Cần loại bỏ giáo dục quyền uy, chấn chỉnh đào tạo sư phạm

TS. Trịnh Hòa Bình
TS. Trịnh Hòa Bình
TPO - 231 cái tát, 50 cái tát, đánh học sinh bầm tím người... là những hành động gây nhức nhối ngành giáo dục thời gian qua. Theo TS. Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý, một phần nguyên nhân là do lối giáo dục quyền uy, và việc đào tạo giáo viên thời gian dài vừa qua đang bị buông lơi.  

TS. Trịnh Hòa Bình nhận định, giáo dục hiện nay đang là thứ giáo dục quyền uy. Giáo viên nói, học sinh cứ thế làm theo. Dần dần nó trở thành một thứ luật ngầm, bất di bất dịch. Thế nên học sinh cãi lại, không nghe lời, không lắng nghe đều được coi là hư, là chưa ngoan. Và đã chưa ngoan là phải bị trừng phạt. Nói như vậy là chúng ta đang bảo vệ những giáo viên. Vì chúng ta mới chỉ nói đến kỹ năng thay vì về động cơ nghề nghiệp, thay vì chất nhân đạo trong những giáo viên đó đang bị thiếu. Đấy mới là căn bệnh của giáo dục chúng ta.

Tại sao bây giờ nó rộ lên? Có lẽ trước kia vẫn có nhưng bây giờ người ta quan tâm hơn. Những người bị hại trước đây ít làm căng thẳng, người ta chấp nhận giống như một đường ray, giống như một thói quen, chấp nhận giáo dục quyền uy. Nhưng bây giờ, rõ ràng xã hội cởi mở hơn, quyền con người, mối quan hệ thầy với trò… đều được cởi trói. Nên người ta không chấp nhận được lối ứng xử quyền uy đó. Đó chưa nói chuyện vì sao người thầy lại thế.

Xét bức tranh chung thì đó là mặt trái của cơ chế thị trường. Người ta tiền tệ hóa, vật chất hóa dịch vụ giáo dục cung cấp cho người học. Nên phải được truyền trả lại ngang giá. Nhưng thực tế, lương giáo viên thấp, nên thu nhập không cao, công việc lại vất vả. Nếu thu nhập của giáo viên cao thì không chuyện giáo viên ấm ức những chuyện vặt vãnh như thế. Còn khi thu nhập thấp, đương nhiên lúc nào họ cũng sống trong tâm trạng ấm ức. Tất nhiên không phải vì thế mà hằn học. Thực tế, lúc nào họ cũng bị áp lực bủa vây nên họ càng dễ sinh cáu bẳn, đánh đập.

Thậm chí cô giáo ở Hà Nội bị tố cho bạn tát học sinh còn rất trẻ (trường tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội) cũng vì suy nghĩ kia thôi. Cộng thêm với việc luôn nghĩ nghề của mình là sang trọng, đẹp đẽ. Nhưng xã hội hiện nay đã giảm rất thấp nên họ bị mâu thuẫn trong giá trị nghề nghiệp. Cộng thêm yêu cầu kỹ năng của ngành sư phạm thời gian qua bị buông lơi. Cách tuyển chọn sinh viên có đủ phẩm chất để vào ngành sư phạm, theo tôi kém đi rất nhiều.

Giáo dục cần phải thay đổi, không phải là thứ giáo dục quyền uy mà là giáo dục chia sẻ. Nếu đi châu Âu sẽ thấy, tất cả các học sinh trong lớp đều có cơ hội gần cô giáo. Học sinh kê bàn xung quanh cô thay vì cô trên bục giảng, học sinh ngồi dưới lớp như Việt Nam. Nên học sinh nào cũng gần cô giáo, học sinh nào cũng ngồi bàn đầu.

Về đào tạo sự phạm, thực ra không cần phải đổi mới cao siêu mà chỉ cần quay trở lại cái cũ một thời là tuyển chọn giáo viên kỹ lưỡng. Tuyển từ hình thể, phỏng vấn như những ngành năng khiếu khác. Còn với đội ngũ giáo viên hiện tại, mặc dù xét đến cùng thì đào tạo không quyết định nhưng rõ ràng nó có thể can thiệp được vào chuyện này. Vì vậy phải có đào tạo lại cho giáo viên, xét ngược trở lại động cơ, mục đích làm việc của giáo viên, cộng thêm tất cả bài học vừa có để trở thành thực tiễn kinh nghiệm sống động. Cộng thêm với chủ trương thải loại những người không đạt chuẩn. Giáo viên không đạt chuẩn buộc lòng phải chuyển việc khác.

Rõ ràng trong suốt một thời gian dài, đầu vào của ngành sư phạm buông lơi nên chúng ta không tuyển được nguồn lao động xứng đáng với tiêu chí nghề nghiệp. Kỹ năng rất thiếu hụt, nhưng không chỉ kỹ năng mà còn là phẩm chất. Vì có những người không thích hợp với ngành sư phạm, Khâu này chúng ta làm không tốt. Mặt khác, để nhà giáo phải bươn chải lao vào cuộc chiến kim tiền nên mọi quan hệ của họ cũng bị nhuốm màu như thế.

MỚI - NÓNG