Chính phủ nêu quan điểm về Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi

Sắp tới, hiệu trưởng có thể cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho các HS học hết lớp 12
Sắp tới, hiệu trưởng có thể cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho các HS học hết lớp 12
TP - Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề trọng tâm như nâng chuẩn giáo viên, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), quy định nhiều bộ sách giáo khoa...

Không đưa vào Luật triết lý giáo dục

Về quy định triết lý giáo dục, cơ bản có hai loại ý kiến. Trong đó, phần lớn các ý kiến góp ý đồng tình với quan điểm triết lý giáo dục đã được thể hiện trong các quy định về mục tiêu của giáo dục (Điều 2), tính chất, nguyên lý giáo dục (Điều 3), yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục (Điều 7) và phát triển giáo dục (Điều 11) của Dự thảo Luật Giáo dục, trong Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, trong Dự thảo, không cần phải có  một chương hay điều luật riêng  có tên là “ triết lý giáo dục”. Một số ít ý kiến đề nghị hợp nhất Điều 2 (Mục tiêu giáo dục) và Điều 3 (Tính chất, nguyên lý giáo dục) thành một điều là “Triết lý giáo dục”, làm kim chỉ nam cho phát triển giáo dục nước nhà.

Chính phủ đồng ý với nhóm ý kiến thứ nhất,  không đưa vào dự thảo Luật Giáo dục một chương hoặc điều với tên gọi là “triết lý giáo dục”; tiếp tục hoàn thiện quy định về mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục và chuyển vị trí Điều 11 về phát triển giáo dục lên thành Điều 3 nhằm thể hiện rõ triết lý giáo dục và để nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo ở Việt Nam và cụ thể hóa Điều 61 của Hiến pháp 2013.

Miễn học phí THCS theo lộ trình

Về chính sách học phí, Chính phủ cho biết đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân và giữ quy định về học phí của dự thảo luật.

Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nâng chuẩn đào tạo của nhà giáo

Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, cơ bản có 2 loại ý kiến. Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định tại dự thảo luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì có bằng tốt nghiệp ĐH và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH…

Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục

Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, có 3 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật khi bổ sung quy định: học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong luật Giáo dục nghề nghiệp.

Quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của luật Giáo dục hiện hành vì không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho HS đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp, chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT. Dự thảo luật cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH vì việc tuyển sinh ĐH thuộc về quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và xác định rõ mục đích của việc cấp giấy chứng nhận. Quy định này đảm bảo thực hiện được vấn đề liên thông đối với người học. Có ý kiến đề nghị dự thảo luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà nên giao Bộ GD&ĐT quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính linh hoạt và quản lý ngành đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số và bổ sung quy định: học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và sửa đổi quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Vấn đề tuyển sinh ĐH thực hiện theo quy định của luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).

MỚI - NÓNG