tiếp cận từ chất lượng giáo dục.

Chúng ta đã biết, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 được nhiều tỉnh thành áp dụng với mục tiêu tuyển chọn những học sinh có nguyện vọng tiếp tục học tập cấp THPT, tuy nhiên, một ý nghĩa ngầm ẩn từ kì thi này đó là đánh giá phần nào chất lượng giảng dạy ở các nhà trường cả THCS và THPT.

Mặc dù chỉ qua một kì thi, với sự hạn chế của nội dung được đánh giá qua bài thi nhưng rõ ràng khoảng cách rất lớn về điểm chuẩn này đã chỉ ra sự chênh lệch về chất lượng dạy và học (chỉ xét theo tiêu chí của kì thi, chẳng hạn với Hà Nội là thông qua 4 môn được đánh giá và chủ yếu là đánh giá kiến thức).

PV: Vậy theo bà, có phải chúng ta đang có các các trường với chất lượng không tương đương nhau?

Hiện nay, trong mô hình giáo dục của chúng ta, trừ hệ thống trường chuyên thì các trường công lập đều được cấu trúc, hoạt động tương đương nhau về chương trình, nội dung, …, được đầu tư và quản lí trực tiếp bởi UBND các địa phương, đơn vị quản lí chuyên môn tương đương (UBND Huyện, Phòng giáo dục đối với trường THCS, UBND Tỉnh, Sở giáo dục và đào tạo đối với trường THPT), tuy nhiên chất lượng thì không hề tương đồng.

Điều này dẫn đến những câu hỏi: Liệu rằng chất lượng giáo dục mang tính địa phương và chênh lệch là do sự lãnh đạo, đầu tư hay truyền thống học tập ở mỗi địa phương là khác nhau?

Có hay chăng có sự ngầm ẩn trong phân nhóm các trường, có trường trọng điểm dẫn tới chất lượng tốt hơn? Ở một suy nghĩ tích cực, tôi lại có câu hỏi: những trường có chất lượng tốt hơn có phải họ đã có cách vận hành khác biệt, họ đã tự xây dựng một chương trình nhà trường tốt, có đội ngũ tốt hơn?, ….

Những trả lời cho các câu hỏi trên, dù kết quả thế nào thì tôi tin rằng sẽ đều cho thấy bức tranh rất phong phú, phức tạp về giáo dục ở các địa phương.

Có một cuộc đua chỉ chú trọng đến kiến thức

PV:  Cuộc thi vào lớp 10 cả nước nhất là Hà Nội và TP.HCM luôn gây áp lực lớn? Theo bà, làm sao để có thể giảm áp lực này?

Chúng ta đã biết, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia thì việc phân luồng học sinh sau THCS là một vấn đề rất quan trọng. Thực tế các học sinh có nguyện vọng, năng lực rất khác nhau, và ở thời điểm tốt nghiệp THCS, các em phải lựa chọn việc học tiếp THPT để theo học ở các cấp cao hơn hay học nghề để phục vụ cuộc sống. Có nhiều em có nguyện vọng nhưng năng lực không phù hợp và ngược lại, không nhất thiết phải vào đại học, cao đẳng mới đảm bảo cuộc sống nên các em có thể lựa chọn học nghề.

Ở  tầm quốc gia, việc phân luồng này đảm bảo cơ cấu ngành nghề và sự cân bằng lao động của xã hội. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, khi số lượng học sinh rất lớn, cuộc sống đô thị dẫn tới sự lựa chọn của các em và gia đình chủ yếu tập trung vào việc học THPT để tiếp tục học Đại học về sau.

Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến áp lực mà chúng ta đang nói đến ở đây. Để giảm áp lực này chúng ta không thể chỉ tính đến các biện pháp thuộc phạm vi ngành giáo dục. Bởi đây là vấn đề lớn của xã hội, có ảnh hưởng đến trước mắt là quy mô trường lớp nhưng lâu dài là ảnh hưởng đến cơ cấu nhân lực.

 Có hai việc chúng ta cần tập trung làm tốt hơn, đó là: thứ nhất củng cố chất lượng mạng lưới giáo dục thể hiện ở việc đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giữa các nhà trường được đồng đều trên cơ sở dự báo tốt nhu cầu ở địa phương (càng vi mô càng tốt).

Hiện nay có sự phát triển số lượng cục bộ ở các thành phố lớn, vì dân số đông, nhu cầu cao, trường lại không đủ để đáp ứng nên sự cạnh tranh rất cao, điểm chuẩn vì thế sẽ cao; trong khi một số khu vực ngoại thành, nhu cầu không nhiều nên dẫn đến điểm tuyển sinh thấp, đó là chưa kể tới có nhiều trường ngoài công lập được phép tuyển sinh trên phạm vi rộng nên sự dịch chuyển thí sinh về các trường này cũng dẫn đến sự phân bố rất lệch trong nhóm thí sinh được điểm cao.

Thứ hai, chúng ta phải làm tốt hơn nữa việc giáo dục định hướng nghề nghiệp đảm bảo các em chuẩn bị tốt nghiệp THCS đều có trải nghiệm nghề nghiệp, về cơ bản ý thức được sự lựa chọn của mình, điều này sẽ dẫn đến sự lựa chọn học tiếp THPT hay học nghề của các em sẽ chủ quan hơn và vì thế công tác dự báo cho sự phân luồng sau THCS tốt hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, sự chênh lệch điểm chuẩn này có một phần xuất phát từ mong muốn của phụ huynh có một trường tốt? Vậy căn nguyên theo bà có phải là thiếu trường công lập tốt so với kì vọng của phụ huynh không?

Là một phụ huynh, tôi nghĩ mong muốn con mình được học ở một ngôi trường tốt là tất nhiên. Tuy nhiên, quan niệm thế nào là một trường tốt thì chưa chắc đã có sự đồng nhất ở tất cả các phụ huynh cũng như cơ quan quản lí.

Hiện nay, vì một lí do nào đó mà dẫn đến hầu hết chúng ta nhận dạng trường tốt thông qua việc vị trí xếp hạng các trường dựa trên thành tích của học sinh và giáo viên mà chủ yếu là của học sinh (qua các kì thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi các cấp, …). Đây là một hiện tượng không hề hợp lý trong bối cảnh giáo dục phổ thông.

Tôi cho rằng, một trường tốt phải được xét trên các tiêu chí: chương trình nhà trường phải giúp học sinh được phát triển năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đáp ứng được chương trình đó, đặc biệt là tốt phải là phù hợp với con của mình.

Điều này ít phụ huynh quan tâm, dẫn đến một cuộc đua, một quá trình rèn luyện khắc nghiệt dành cho con em mình, vô tình dẫn tới chúng ta chỉ chú trọng đến kiến thức, học vì các bài thi chứ không quan tâm đến việc học vì tương lai của các em, đến sở thích, đến điểm mạnh, đến sức khỏe, nhất là sự chủ động học tập – điều rất cần thiết ở lứa tuổi sắp trưởng thành.

Tôi hy vọng các địa phương quan tâm đến đảm bảo chất lượng các nhà trường theo các tiêu chí mà ngành giáo dục đang xây dựng, chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục toàn diện để giúp các phụ huynh  và xã hội nhận diện trường tốt, trường phù hợp trong chiến lược phát triển của con em họ.

Xin cảm ơn PGS Chu Cẩm Thơ!

Thầy Đào Tuấn Đạt, Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Anxtanh (Hà Nội): Chỉ có thi mới công bằng và phải chấp nhận áp lực

Sự chênh lệch điểm chuẩn  vào lớp 10 tại Hà Nội vừ qua chứng tỏ chênh lệch trình độ học sinh, tức là chất lượng đầu vào giữa các trường. Chất lượng đầu vào ảnh hưởng đến kết quả đầu ra. Nguyên nhân trong đó là do chất lượng học của học sinh ở cấp THCS.

Việc giảm áp lực thi vào lớp 10không thể giảm ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM được vì số học sinh quá đông. Việc thi dẫn đến áp lực là chuyệnbình thường. Quan trọng nhất là làm sao có sự công bằng đã đạt được thông qua kỳ thi này.

Mong muốn của phụ huynh khi con minh được vào một trường tốt là đúng. Khi tất cả là trường tốt thì vẫn sẽ có trường tốt hơn. Và cuộc đua lại tiếp tục là bình thường.

Đáng ra, vào lớp 10 có thể qua cách xét quá trình học tập thì có thể giảm áp lực. Tuy nhiên,  xét học bạ hiện nay thì kết quả sẽ không chính xác. Nói chung, chỉ có thi mới công bằng và phải chấp nhận áp lực.

MỚI - NÓNG