Lo ngại điểm thi môn Ngữ văn 'vênh nhau'

Ông Mai Văn Trinh (áo trắng) kiểm tra khu vực chấm thi tại Hội đồng thi Thanh Hóa năm 2019
Ông Mai Văn Trinh (áo trắng) kiểm tra khu vực chấm thi tại Hội đồng thi Thanh Hóa năm 2019
TP - Số liệu công bố kết quả điểm thi môn Ngữ văn của một số địa phương cho thấy, tỉ lệ học sinh có điểm trên trung bình khá cao, nhiều bài thi đạt điểm 9, thậm chí 9,25. Trong khi đó, giáo viên Ngữ văn cho rằng, đề Ngữ văn năm nay khó để khơi dậy tính sáng tạo, đáp án của đề ở phần sáng tạo cũng rất chung chung, dễ “vênh nhau” giữa các tay chấm.

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án các môn, tuy nhiên một số giáo viên dạy Ngữ văn cho rằng, do đặc thù của môn Ngữ văn là chấm tự luận nên họ vẫn bày tỏ sự lo lắng về việc chấm lỏng tay, chặt tay của giáo viên ở các địa phương khác nhau gây thiệt thòi cho thí sinh.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn ở Hà Nội chỉ ra hai khả năng có thể khiến điểm thi môn Ngữ văn có sự “vênh nhau” giữa các tay chấm. Cô Tuyết cho rằng, dù chấm theo đáp án nhưng đặc thù của môn Văn luôn có một phần ảnh hưởng của tư tưởng chủ quan của người chấm, do đó sẽ có phần người này cho là hay, người khác cho là không. Vì thế, trong quá trình chấm giữa hai cán bộ không tránh khỏi xung đột, tranh cãi thậm chí phải ngồi lại để thống nhất.

Thứ 2, TS Tuyết cho rằng, đáp án cuả Bộ GD&ĐT năm nay đưa ra khá chung chung ở phần sáng tạo. Cụ thể, ở phần sáng tạo đáp án chỉ đưa ra ý “Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc”, điều này có phần gây lệch quan điểm giữa các giám khảo với nhau, giữa giám khảo vùng miền này và vùng miền khác. Vì đáng ra, đáp án có mở đến đâu cũng nên gạch ra vài dòng yêu cầu cần đạt được để giám khảo căn cứ vào đó cho điểm sẽ chính xác, khách quan hơn.

Trong khi đó, một giáo viên dạy Ngữ văn ở Hà Nội cho rằng, đề thi năm nay không hay, vì thế rất khó để khơi dậy sự sáng tạo của học sinh do đó việc cho điểm phần sáng tạo cũng rất khó khăn cho các giám khảo. Trong khi, phần Nghị luận xã hội cho điểm yếu tố sáng tạo ở mức 0,25 và phần Nghị luận văn học cho điểm lên tới mức 0,5, tổng cộng là 0,75 điểm. Vì thế, giáo viên này cho rằng, có bài thi đạt mức điểm 9,25 phải là những bài xuất sắc, có lối diễn đạt mới mẻ, không đi theo lối mòn.

Cũng theo giáo viên này, điều cô lo lắng nhất  là có sự “vênh nhau” về cách chấm giữa các địa phương. Ví dụ năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện bảng điểm môn Ngữ văn nhiều điểm 9, trong khi đó, Hà Nội nơi có lượng thí sinh lớn, nhiều trường THPT chuyên nhưng điểm 9 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, giáo viên rất lo, nơi nào chấm chặt tay sẽ thiệt thòi cho học sinh. Trong khi, tuyển sinh ĐH cạnh tranh nhau từng 0,25 điểm.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, một trong những đặc điểm của chấm thi tự luận là ít nhiều chịu ảnh hưởng chủ quan của người chấm. Điều này khác với chấm thi trắc nghiệm hoàn toàn bằng phần mềm trên máy tính.  Chính vì thế, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới khi chấm bài thi tự luận bao giờ cũng có những giải pháp kèm theo để đảm bảo tính chính xác, khách quan và có độ tin cậy.

Nói về đề thi Ngữ văn mở và đáp án mở ông Trinh cho biết, nhiều năm qua đã áp dụng phương thức này để thí sinh làm bài một cách sáng tạo theo ý của mình cả về tư tưởng, nội dung và cách trình bày. “Bài thi trả lời được những câu hỏi đặt ra, đảm bảo tính tư tưởng, chính xác và không vi phạm thuần phong mỹ tục, đặc biệt không vi phạm pháp luật Việt Nam đều được cho điểm”, ông Trinh nói. Cũng theo ông Trinh, quy chế có hàng rào kỹ thuật đảm bảo việc chấm thi nghiêm túc là thực hiện chấm 2 vòng độc lập. Ngoài ra, còn có quy định rút bài chấm thẩm định 5% số bài thi. Vì thế các hội đồng chấm thi thực hiện nghiêm túc việc chấm môn Ngữ văn sẽ chấm đúng năng lực học sinh.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, năm nay, điểm trung bình môn Ngữ văn THPT quốc gia cao hơn năm trước 3,6%. Toàn tỉnh có 9.154 bài thi môn Ngữ văn. Kết quả, có tới 76% bài thi đạt mức điểm trên trung bình, đặc biệt đây cũng là địa phương có 1 bài thi đạt mức điểm 9,25. Sở GD&ĐT TP HCM trước đó cũng đã thông tin sơ bộ về kết quả chấm thi môn Ngữ văn. Cụ thể, có 68.619 bài thi môn Ngữ văn thì có tới 89,4% bài thi đạt mức điểm trung bình trở lên. Đặc biệt, có 6 bài thi đạt điểm 9 và 1.366 bài thi đạt điểm 8-9.

Hôm nay (14/7), Bộ GD&ĐT công bố điểm thi và phổ điểm THPT quốc gia 2019. Từ ngày 14 đến 23/7, thí sinh có thể gửi đơn phúc khảo đến các trường học nơi đăng ký thi. Chậm nhất ngày 5/8, các địa phương công bố kết quả phúc khảo cho thí sinh.

MỚI - NÓNG