Gian nan con chữ giữa đại ngàn

Bữa cơm đạm bạc của học sinh “Bán trú dân nuôi”.
Bữa cơm đạm bạc của học sinh “Bán trú dân nuôi”.
TP - Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều em nhỏ trên Tây Nguyên đã phải sống xa gia đình, tự mình lo toan mọi thứ để được học chữ. Phía sau sự “tự lập” đó, có không ít nguy hiểm rình rập, hệ lụy bủa vây…

Nằm khuất sau cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở thôn Giang Đông, xã Ea Dah, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, có 110 em nhỏ người Mông đang sống xa gia đình để đi học.

Ông Chảo A Pính, phó thôn Giang Đông là người lớn hiếm hoi còn ở trong thôn cho biết: Đây là khu tái định cư do Nhà nước xây dựng theo Chương trình 134 từ năm 2008, nhằm ổn định dân cư tự do từ phía Bắc vào. Thôn có đầy đủ điện, nước, đường, trường học… nhưng đất đai cằn cỗi nên người dân ở được vài tháng rồi quay lại làng cũ – cách thôn này tới 12 cây số. Toàn thôn có 170 hộ, với 898 nhân khẩu nhưng chỉ có 4 hộ bám trụ. Do đường sá đi lại khó khăn, người dân để con em ở lại khu tái định cư cho tiện việc đi học, cuối tuần mới đón về. “Dân ai cũng khổ nên bọn trẻ thiếu thốn lắm. Đầu tuần bố mẹ chúng chở ra mang theo gạo, thức ăn khô, còn lại phải tự tìm rau rừng ăn cho qua cơn đói. Việc nấu nướng, giặt giũ thì đứa lớn đảm nhận, đứa nhỏ phụ theo, nhìn thương lắm”.

Mới 7 tuổi, em Hờ Thị Mai Phương (học lớp 1) đã thuần thục hết việc nhà. Nhắc đến bố mẹ, Phương rưng rưng nước mắt: Nhớ lắm! May có anh trai đang học lớp 8 ở cùng nên cháu đỡ buồn. Hằng ngày, hai anh em cháu thay nhau việc nhà cửa, bếp núc, tối cùng nhau học bài. Cháu mong mau đến cuối tuần để về với bố mẹ.

Không có người lớn thúc quản nên việc giáo dục các em gặp nhiều khó khăn. Nhiều em ham chơi quên giờ đến lớp, thầy cô phải đến gọi đi học. Gần thôn có con đập, dễ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước nếu người lớn không ở bên cạnh bảo ban trẻ nhỏ. Một vấn đề phó thôn Giang Đông đang lo lắng là giáo dục sức khỏe giới tính và tình trạng tảo hôn. Theo thống kê của ông Pính, trong thôn có 6 cặp vợ chồng trẻ lấy nhau khi chưa tới tuổi kết hôn. Đơn cử như năm 2014, em Vừ Thị Cu (16 tuổi) đang học lớp 6 thì bỏ ngang để lấy chồng. Dù cán bộ thôn, gia đình hai bên ra sức can ngăn nhưng hai em dọa sẽ chết nếu ngăn cấm.

Để ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương thường xuyên vận động người dân quay về thôn định cư nhưng không thành. “Người dân muốn chính Nhà nước làm đường, kéo điện về làng cũ cho họ sinh sống. Điều này không được vì đất trong đó là rừng phòng hộ, tôi đã giải thích nhiều lần nhưng họ không nghe. Với đà này, không biết tương lai dân Giang Đông và các em nhỏ sẽ về đâu?”, ông Pính thở dài.

Gian nan con chữ giữa đại ngàn ảnh 1 Trẻ em thôn Giang Đông phải tự lập từ nhỏ.

Bán trú “Vì yêu thương”

Để tiếp thêm cơ hội đến trường cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, đầu năm học 2017, Huyện Đoàn Ea Súp đã dành nhiều công sức tạo dựng điểm “Vì yêu thương” theo mô hình bán trú dân nuôi.

Anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp cho biết: Mô hình này được Ban Giám hiệu trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) cho mượn 3 phòng nội trú của trường sử dụng miễn phí trong 3 năm; Quỹ Vì yêu thương tài trợ kinh phí mua sắm các trang thiết bị ban đầu như giường, chiếu, gối, mền, bàn học… cho 15 em học sinh của thôn Bình Lợi và tiểu khu 249.

Cô Nguyễn Thị Hiếu - Tổng phụ trách Đội của trường chia sẻ: Những năm trước, việc duy trì sĩ số học sinh là vấn đề nan giải, bởi địa bàn rộng, trường xa, giao thông cách trở nên hầu như năm nào cũng có học sinh bỏ học. Nay mô hình bán trú dân nuôi ra đời giúp học sinh vùng sâu, vùng xa yên tâm bám lớp, chuyên tâm học hành. Ngoài giờ học, các em cùng thầy cô, anh chị tình nguyện tổ chức trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh DTTS luyện tiếng phổ thông nhiều hơn.

Tuy nhiên, mô hình này đang gặp nhiều khó khăn. Anh Hạnh tâm sự: Trong 15 em đang ở bán trú thì có 10 em được Quỹ Vì yêu thương hỗ trợ 15 ngàn đồng/ngày/em, 5 em còn lại tự túc. Riêng gạo, mắm, muối… hàng tháng, Huyện Đoàn đều kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Nhưng ở đây, ai cũng khó nên việc kêu gọi không phải dễ.

Em Bàn Thị Thanh Thảo (SN 2003, thôn Bình Lợi) ở bán trú tại trường chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày mẹ phải chở em vượt quãng đường dốc gập ghềnh dài gần 30 km để đến trường. Buổi trưa tan học bụng đói, người mệt lả. Bây giờ, em và các bạn không còn phải “trèo đèo, lội suối” mỗi ngày, bố mẹ cũng yên tâm hơn.

MỚI - NÓNG