Cho học sinh dùng điện thoại: Cần hướng dẫn cụ thể hơn

Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học, thầy cô khó kiểm soát?
Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học, thầy cô khó kiểm soát?
TP - Với quy định mới cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng, phải có hướng dẫn cụ thể hơn, nếu không sẽ làm khó các trường.

Tin tưởng mới giao điện thoại cho con

Điều 37, Thông tư 32 Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định những hành vi học sinh không được làm, trong đó có nội dung: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, có thể hiểu, học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nếu giáo viên cho phép. Đây là điểm mới, khác hoàn toàn với Thông tư 12 trước đây (cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học).

Bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trường Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, khi được cho phép, những giờ học cần tra cứu thông tin, giáo viên cho học sinh dùng điện thoại để học tập, giờ không cần đến thì cất đi. Thực tế, thỉnh thoảng cũng có em táy máy nghịch trong giờ học nhưng sẽ bị giáo viên nhắc nhở. “Quy định học sinh được sử dụng điện thoại khiến phụ huynh lo ngại là đúng. Nếu gia đình giáo dục, tin tưởng, học sinh có ý thức thì cho dùng, còn cảm thấy con chưa ý thức tự giác cao thì chưa nên cho dùng”, bà Oanh nói.

 Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, quy định đơn giản nhưng thực hiện lại phức tạp cho các nhà trường, đặc biệt là giáo viên các bộ môn. Theo thầy Tùng, để làm được, mỗi nhà trường phải có bộ quy tắc quy định dùng điện thoại ra sao, trong đó cả giáo viên, học sinh đều phải được hướng dẫn sử dụng ra sao cho hiệu quả. “Bộ GD&ĐT cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn, nếu không, các nhà trường sẽ rất khó khăn, lúng túng và đóng chặt cửa để đảm bảo an toàn”, thầy nói.

Lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, cho rằng, quy định mới cho phép học sinh dùng điện thoại sẽ giúp các em tăng cường ứng dụng công nghệ vào học tập. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế triển khai, cần hướng dẫn cụ thể để học sinh hiểu điện thoại di động chỉ là một phương tiện hỗ trợ tốt hơn. “Nói là vậy, nhưng học sinh THCS - THPT còn nhỏ, có em có ý thức sẽ chấp hành tốt, cũng có em lười học, thầy cô giảng bài sẽ lén lấy điện thoại nhắn tin, lướt web… Sẽ rất khó khăn cho các thầy cô trong tổ chức dạy học”, ông Quốc nói.

“Quản lý điện thoại học sinh ra sao, sử dụng giờ nào, cần có sự đồng thuận giữa ban giám hiệu, phụ huynh và học sinh mới thực hiện được”, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc

Vì thế, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương không vội vàng áp dụng mà sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh, từ đó có hướng dẫn cụ thể hơn để tránh các trường mỗi nơi làm một kiểu. Các trường cũng phải tổ chức các buổi sinh hoạt để trao đổi, hướng dẫn học sinh quy tắc sử dụng điện thoại. “Khi đó, quản lý điện thoại học sinh ra sao, sử dụng giờ nào có sự đồng thuận giữa ban giám hiệu, phụ huynh và học sinh mới thực hiện được”, ông Quốc nói.

Lãnh đạo một Sở GD&ĐT khác nói rằng, nhiều người lầm tưởng Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại đồng nghĩa với việc gia đình phải trang bị điện thoại di động cho học sinh. “Các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể dựa trên tình hình, điều kiện thực tế của mình. Theo đó, những vùng khó khăn, học sinh không có điều kiện khi được giao tìm học liệu qua mạng, qua sách báo, không bắt buộc em nào cũng phải có điện thoại”, vị lãnh đạo này nói.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), ông Nguyễn Xuân Thành, lý giải, Thông tư 12 không cấm học sinh mang điện thoại đến trường. “Vì đây là phương tiện để các em liên lạc với cha mẹ. Các nhà trường cần hướng dẫn, quản lý để các em sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ khác một cách phù hợp, hỗ trợ việc học hiệu quả hơn”, ông Thành nói. Theo ông Thành, hiện nay, Bộ GD&ĐT không có hướng dẫn cụ thể cho từng giáo viên thực hiện, bởi giáo viên được giao quyền chủ động tổ chức, quản lý lớp học. Vì thế, hơn ai hết, giáo viên biết giờ học nào cho phép học sinh sử dụng điện thoại, đồng thời có cách để giám sát các em. Cách làm như vậy cũng đảm bảo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trong đó khẳng định vai trò học sinh tự chủ, tự học là những năng lực cốt lõi.

MỚI - NÓNG