Đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá

Đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá
TPO - Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa (SGK) vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.

Thời gian qua việc một số nhà xuất bản (NXB) công bố giá sách giáo khoa (SGK) mới với mức giá cao hơn nhiều lần giá SGK được bán tại các năm trước đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Liên quan đến nội dung này, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã có thông tin cụ thể về một số nội dung liên quan đến giá SGK lớp 1.

SGK giáo dục phổ thông hiện nay đang được quản lý theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, trong đó giá SGK được thực hiện theo quy định tại pháp luật về giá, thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, nhưng không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 3 bản kê khai giá của 3 NXB, trong đó tiếp nhận văn bản kê khai giá bao gồm: Bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán SGK. Do đây là trường hợp lần đầu các NXB thực hiện kê khai giá bộ SGK mới với cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải là kê khai điều chỉnh giá.

Theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục thống nhất. Theo đó, các tác giả, các NXB dựa vào chương trình để viết SGK. Bộ GD&ĐT tổ chức thi, thẩm định nội dung để chọn ra một số bộ SGK có nội dung hay và sát với chương trình nhất.

Như vậy, thay vì trước đây chỉ có NXB Giáo dục được quyền xuất bản SGK thì nay có 3 NXB thực hiện cung ứng SGK ra thị trường. Việc này đã thực hiện theo đúng tinh thần xã hội hóa trong việc biên soạn SGK.

Cục Quản lý giá cho biết, trước đây chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán SGK nên giá thành có giảm hơn so với SGK đã được xã hội hóa. Vì vậy, nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (Bộ sách đã được dùng cho năm học 2019 - 2020), bộ SGK mới có mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, việc so sánh này chưa tương đồng, do việc biên soạn, xuất bản 1 bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây để đáp ứng các yêu cầu về cải cách giáo dục trong tình hình mới như yêu cầu về chất lượng, hình thức, mẫu mã, cạnh tranh, không hỗ trợ từ ngân sách chi phí tổ chức bản thảo lần đầu. Ngoài ra, xét về số lượng của bộ sách thì số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (từ 9-10 cuốn) nhiều hơn số lượng quyển sách trong bộ sách giáo khoa cũ chỉ có 6 cuốn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hiện nay, các chi phí hình thành SGK do các NXB tự trang trải và có thể việc tự định giá SGK ở mức cao so với nhu cầu của xã hội. Việc này tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Vấn đề này Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến khi kiến nghị Chính phủ kiểm soát bằng hình thức định giá tối đa.

Từ thực tế nêu trên kết hợp với kinh nghiệm quốc tế của những quốc gia có điều kiện tương đồng, trong thời gian tới đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá đảm bảo công bằng giữa các NXB; Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn.

Đây cũng là lý do để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT  đề xuất, báo cáo trình Chính phủ phương án quản lý giá SGK sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Trong đó, hai Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.

Cục Quản lý giá  cho rằng,  đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng SGK trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa đối với việc cung cấp mặt hàng này. Triển khai việc điều tiết giá theo quy định đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét phương án giá của các NXB đề xuất và sẽ rà soát tính hợp lý, hợp lệ của từng yếu tố cấu thành giá SGK; tính toán hài hòa lợi ích của các NXB và khả năng chi trả của đối tượng sử dụng để ban hành giá tối đa cho 1 bộ sách để thực hiện chung.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".