Lãng phí hàng trăm nghìn bộ SGK lớp 1?

0:00 / 0:00
0:00
Bộ sách Vì sự bình đẳng trong giáo dục vừa ra đời 1 năm đã “chết yểu”
Bộ sách Vì sự bình đẳng trong giáo dục vừa ra đời 1 năm đã “chết yểu”
TP - Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam tuyên bố, việc hợp nhất 2 bộ sách giáo khoa (SGK) không ảnh hưởng việc dạy và học. Tuy nhiên, nhiều giáo viên, nhà trường cho rằng, bộ sách chỉ ra đời một năm rồi “bốc hơi” nên ít nhiều gây xáo trộn, thậm chí lãng phí công sức, tiền bạc.

Mất công

Giới thiệu về SGK lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022, khác với năm ngoái có tới 4 bộ sách, năm nay NXB Giáo dục Việt Nam chỉ đưa ra 2 bộ, gồm Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Đơn vị này lý giải, đã hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ để tập trung nguồn lực. Theo đó, có 2 bộ sách vừa chào đời được 1 năm từ lớp 1 đã bị hợp nhất, gồm Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực.Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng chương trình, SGK mới, khi đó Bộ GD&ĐT phê duyệt 5 bộ sách, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bộ đưa về các địa phương giới thiệu. Họ đọc từng bộ sách, thành lập hội đồng, bỏ phiếu quyết định lựa chọn bộ sách nào phù hợp với địa phương mình.

Bà Nguyễn Thị Phương N., Trưởng Phòng GD&ĐT một địa phương (đề nghị không nêu tên), cho rằng, khi giao cho các trường nghiên cứu 5 bộ sách để lựa chọn bộ phù hợp nhất dạy học sinh, nhiều trường đã chọn bộ Cùng học để phát triển năng lực. Trước khi triển khai dạy học ở các trường, ngoài SGK, tài liệu giáo viên, video bài mẫu, tập huấn chung từ Bộ GD&ĐT, NXB, địa phương phải tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn riêng để giải đáp băn khoăn của giáo viên. “Đến thời điểm này, khi giáo viên đã dần quen với bộ sách, học sinh cũng đáp ứng tốt thì hay tin bộ sách sẽ không xuất bản trong năm tới. Năm học mới cận kề, mình cảm thấy hoang mang, rối bời vì đã đổ nhiều thời gian, công sức vào đó”, bà N. nói.

Ông Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, năm ngoái, trường chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực. “Năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, nhà trường chọn bộ sách đó hy vọng bộ sách sẽ đi theo học sinh, thầy cô từ lớp 1 đến lớp 5 để đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt. Còn lớp 1 dạy một bộ, lớp 2 dạy bộ khác thì dù học sinh vẫn hoàn thành phần “cần đạt”, nhưng giáo viên sẽ phải tập huấn, nghiên cứu lại bộ sách khác vất vả hơn”, ông Hợi nói.

Mất của

Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cho rằng, năm học 2021-2022, hai bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực không còn từ lớp 2, các địa phương không chọn tiếp tục dạy từ lớp 1 nên sẽ lãng phí nhiều bộ SGK đã chọn. Học sinh ở vùng cao, vùng khó khăn vẫn tận dụng SGK lớp trước cho học sinh lớp sau học lại. Nhiều trường vẫn xây dựng tủ sách dùng chung, sau mỗi năm học lại huy động sách cũ để học sinh khóa sau sử dụng.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, nói rằng, dù năm nay có đổi sang bộ sách khác, các trường cũng không gặp nhiều khó khăn vì năm ngoái, Sở yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ cả 5 bộ sách. “Thư viện các nhà trường cũng được trang bị đủ tất cả các đầu sách để giáo viên có tài liệu tham khảo, nghiên cứu. Giáo viên được tập huấn chung về đổi mới chương trình, SGK”, bà nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu thống nhất được một bộ sách từ đầu đến cuối cấp học thì sẽ tốt hơn vì đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt.Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nói rằng, thầy cô luôn mong muốn bộ sách mới cùng một NXB sản xuất sẽ theo học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.