Kỳ thi THPT quốc gia sẽ thay đổi ra sao?

Các chuyên gia phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: PV.
Các chuyên gia phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: PV.
TP - Phần mềm chấm thi chưa được chặt chẽ, còn sơ hở dẫn đến gian lận, Bộ GD&ÐT sẽ tiếp thu ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện. Ðối với khâu chấm thi, cả trắc nghiệm và tự luận, Bộ sẽ chỉ đạo chấm tập trung, chấm theo cụm, giám sát trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tác động của con người.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, tại buổi gặp gỡ vừa qua giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT liên quan đến những vấn đề của thi THPT quốc gia.

Thi THPT quốc gia: Lửng lơ giữa hai mục tiêu

Trao đổi với Tiền Phong, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị, trường  ĐH FPT cho biết, hiện nay kỳ thi THPT quốc gia thực hiện hai mục tiêu nhưng cả hai mục tiêu đó đều lơ lửng.  Theo ông Tùng, tên gọi của kỳ thi như thế nào không quan trọng nhưng rõ ràng, các trường ĐH vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi để xét tuyển sinh. Ngay trong Nghị quyết 29 của Trung ương cũng đưa ra vấn đề này, Quy chế của Bộ cũng khẳng định điều đó.

Xem lại hai mục tiêu này thì thấy,  đối với mục tiêu tuyển sinh,  các trường ĐH được tự chủ nên nhiều trường ngoài lấy kết quả thi THPT quốc gia còn có các hình thức tuyển sinh khác. Hiện nay có khoảng 3/4 số trường ĐH không coi điểm tốt nghiệp là yếu tố tiên quyết, duy nhất để xét tuyển. “Vậy nếu bỏ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp liệu có ảnh hưởng lớn, gây biến động đối với các trường ĐH, CĐ?”, TS Lê Trường Tùng nêu vấn đề.

Còn mục tiêu phục vụ tốt nghiệp, nếu bỏ điều kiện cộng điểm học bạ thì có khoảng 47% thí sinh cả nước tốt nghiệp  THPT bằng kết quả thi này. Thậm chí, có Sở GD&ĐT chỉ có khoảng trên 12%. “Như vậy, ngay cả mục tiêu để xét tốt nghiệp thì ý nghĩa của kỳ thi này cũng rất vừa phải” - ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng cũng thừa nhận, việc một kỳ thi phục vụ hai mục đích là khó. Vì thi tốt nghiệp là để đánh giá năng lực học sinh có đạt hay không, còn xét tuyển ĐH là  chọn thí sinh có tố chất phù hợp với ngành nghề. Hai mục tiêu không hoàn toàn trùng nhau. Do đó, kỳ thi này  dù ở mục tiêu nào cũng chỉ tương đối. “Nhưng cũng phải thừa nhận, dù Bộ hay ngành khẳng định đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phụ huynh, học sinh vẫn coi đây là kỳ thi để xét tuyển ĐH. Bởi khi nào các trường top vẫn dựa vào  kết quả này để tuyển sinh thì phụ huynh vẫn quan niệm như thế” - ông Tùng nói.

Thế nên để dung hòa được hai mục tiêu, theo ông Tùng, Bộ cần sửa những gì đang khập khiễng và đang tạo kẽ hở cho gian lận thi cử “lộng hành”.

Sẽ chấm thi tập trung

Theo đó, ông Tùng đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất là phải điều chỉnh ra đề và chấm tập trung để bớt sự ảnh hưởng, can thiệp của địa phương.  Thứ hai là trách nhiệm của Hội đồng thi chỉ chấm dứt khi quét và gửi dữ liệu bài làm của thí sinh về cho  Bộ GD&ĐT.  Thứ ba, Bộ GD&ĐT có dữ liệu trong tay, phân cho ai chấm thi là việc của Bộ. Trước khi phân, Bộ dùng phần mềm để cắt phách luôn.

TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định kỳ thi là để xét tốt nghiệp nhưng nếu được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm trung thực thì các trường ĐH vẫn sử dụng hoặc sơ tuyển trước khi tổ chức thêm kỳ thi riêng.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp tục nâng cao chất lượng ra đề thi. Yêu cầu là đề phải ổn định, đạt ngưỡng/chuẩn, đánh giá được đúng kiến thức, năng lực của số đông học sinh để xét tốt nghiệp. Quy chế thi phải tiếp tục sửa đổi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các khâu từ coi thi, thu bài thi, niêm phong bài thi, quét ảnh bài thi đều phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của địa phương và của trường ĐH để nếu có vi phạm tất cả phải cùng chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm. Các chuyên gia cũng đề nghị kỳ thi năm sau sẽ chấm tập trung, theo cụm thay vì chấm ở địa phương.

Trao đổi thêm với PV Tiền Phong, PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Trước mắt, vẫn có thể duy trì kỳ thi này.  Nhưng cách thức phải thế nào để tránh được những kẽ hở thì Bộ GD&ĐT cần phải nghiên cứu và tiếp thu ý kiến đóng góp của xã hội.

Tiếp thu các ý kiến của chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ thống nhất những phân tích về nguyên nhân và hướng khắc phục những vấn đề từ kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện. Ðối với khâu chấm thi, cả trắc nghiệm và tự luận, Bộ sẽ chỉ đạo chấm tập trung, chấm theo cụm, giám sát trực tiếp, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa tác động của con người.
MỚI - NÓNG