Gần 300 giáo viên kỳ cựu ở Sóc Sơn kêu cứu trước nguy cơ mất việc

Gần 300 giáo viên của Sóc Sơn đang lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình
Gần 300 giáo viên của Sóc Sơn đang lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình
TPO - Các giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có đơn kêu cứu gửi đến báo Tiền Phong trướ nguy cơ mất việc. Trong số gần 300 giáo viên này, người dạy thời gian ngắn nhất là 6 năm, người dạy lâu nhất đã 28 năm.

53 tuổi vẫn phải thi viên chức?

Chiều 26/3, tại căn nhà nhỏ tuềnh toàng, cô Đào Thu Hằng, giáo viên dạy tin học, trường THCS Minh Phú cùng hơn 100 đồng nghiệp trong huyện ngồi bên nhau mà lòng như lửa đốt. Cô Lan, cho hay, chiều nay chỉ bằng này thầy cô không có tiết dạy, chứ con số thực ra là gấp đôi, gần 300 giáo viên hợp đồng từ tiểu học đến THCS. Hơn một tháng nay, các giáo viên này thấy đất dưới chân như sắp sụp đổ, đến lớp cũng không còn tâm trạng để dạy.

Vì theo quyết định của UBND thành phố, năm nay họ sẽ phải tham gia thi tuyển công chức nếu muốn trụ lại với nghề. Nếu ai không vượt qua kỳ thi này thì sẽ mất việc.

Theo cô Lan Người gắn bó ngắn cũng 6 năm, dài đã 28 năm. "Bao nhiêu năm đó, chúng tôi đã cố gắng là hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục huyện Sóc Sơn, đạt được rất nhiều thành tích. Giờ có cơ chế này, đối với giáo viên hợp đồng là điều hết sức khó khăn" 

"Bây giờ mất việc, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy. Con người trải qua khổ đau thời trẻ, đến thời hậu vận, trung vận chúng tôi lại gánh rất nhiều nỗi khổ, nhất là khổ tâm vì nghề" - cô Lan chia sẻ.

Theo cô Lan, công tác được 27, 28 năm là đã khẳng định được năng lực chuyên môn. Có giáo viên đạt được nhiều thành tích từ huyện cho đến thành phố. Giờ yêu cầu họ đi thi cùng với những học trò của mình, như thế là không công bằng.

Một cô giáo xin được giấu tên cho biết mình công tác trong ngành đã 19 năm, dạy môn Văn – Sử. Cô chỉ còn 2 năm nữa về hưu, giờ yêu cầu thi công chức, nếu không đỗ, cô đi xin việc khác thế nào? Dưới 50 tuổi xin việc đã khó, cô 53 tuổi rồi, nơi nào còn nhận cô nữa.

Trong buổi gặp gỡ với phóng viên chiều qua, 26/3 rất nhiều cô giáo đã khóc. Thậm chí có cô giáo không thể nói lên lời. 

 Clip: Nỗi thất vọng của các thầy cô giáo ở Sóc Sơn

26 năm công tác, chưa một lần được thi viên chức
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 256 giáo viên, có rất nhiều người có hoàn cảnh éo le. Cô Danh Thị Minh Thanh là một trong những số đó. Là dân “văn tổng hợp” những năm 90 là niềm mơ ước của rất nhiều người, lẽ ra cô trở về quê cha tại Campuchia để sinh sống và làm việc sau khi tốt nghiệp.

Nhưng sau vì nhiều lý do, cô ở lại mảnh đất Sóc Sơn để gắn bó với nghề giáo. Cô cho biết, trong suốt thời gian giảng dạy 24 năm, có một lần duy nhất lúc mới vào nghề cô có đợt thi công chức nhưng cô không kịp đổi quốc tịch.  Do đó, kỳ thi đó cô bỏ lỡ. Còn từ đó đến giờ, không có bất kỳ một đợt thi công chức nào cho giáo viên dạy ngữ văn tại huyện Sóc Sơn.

 Clip: Giọt nước mắt trải lòng của các giáo viên trước nguy cơ mất việc 


Cô thấy hợp đồng lúc thì ký 1 năm, lúc thì ký 9 tháng, nhưng cô vẫn được lên lương đều vì vậy cô cũng không để ý. Nhưng đến giờ, yêu cầu cô đi thi để được vào công chức thì thật là bất công. Thời cô học, không có ngoại ngữ, không có tin học, giờ yêu cầu cô thi tiếng Anh, cô thi thế nào? Vì trong quy định, chỉ thi nâng ngạch mới yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh. Hơn nữa, năm nay là năm đầu tiên có yêu cầu thi tiếng Anh. còn trước đó, giáo viên thi viên chức không phải thi môn này.

Nói về hoàn cảnh của mình, cô Thanh cho hay, bản thân cô bị rất nhiều bệnh hiểm nghèo như động kinh, tim. Đồng thời mình cô nuôi hai con ăn học. Hiện nay một cháu đang học tại Học viện Ngân hàng, một cháu đang học tại Viện ĐH Mở Hà Nội.

Cô Vũ Thị Yến, trường THCS Phú Minh, giáo viên dạy môn Ngữ văn cũng cho biết từ năm 1998 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn chưa một lần tổ chức thi công chức cho giáo viên môn Văn. Bản thân cô sau nhiều năm phấn đấu cố gắng giảng dạy, chị đạt được rất nhiều thành tích như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chị cũng đã hai lần được tăng lương trước thời hạn do có nhiều thành tích.

“Trong suốt thời gian qua, không phải chúng tôi không muốn thi mà là không có bất kỳ một kỳ thi tuyển công chức nào cho giáo viên môn ngữ văn. Trong khi các giáo viên môn khác được thi đi thi lại nhiều lần để có cơ hội đỗ, thì chúng tôi, duy nhất lần này. Nếu không đỗ sẽ bị loại ra khỏi ngành” – cô Yến rung rung nói.

Cô Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Minh Phú đã có 26 năm trong nghề. Tốt nghiệp khoa ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, cô đi theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước về cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục huyện Sóc Sơn từ năm 1993. Ngày đó, cô vẫn còn nhớ, về Sóc Sơn, cô được chào đón như “người hùng” vì các giáo viên ở đây đa số là trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng 7+2.

“Kể từ đó đến nay đã 26 năm, tôi chưa một lần được thi viên chức vì trước kia, có một lần tổ chức, điều kiện là phải có hộ khẩu Hà Nội. Bởi vậy, sau 26 năm, tôi vẫn “treo giò” với cái tên Hợp đồng huyện” – cô Nguyệt tâm tư.

Chính vì vậy, cô có cái thiệt hơn so với các giáo viên khác trong cùng môi trường, làm chung một công việc là không được hưởng phụ cấp thâm niên. Nhưng cô không ngừng phấn đấu. Gần 10 năm liên tiếp cô đạt danh hiệu lao động giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô cùng từng phấn đấu là tổ trưởng chuyên môn.

Nhận được quyết định thi viên chức của huyện năm nay, theo cô Nguyệt, với 256 giáo viên trong đó có cô thì đây là một “thảm kịch”.

Vì có sự bất công với các cô. Các cô là những thế hệ giáo viên được đào tạo từ những năm 90 của thế kỷ trước, nên ở phổ thông, không được học ngoại ngữ, ở ĐH chỉ học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp nhưng giờ yêu cầu thi ngoại ngữ tiếng Anh.

Hơn nữa, theo quy định chung, nếu những giáo viên lần này thi không trúng tuyển sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng giảng dạy vào tháng 5/2020. Vì theo luật công chức, viên chức cùng với chủ trương tinh giảm biên chế, sẽ không còn chế độ hợp đồng.

Tiền phong online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.