Học sinh Trung Quốc trước kỳ thi khốc liệt nhất thế giới

Giám thị giám sát thí sinh qua màn hình
Giám thị giám sát thí sinh qua màn hình
TPO - Gaokao, kỳ thi được đánh giá khốc liệt nhất thế giới sẽ diễn ra vào đầu tháng 6, là cột mốc học sinh quyết tâm vượt qua thành công. Tháng 6 năm ngoái có 9,7 triệu thí sinh tham gia cuộc đua khốc liệt này.

Sinh tử chiến

Hằng năm, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trung Quốc lại bước vào cuộc thi đầu vào đại học (gaokao) mà nhiều người coi là bài kiểm tra quan trọng nhất đời, thậm chí là cuộc chiến sinh tử. Tháng 6 năm ngoái có 9,7 triệu thí sinh tham gia cuộc đua khốc liệt này, theo Global Times.

Trước kỳ thi, các trường trung học phổ thông khắp Trung Quốc tổ chức nhiều hoạt động để động viên, khích lệ sĩ tử. Giáo viên giảng bài, căn dặn như thể học sinh là binh sĩ trong quân đội chuẩn bị chiến đấu. Các khẩu hiệu quyết tâm hoặc cầu chúc như “Chiến thắng trong kỳ thi tuyển sinh”, “Kiên trì đến chết”... thường được kẻ vẽ, dán trên tường, hoặc đính vào đồng phục.

Nhiều thí sinh mê tín thì mặc quần áo đỏ, đốt nhiều hương hoặc khấn vái trước tượng Khổng Tử để hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình trong kỳ thi. Mấy năm trước, gần 1.000 phụ huynh thí sinh đến một ngõ nhỏ ở tỉnh An Huy để đốt hương trước cây phong may mắn để cầu xin con cháu thi được điểm cao. Không biết cuối cùng có gặp may không nhưng lập tức cây phong 100 tuổi gặp xui xẻo. Hương nhiều cháy to (nhiều que hương to dài như cái gậy, giá tương đương 5 triệu đồng) gây hoả hoạn khiến lính cứu hoả phải xô đến dập, China News Service đưa tin.

Học sinh Trung Quốc trước kỳ thi khốc liệt nhất thế giới ảnh 1

Đốt hương khấn vái tại một ngôi đền ở tỉnh Tứ Xuyên trước kỳ thi đại học. Ảnh: Vista.

Ngoài mê tín, một số thí sinh còn nghĩ ra nhiều chiêu gian lận tinh vi, áp dụng công nghệ cao. Vì thế, nhiều hội đồng thi phải dùng đến máy dò kim loại, máy bay không người lái (drone), phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Năm 2018, giới chức ở khu vực Nội Mông còn dùng đến máy quét mạch máu ngón tay vì vân tay có thể bị làm giả dễ dàng.

Trung Quốc đang mở rộng cải cách tuyển sinh và thi đầu vào đại học, không chỉ căn cứ điểm thi một lần như trước.

Ngoài điểm thi trong kỳ thi đại học tiến hành hằng năm, điểm thi trong giai đoạn trung học phổ thông cũng được tính là một tiêu chí lựa chọn tân sinh viên, Xinhua ngày 2/3 dẫn tuyên bố của Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Ngoài ra, kết quả đánh giá chất lượng toàn diện trong giai đoạn này cũng được sử dụng để tham khảo.

Bộ Giáo dục cam kết thúc đẩy tiến trình cải cách tuyển sinh và thi đầu vào đại học nhằm lựa chọn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học đại học một cách khoa học hơn, công bằng hơn, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên.

Học sinh Trung Quốc trước kỳ thi khốc liệt nhất thế giới ảnh 2

Học sinh tỉnh Hồ Bắc mặc áo có khẩu hiệu “Đã đến thời điểm chiến đấu” ở lại lớp vào buổi tối để ôn thi đại học. Ảnh: Stringer.

Cải cách thi tuyển được áp dụng từ năm 2014 nhưng nguyên tắc tuyển sinh có thể có chút khác biệt tuỳ thuộc vùng miền. 

Ví dụ, học sinh ở Hà Bắc, một tỉnh nông nghiệp ở phía bắc Trung Quốc, chỉ phải thi đầu vào, gồm 3 môn tiếng Trung, toán và ngoại ngữ.

Về môn thi ngoại ngữ, trước đây, Trung Quốc bắt buộc tất cả thí sinh thi tiếng Anh, nhưng giờ đây thí sinh có thể thi ngoại ngữ khác - Nga, Pháp hoặc Nhật.

Ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh phải chọn tổ hợp khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Các môn thi thuộc nhóm khoa học xã hội gồm lịch sử, chính trị và địa lý, còn các môn khoa học tự nhiên gồm vật lý, hoá học và sinh học.

Năm 2018, Trung Quốc áp dụng cải cách tuyển sinh, thi đầu vào đại học ở thêm 8 tỉnh thành, gồm Hà Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông và Trùng Khánh, nâng tổng số địa phương áp dụng cải cách lên 14.

MỚI - NÓNG