Hệ thống trường nghề và cao đẳng thời Pháp thuộc

Để có nhân sự nhằm đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở Việt Nam, Pháp xây dựng hệ thống trường nghề và cao đẳng với đủ ngành nghề.

Cuối thế kỷ 19, nhu cầu về thông ngôn rất lớn vì quan chức cai trị hành chính, quân sự hầu hết là người Pháp, trong khi dân chúng không biết tiếng Pháp. Để giải quyết sự tắc nghẽn ngôn ngữ, giữa năm 1864, chính quyền mở ngay trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) dạy cấp tốc tiếng Pháp cho người Việt, Khơ me và Hoa, dạy ngôn ngữ một số nước châu Á cho người Pháp.

Trường thông ngôn dạy tiếng Pháp cho người Việt, Khơme, Hoa

Nam Kỳ khi xưa có nhiều thành phần dân tộc, Pháp phải phổ biến chính sách cai trị xuống cho họ, nên năm 1885 trường Thông ngôn tiếng dân tộc được thành lập với mỗi chương trình học kéo dài hai năm. Đây được xem là một trong những trường nghề đầu tiên do người Pháp mở.

Thầy dạy tiếng Việt là Pétrus Trương Vĩnh Ký, tiếng Pháp là Chéon, tiếng Campuchia là Taupin, chữ Hán là Trần Nguyên Hanh. Ông Nguyễn Văn Phong làm phụ tá giám đốc, Trương Minh Ký và André Xu làm thầy ôn tập tiếng Pháp, Phạm Đức Hoa và Lê Văn Tư ôn tập chữ Hán và tiếng Việt cho học sinh Pháp.

Hệ thống trường nghề và cao đẳng thời Pháp thuộc ảnh 1

Trương Vĩnh Ký đang giảng bài ở trường Thông ngôn. Ảnh tư liệu

Khóa sinh thông ngôn phải qua một cuộc thi tuyển, nếu là người Pháp phải được Thống đốc Nam Kỳ cho phép, nếu là người bản xứ phải do giám đốc Nha Nội chính phê duyệt.

Khóa sinh Pháp học thông ngôn trong độ tuổi 20-30, có bằng tú tài hoặc tương đương, được tài trợ học bổng 900 đồng mỗi năm. Nếu bỏ học giữa chừng mà vẫn cư trú trong quản hạt hay nước láng giềng, người học phải bồi thường phí đào tạo theo thời gian học. Khóa sinh người Việt phải ít nhất 17 tuổi và không quá 24, có bằng cơ bản, được cấp học bổng hơn 240 đồng mỗi năm. 

Mỗi thứ bảy hàng tuần, hiệu trưởng và một đại diện của Nha Nội chính sẽ hội họp tất cả giáo sư và trợ giáo để kiểm tra việc dạy và học. Mỗi khóa sinh được kiểm tra ít nhất hai lần mỗi tháng về nội dung đã được dạy trước đó; nếu trong ba tháng liên tiếp đạt kết quả kém sẽ bị đuổi học.

Trong giai đoạn này, các trường tiểu học mở ra ngày càng nhiều, nhiều người tốt nghiệp đi xin làm thông ngôn nên số lượng lao động ngành này dôi dư. Trường Thông ngôn tiếng dân tộc hoạt động hơn hai năm thì giải thể, khóa sinh người Việt chuyển qua trường Trung học Chasseloup Laubat học tiếp, khóa sinh nào yếu kém thì bị cho thôi học.

Cũng trong giai đoạn 1860-1900, người Pháp còn mở trường thông ngôn dạy tiếng Việt cho người Pháp tên là D'Adran (Bá Đa Lộc), trường An Nam đào tạo thông ngôn Pháp.

Song song với các trường thông ngôn là trường đào tạo nhân viên hành chính, tư pháp, tài chính, thuế khóa... phục vụ cho công việc cai trị. Kế đến là những trường sư phạm sơ cấp đào tạo giáo viên dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp ở những vùng Pháp mới chiếm đóng.

Trường chuyên nghiệp kiêm công xưởng

Cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, giáo dục chuyên nghiệp được Pháp chú ý hơn nhằm đào tạo thợ chuyên môn hoặc đốc công, đáp ứng nhu cầu mở rộng công nghiệp. Việc này nhằm tiết kiệm kinh phí lẽ ra phải mang thợ từ Pháp sang thì nay có thể dùng người bản xứ.

Năm 1898, Pháp mở trường dạy nghề Hà Nội với hai ngành nông nghiệp (chăn nuôi, làm vườn, chăn tằm) và mỹ nghệ (sơn, đúc đồng, khảm trai), học trong ba năm.

Học sinh muốn dự thi vào phải biết chữ quốc ngữ, chữ Pháp và bốn phép tính cơ bản (tương đương trình độ tiểu học). Khi vào học nghề, học viên sẽ được đào tạo thêm tiếng Pháp sao cho khi ra trường sẽ có trình độ công nhân chuyên nghiệp, có thể đảm đương làm quản đốc phân xưởng.

Một số trường dạy nghề tương tự cũng được mở ở Sài Gòn (trường Kỹ nghệ), Huế (trường Bách nghệ), Thủ Dầu Một (trường Mỹ nghệ). Ở Bắc Kỳ, Pháp mở thêm các trường đào tạo thợ ngành gỗ và sắt ở Nam Định, Hải Phòng.

Hệ thống trường nghề và cao đẳng thời Pháp thuộc ảnh 2

Trường Cơ khí Á châu (nay là Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) được thành lập năm 1906. Ảnh tư liệu

Cho đến trước cải cách giáo dục 1906, Pháp đã tổ chức ở Đông Dương 12 trường chuyên nghiệp, tập trung ở Nam Kỳ như Sài Gòn, Biên Hòa, Hà Tiên, Sa Đéc. Các trường này dạy ba nhóm ngành: công nghiệp châu Âu, công nghiệp bản xứ, mỹ nghệ và tiểu thủ công nghiệp.

Khi Pháp tăng cường khai thác tài nguyên, họ rất còn tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số học trường chuyên nghiệp nhằm sớm có nguồn lao động dồi dào. Năm 1923, trường Bách nghệ Huế có hàng chục học sinh người Êđê, Jarai...

Tuy gọi là trường kỹ nghệ, mỹ nghệ song nhiều lớp chuyên nghiệp giống như như những sản xuất theo đơn đặt hàng, sản phẩm được mang đi buôn bán.

Nhiều cao đẳng đầu tiên đóng cửa vì gặp khó

Đầu thế kỷ 20, sau lần cải cách giáo dục thứ hai người Pháp mới tổ chức một số trường cao đẳng ngành y, sư phạm, luật vì lúc này các trường trung học có thể cung cấp những học sinh có bằng thành chung hoặc tú tài.

Theo đề án của Hội đồng cải cách giáo dục lần thứ nhất 1906 thì không có việc thành lập trường đại học, nhưng trước đòi hỏi của các sĩ phu yêu nước, Pháp thành lập trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Đại học Đông Dương.

Đại học Đông Dương gồm những trường cao đẳng trực thuộc Luật khoa, Văn khoa, Khoa học, Xây dựng dân dụng và Y Dược. Riêng trường Y Dược vốn được hình thành từ cuối thế kỷ 19 ở Hà Nội, đào tạo y sĩ, dược sĩ, bác sĩ đa khoa, nha sĩ, nữ hộ sinh.

Đầu vào của trường là những người tốt nghiệp trung học hoặc đỗ thi Hương, biết tiếng Pháp. Sinh viên khóa đầu tiên hầu hết là công chức đang làm việc ở cơ quan trung ương của chính quyền thực dân.

Hoạt động được hơn một năm trường này đóng cửa vì thiếu giáo sư chuyên nghiệp, giáo viên hầu hết kiêm nhiệm nhiều công việc. Trong khi đó, trình độ người học quá thấp so với chương trình. Mặc dù được "châm chước" bằng cấp và trình độ tiếng Pháp song họ không thể tiếp thu nội dung chương trình.

Hệ thống trường nghề và cao đẳng thời Pháp thuộc ảnh 3

Trụ sở Đại học Đông Dương xưa ở Hà Nội. Ảnh tư liệu

Năm đầu tiên, trường có gần 100 sinh viên nhập học thì đến cuối học kỳ một chỉ còn chưa đầy một nửa, chủ yếu là công chức của Nha học chính, viên chức hoặc thông ngôn của cơ quan cấp địa hạt. Sau thất bại này, người Pháp chưa tìm được phương án tốt hơn cho hệ thống giáo dục cao đẳng bởi "nguồn cung" là học sinh tốt nghiệp trung học còn quá ít.

Hệ thống cao đẳng chỉ được cải thiện khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định quy chế chung về bậc cao đẳng năm 1918. Học sinh muốn vào trường cao đẳng phải có bằng thành chung (trung học, cao đẳng tiểu học), hoặc bằng tú tài bản xứ, tuổi 18-25.

Trong đơn xin học, sinh viên phải cam kết làm việc cho "Nhà nước bảo hộ" ít nhất 10 năm. Kể từ đó, hàng loạt trường cao đẳng được thành lập khắp cả nước như Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trường Thực hành Nông lâm Bến Cát, Cao đẳng Luật khoa - Hành chính, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương...

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.