Hiệu trưởng và giáo viên cùng khóc vì quy định

TP - Không phản đối, khiếu nại, mà chỉ mong ngành chức năng xem xét thực tế để nghiên cứu, đưa ra các quy định, ưu tiên tuyển dụng phù hợp, nhân văn. Đó là mong muốn của ban giám hiệu, cũng như tập thể giáo viên trường Mầm non xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân và nhiều địa phương khác ở tỉnh Thanh Hóa.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1988) kể: Năm 2010, tôi được nhận vào trường làm nhân viên nhà bếp, nhân viên phục vụ. Sau đó, tôi theo học Khoa sư phạm mầm non Trường Trung cấp Bách Nghệ, tốt nghiệp năm 2015, loại giỏi. Từ năm 2015, tôi được đứng lớp, dạy trẻ. Tiếp theo sau đó, để hoàn thiện bằng cấp cũng như nâng cao chuyên môn, tôi không nề hà dành thời gian 2 ngày thứ 7, chủ nhật và thời gian được nghỉ để theo học bằng đại học tại chức khoa mầm non (liên thông với Đại học Vinh).

Với mức lương từ 1,7 triệu đến 2 triệu đồng/tháng (9 tháng trong năm), chúng tôi vẫn tha thiết gắn bó với nghề. Khi nhận được thông tin UBND tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn về hợp đồng với giáo viên mầm non, chúng tôi mừng lắm khi được làm hồ sơ dự tuyển. Tuy nhiên, trong hướng dẫn quy định xét hết số người đạt trình độ đại học, cao đẳng chính quy đến trung cấp. Các ưu tiên cộng điểm khác sau đó mới được xem xét…

Nếu chiếu theo các quy định trên, thì bản thân tôi và nhiều giáo viên khác trong đợt này sẽ khó có cơ hội để được tuyển dụng. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng căn cứ từ thực tế, xem xét lại các quy định, tạo cơ hội cho chúng tôi - những người đã nhiều năm cống hiến trong nghề.

Nhắc đến những giáo viên của nhà trường đang trong diện “mong manh” cơ hội được ký hợp đồng trong đợt này, đỏ hoe khóe mắt, cô Nguyễn Thị Diệp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tôi vào ngành từ năm 1990 đến tháng 1/2012 mới được vào biên chế. Do tháng 4/2012 tôi mới có bằng đại học nên đến nay tôi vẫn chưa được chuyển ngạch.

Cả một chặng đường dài gắn bó với nghề như vậy, chúng tôi thấu hiểu được tâm tư, lo lắng, buồn phiền của những giáo viên đã làm việc nhiều năm tại đây mà chưa có cơ hội được ký hợp đồng để bảo đảm chế độ, quyền lợi. Có trường hợp đã đi làm nhiều năm, sau khi thấy không có cơ hội được tuyển dụng trong đợt này, gia đình đã bắt nghỉ làm, dù giáo viên vẫn muốn công tác trong ngành.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Huy Nhị - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thọ Xuân cho biết: Trong tổng số 273 hồ sơ dự tuyển thì đợt này, cả huyện được giao tuyển 66 hợp đồng. Trong đó đã có 50 hồ sơ có bằng đại học, cao đẳng chính quy, còn 187 hồ sơ có bằng trung cấp, xét lấy 16 hồ sơ.

Từ những bất cập trong quá trình triển khai, ngày 20/11/2017, UBND huyện Thọ Xuân đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Văn bản nói rõ: Theo Quyết định số 04/VBHN-BGD&ĐT ngày 24/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường mầm non, quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non; không quy định hệ đào tạo chính quy hay tại chức.

Theo hướng dẫn liên Sở Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa thì quy định đối tượng xét hợp đồng là tốt nghiệp hệ chính quy; thứ tự xét lao động hợp đồng: Xét hết người đạt trình độ đại học, sau đó đến trình độ cao đẳng và đến trình độ trung cấp.

Như vậy, những người tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức và các hình thức đào tạo khác (không chính quy) thì không được dự xét hợp đồng. Mặt khác, theo thứ tự xét như trên, thì những người đã có thời gian hợp đồng làm giáo viên dạy tại các trường mầm non, có nhiều kinh nghiệm và cống hiến nhưng không có cơ hội để được xét lao động hợp đồng, do bằng chuyên môn có trình độ trung cấp.

Trong khi đó, có nhiều trường hợp mới ra trường chưa có thời gian hợp đồng làm giáo viên ở các trường mầm non nhưng có trình độ đại học, cao đẳng được trúng tuyển xét hợp đồng. Tình hình trên gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở địa phương.

Được biết, ngoài huyện Thọ Xuân, Quan Sơn, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang gặp những bất cập này, các huyện cũng đã có văn bản gửi ngành chức năng, UBND tỉnh xem xét lại cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

MỚI - NÓNG