Hiệu trưởng dâm ô học sinh nam: Sốc, thầy cô biết sao không tố giác?

Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị tố dâm ô hàng loạt học sinh nam.
Hiệu trưởng Đinh Bằng My bị tố dâm ô hàng loạt học sinh nam.
TPO - Liên quan đến việc Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn bị tố xâm hại tình dục nhiều học sinh nam, TS Tâm lý Trần Thành Nam cho rằng rất sốc và đặt câu hỏi sao thầy cô biết mà không tố giác lại còn trêu đùa học sinh?

TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc thầy hiệu trưởng Đinh Bằng My bị tố xâm hại nhiều học sinh nam đã tàn phá lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần của các em, gây sang chấn tâm lí nhiều cấp độ.

Sự việc gây sang chấn tâm lý nhiều cấp độ

PV: Thưa ông, vụ việc Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn bị tố xâm hại tình dục nhiều học sinh nam? Ông cho biết quan điểm của mình về vụ việc này?

TS Trần Thành Nam: Vụ việc này xảy ra gây sốc cho cộng đồng vì nhiều lý do nhưng có lẽ đầu tiên là trong tâm thức của mọi người vấn đề xâm hại tình dục chủ yếu là xâm hại nữ sinh. Trên thực tế nhiều học sinh nam cũng bị xâm hại tình dục chỉ là tỉ lệ nạn nhân nam so với các nạn nhân nữ chỉ khoảng 1/4 theo các con số thống kê của tổ chức UNPA.

Điều thứ 2 gây sốc là vụ việc xâm hại nghiêm trọng. Hành vi tính dục có thâm nhập bằng đường miệng. Hành động phạm tội kéo dài với nhiều nạn nhân đều là học sinh trong độ tuổi vị thành niên. Thủ phạm là người có vị trí được suy tôn về mặt nhân cách nhưng đã lôi kéo và dùng quyền năng ép buộc tham gia vào các hoạt động tính dục.

Vấn đề xâm hại tình dục đồng giới trẻ em cũng không phải mới xuất hiện. Truyền thông cũng đã phản ánh rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ đồng giới qua con đường du lịch. Những tên tội phạm vì pháp luật tại nước sở tại quá khắt khe nên để thỏa mãn những thói quen bệnh hoạn của mình đã dùng hình thức đi du lịch sang Việt Nam để mua dâm trẻ đường phố hoặc thực hiện hành vi dụ dỗ xâm hại cho những trường hợp đã được thiết lập trước trên mạng.

PV: Những “nạn nhân” trong vụ việc này đều là em học sinh cấp 2. Vấn đề ở chỗ, các em đã không tự bảo vệ mình. Lý do đưa ra là do bị đe dọa từ thầy hiệu trưởng. Ông có thấy sau vụ việc này, gia đình và nhà trường thất bại trong việc dạy trẻ biết bảo vệ, tôn trọng bản thân mình?

Điều gây sốc thứ 3 mà tôi muốn nói đến chính là tại sao các em học sinh cấp II bị lạm dụng mà không biết cách bảo vệ mình? Điều gây sốc hơn nữa là có giáo viên cũng biết sự việc này diễn ra, đã không báo cáo, không bảo vệ học sinh mà còn có những lời trêu đùa kiểu “hôm nay có được thầy cho ăn kẹo mút không”.

Có thể những nỗi sợ hãi về vị trí công việc trong nhà trường, sợ hãi về mất thành tích thi đua, sợ hãi sẽ bị đối xử không công bằng hoặc bị trù dập đã triệt tiêu những tiếng nói của lẽ phải. Cũng có thể nhiều giáo viên cũng chưa có kiến thức tốt về xâm hại tình dục, về quyền trẻ em và về các hình phạt hình sự cho hành vi xâm hại. Nhiều người lại viện lý “cùng giới thì cũng không mất gì”, không gây ra hậu quả nghiêm trọng như xâm hại tình dục học sinh nữ, “ai chẳng có tật” miễn không hại quyền lợi mình là được rồi, “đấu tranh thì tránh đâu” nên tốt nhất là mình không thấy, không nghe, không biết  về sự việc.

Giáo viên, những người có vị thế và quyền lực nhiều hơn còn như vậy huống chi là các em học sinh. Các em có thể có mặc cảm nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình hoặc vị thế của mình. Các em cũng có thể chưa bao giờ được biết đến nội dung quyền trẻ em quy định những gì. Các em có thể không đủ tự tin để nói ra cũng như không có kỹ năng từ chối những lần tiếp theo. Bình thường hóa sự việc vì đâu chỉ một mình mình bị. Có rất nhiều bạn khác cũng bị mà có ai hé răng đâu. Tin rằng mình mà tiết lộ thì chỉ nhận những hậu quả xấu chứ thực tế thì chẳng thay đổi được gì. Thầy có quan hệ tốt có thể thao túng được cả quan chức địa phương nên chính các thầy cô khác biết cũng có thay đổi được gì đâu…

Phải dạy trẻ biết cách tự bảo vệ, dù đã muộn

PV: Vậy sự việc như trên sẽ để lại hậu quả thế nào với các em, thưa ông?

Sự việc xảy ra đã tàn phá trẻ trên mọi cấp độ, hủy hoại nghiêm trọng lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần của trẻ trong ngắn hạn và lâu dài. Sự việc khiến trẻ cảm thấy ghê sợ bản thân mình và có thể ảnh hưởng đến xu hướng tình dục và các mối quan hệ lãng mạn của trẻ sau này. Không những thế, khi vỡ lở, vụ việc này đang gây sang chấn tâm lý đối với các thành viên gia đình học sinh, và chính các giáo viên trong nhà trường nữa.

PV: Vậy thưa ông, chúng ta phải dạy trẻ như thế nào để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra?

Đã đến lúc phải dạy trẻ biết cách bảo vệ bài bản, hệ thống.

Để dạy trẻ có thể biết đứng lên bảo vệ lẽ phải. Điểm căn cốt là phải bồi dưỡng lòng tự trọng của một trẻ. Đứng trước tình huống lưỡng nan như “mình sẽ nhảy vào bảo vệ bạn khỏi bị đánh và có nguy cơ bị đánh hay giả vờ như không nhìn thấy bạn và bỏ đi” thì một đứa trẻ có lòng tự trọng cao, một đứa trẻ luôn được gia đình và người lớn tin tưởng, lắng nghe và chấp nhận sẽ nhảy vào can thiệp vì các em tin mình đã làm đúng và người lớn sẽ đứng về phía mình, ủng hộ mình. Một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp sẽ tin rằng mình cũng có tốt đẹp gì, nếu mình bị đánh và hỏng quần áo, bố mẹ và thầy cô sẽ không bình tĩnh để nghe và tin vào sự việc này. Họ sẽ còn quát mắng và trừng phạt thêm nữa.

Để bồi dưỡng lòng tự trọng của trẻ, cha mẹ, thầy cô cần tạo ra môi trường thân thiện ở nhà, ở trường mà trẻ có thể biểu lộ, thể hiện chính bản thân trẻ. Cần khoan dung, với lỗi lầm và coi đó là cơ hội để trẻ học tập. Giúp trẻ hiểu rõ không ai được làm tổn thương người khác và mọi người đều có quyền được bảo vệ. Thường xuyên thảo luận để giúp con em, học sinh đưa ra các quyết định tốt hơn. Kiên định về các chuẩn mực cư xử, xử lý một cách công bằng trong mọi tình huống. Trong giao tiếp luôn tạo điều kiện cho trẻ diễn đạt ý nghĩ và bộc lộ cảm xúc của mình. Cha mẹ và giáo viên cần lắng nghe trẻ một cách quan tâm, chăm chú, dành thời gian để nhận ra các cảm xúc của trẻ và trả lời những thắc mắc của trẻ một cách rõ ràng. Khi trẻ mắc lỗi, hãy phê bình hành vi của trẻ chứ không phải kêt tội nhân cách con người của trẻ.

Bên cạnh việc xây dựng bồi dưỡng lòng tự trọng, cần nghiên cứu đưa vào những chương trình phòng chống xâm hại tình dục dựa trên bằng chứng khoa học.

PV: Vậy theo ông, dạy trẻ về phòng chống tình dục tập trung vào giai đoạn nào là phù hợp nhất và phương pháp như thế nào sẽ hiệu quả?

Trên thế giới, các chương trình phòng chống xâm hại tình dục thường tập trung vào giai đoạn Tiểu học và đầu THCS (từ 6-13 tuổi).

Nội dung chương trình luôn tập trung vào 7 nhóm vấn đề (1) Giới thiệu về phổ hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục; (2) Quyền bất khả xâm phạm về thân thể cá nhân; (3) Hành vi dẫn dụ làm thân; (4) Nhận diện các tình huống an toàn và không an toàn; (5) Cách nói không một cách nhất quán và tự tin; (6) Tầm quan trọng và cách thức chia sẻ những bí mật với người lớn; (7) Nhận diện các dạng động chạm phù hợp/không phù hợp.

Về phương pháp tổ chức tập huấn cho học sinh phải có chiếu phim, đóng vai trong tình huống sân khấu hoá. Dạy kỹ năng cho các em cũng phải rất cụ thể tỉ mỉ từ làm mẫu hành vi – yêu cầu tập luyện đóng vai – đưa ra phản hồi điều chỉnh – tiếp tục thực hành đóng vai – mở rộng các tình huống để khái quát hoá kỹ năng (qua game, bài luận thu hoạch, viết truyện, giải quyết tình huống mẫu) được vận dụng nhiều.

Và để có hiệu quả, các chương trình luôn có phần giới thiệu những nội dung giáo dục với cha mẹ của trẻ và có mạng lưới kết nối sau khoá tập huấn giữa học sinh – cha mẹ - nhà trường – các tổ chức bảo vệ trẻ em và các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.