Giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dự khai giảng năm học mới 2020 - 2021
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dự khai giảng năm học mới 2020 - 2021
TP - Tại Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu được tổ chức năm 2019 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi các giá trị và hành vi của cộng đồng, giúp họ lựa chọn một cách sống bền vững hơn.  

Lấy ví dụ về giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Kể từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt vào tháng 12/2018 dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học, giúp học sinh có kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Mục tiêu của Việt Nam không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn huy động giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về Giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như:  Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào Lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN;  Kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học. Có 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillippines.

Trong kỳ đánh giá PISA 2018 (công bố vào năm 2019), Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả cao. Đứng thứ 4/79 về Khoa học, tăng 4 bậc so với năm 2015, thứ 13/79 về Đọc hiểu tăng 19 bậc so với năm 2015, và 24/79 về Toán giảm 2 bậc so với năm 2015. So với các nước trong khu vực, Indonesia là nước có mức đầu tư tương đương, hay Thái Lan là nước có mức đầu tư gấp đôi Việt Nam, chúng ta vẫn có sự chênh lệch hơn 90 điểm, tương đương với khoảng 2-3 năm học.

Nhận xét về kết quả của Việt Nam trong Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM), Trưởng  Chương trình Giáo dục của Unicef tại Việt Nam - bà Simone Vis  nói: “Kết quả của Việt Nam vượt trội hơn hẳn các nước cùng tham gia kỳ đánh giá. Tôi rất ấn tượng và tự hào với thành tích đó...  Nhìn chung chất lượng giáo dục Tiểu học của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ, không chỉ trong khu vực mà cả trên quốc tế”.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn được đánh giá cao. Kết quả thi Olympic của Việt Nam có bước tiến vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.

Giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1

Đọc, Viết, Toán ca hc sinh Vit Nam đứng đầĐông Nam Á

Ðột phá trong giáo dục ÐH

Đối với bậc đại học (ĐH), tự chủ được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị ĐH. Nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc trên thế giới), trong đó các trường ĐH đóng góp trên 90% số bài.

Vị thế các trường ĐH của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới. Năm 2019, hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia, tăng 12 bậc so với năm 2018.

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì số lượng và thứ hạng trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín thế giới như Quacquarelli Symonds World University Rankings (QS, Vương quốc Anh), World University Rankings của tạp chí Times Higher Education (THE), Việt Nam lần đầu tiên có 4 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào tốp 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới, theo xếp hạng 2021 Best Global Universities Rankings của tạp chí US New & Word Report (Mỹ). Các trường này gồm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

2 ĐH Quốc gia của Việt Nam trong năm 2020 cũng được vào tốp 101-150 trường ĐH trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường ĐH trong “độ tuổi vàng” (THE Best ‘Golden Age’ universities). Trong Bảng xếp hạng những ĐH có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu - THE Impact Rankings, năm 2020, Việt Nam có thêm trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng với trường ĐH Tôn Đức Thắng và đều nằm trong top 301-400.

Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo của Việt Nam được đứng trong tốp 500 thế giới.  Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Kết quả đạt được của tự chủ đại học trong năm học 2019-2020 là thành công bước đầu của quá trình đổi mới giáo dục đại học mà ngành giáo dục đã kiên trì, nỗ lực thực hiện để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương số 29”.

Giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững ảnh 2

Hơn 24 triu hc sinh, sinh viên Vit Nam đã được gn mã định danh

Chuyển đổi số giúp thay đổi diện mạo ngành giáo dục

Những năm qua, đặc biệt là năm 2020 chuyển đổi số trong giáo dục đã bước một bước tiến dài.Lần đầu tiên, một cở sở dữ liệu ngành được hình thành. Theo đó, ngành Giáo dục đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên. Đồng thời, xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Nhiều chính sách chuyển đổi số đã được ban hành và tác động tích cực tới quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đáng kể nhất là việc chuyển đổi quản lý, tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, phát triển hệ thống MOOCs ở các trường ĐH; triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, hướng dẫn dạy học trên truyền hình, Internet, công nhận kết quả dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,... Dự kiến, trong thời gian tới, các cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục đào tạo sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành; kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng theo chương trình giáo dục của tất cả các môn học; các cơ sở đào tạo lên được kế hoạch tổ chức đào tạo trực tuyến và nâng cao tỷ trọng đào tạo trực tuyến; các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ số để đổi mới các mô hình, cách thức tổ chức dạy học để việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn với học sinh, sinh viên, nâng cao tính cá thể hóa học tập, cơ hội học tập được mở rộng đối với những học sinh, sinh viên ở khu vực còn khó khăn. 

MỚI - NÓNG