Chuyên gia tâm lý: Thùy D. có nguy cơ bị bạo hành nhiều hơn

TS Trần Thành Nam
TS Trần Thành Nam
TPO - TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, điều đáng buồn là Thùy D. có thể không chỉ chịu bạo hành thể chất từ anh rể mà có thể phải chịu các hình thức bạo hành khác từ các thành viên trong gia đình.

Kêu cứu trên mạng là điều tốt nhất Thùy D. có thể làm

PV: BTV Minh Tiệp bị tố bạo hành em vợ trong nhiều năm. Ông nhìn nhận sự việc này thế nào dưới giác độ nhà tâm lý?

Trong vụ việc em Thùy D., đến thời điểm hiện tại chưa biết ai đúng ai sai nhưng từ những phản ứng của người trong cuộc tôi thấy có sự thiếu hụt trong nhận thức của các thành viên về các nhóm quyền cơ bản của trẻ em và thanh thiếu niên trong đó họ đã vi phạm đặc biệt nhóm quyền được bảo vệ bao gồm việc được bảo vệ khỏi các hình thức bóc lột, xâm hại, xao nhãng, bỏ mặc, phân biệt đối xử… 

Và dường như sự phản ứng tham gia của cộng đồng mạng thời gian qua chưa góp phần cải thiện tình hình hoặc bảo vệ Thùy D. trên thực tế thậm chí ngược lại còn làm trầm trọng phức tạp thêm vấn đề.

Thử tưởng tượng xem các ý kiến bênh vực Thùy D. nhưng chỉ trích, lăng mạ các thành viên gia đình có giúp bảo vệ Thùy D. trong môi trường em đang sống hay sẽ làm cho em có nguy cơ bị xâm hại nhiều hơn bằng nhiều hình thức khác như bạo hành lời nói, bỏ mặc hoặc phân biệt đối xử trong thời gian tới đây. 

Mọi lời khuyên đưa ra trong thời điểm này sẽ không có ý nghĩa thậm chí sẽ gây ra thêm tổn thương nếu không thể thay đổi môi trường sống không an toàn và không có người lớn đứng về phía Thùy D. và chịu trách nhiệm bảo vệ em trong thời gian sắp tới.   

PV: Là người cha cũng như nhà tâm lý, ông có nghĩ Thùy D.  bị bạo hành như cô bé nói hoặc có những bất ổn gì về tâm lý không?

Là một người có nhiều năm làm việc với trẻ, tôi luôn chọn nguyên tắc tin tưởng các em. Ở nước ngoài, người ta thực thi luật không khoan nhượng (zero tolerance law) với những hành vi xâm phạm quyền cơ bản của trẻ em. Luật “không khoan nhượng” sẽ thực thi ngay một hình phạt nghiêm khắc với những hành vi nhất định mà không cần quan tâm đến lý do, động cơ đằng sau đó là gì nhằm phòng ngừa những hậu quả xấu hơn. Ví dụ, người ta sẽ xử lý không khoan nhượng với hành vi như mang súng đến trường, uống rượu khi lái xe hay xâm hại trẻ em mà không cần biết lý do, động cơ đằng sau đó là gì.  

Và vì vậy, tôi cũng không quan tâm đến động cơ đằng sau việc Thùy D.  đưa clip lên mạng xã hội. Chỉ riêng việc Thùy D.  dám lên tiếng về những hành vi xâm hại của thành viên trong gia đình là một điều dũng cảm cần cảm thông.

Cộng đồng có thể cho rằng hành vi của em khi đưa lên mạng là thiếu cân nhắc đến các hậu quả nhưng theo tôi đây là điều tốt nhất em có thể làm trong bối cảnh em vẫn còn nhỏ và có thể vừa mới trải qua một sang chấn tâm lý của việc bạo hành.

Tôi cảm thấy đáng buồn vì với tôi việc đưa clip lên mạng là lời kêu cứu của Thùy D. với cộng đồng. Hay hiểu theo cách khác, Thùy D.  tin rằng việc kêu cứu với những người thân, những thành viên trong gia đình sẽ chẳng ích gì nên đành phải nhờ sự trợ giúp của cộng đồng.

Đánh đập là bạo hành

PV: Bố Thùy D. thừa nhận anh rể có đánh trong xô xát thường ngày. Vậy đâu là ranh giới giữa bạo hành và việc đánh được chấp nhận coi như việc dạy dỗ của người lớn với trẻ, thưa ông?

Quan điểm cá nhân tôi đánh đập là bạo hành, là không chấp nhận được. Tuy nhiên tôi có thể hiểu cha mẹ trong những tình huống như của Thùy D. cũng có thể có gặp những khó khăn khi phải chọn 'phe' để đứng ra bảo vệ.

Người ngoài chúng ta sẽ không thể biết được giá trị của những mối quan hệ, những thoả thuận giữa bố mẹ Thùy D. với anh rể.  

Chúng ta cũng không biết phụ huynh cân nhắc lợi hại của việc mất thể diện gia đình và sự phát triển khoẻ mạnh của Thùy D.  bên nào nặng hơn. Tuy nhiên, với tấm lòng của những người cha người mẹ, họ sẽ không bao giờ mang sức khoẻ, sự phát triển và tương lai của con để mặc cả hoặc đổi chác.

PV: Có ý kiến cho rằng đáng buồn nhất của sự việc này là bi kịch gia đình. Vì rõ ràng gia đình có chuyện phức tạp đã lâu mà cha mẹ không chú ý, không xử lý nội bộ được? Ông có nghĩ như vậy không?

Như tôi đã nói, đáng buồn là Thùy D.  có thể không chỉ chịu bạo hành thể chất từ anh rể mà có thể phải chịu các hình thức bạo hành lạnh khác từ các thành viên trong gia đình (chị, bố mẹ) qua việc xao nhãng, bỏ mặc, không can thiệp, không ý kiến hoặc đối xử một cách phân biệt như một người ăn nhờ ở đậu. 

Và việc này không phải mới xảy ra. Cha mẹ biết nhưng có những vấn đề khác khiến họ đã không can dự giải quyết. Việc cho rằng em không được giáo dục kỹ năng sống, không biết cách xử lý có cân nhắc chính là hệ quả của việc không quan tâm giáo dục và chia sẻ của gia đình. Trong những phương án xấu mà Thùy D. phải lựa chọn, tôi cho rằng em đã chọn phương án đỡ xấu hơn (trên phương diện bảo vệ bản thân).  

Xin chân thành cảm ơn ông!


MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.