Nam sinh lớp 10 nhảy lầu tự sát: Con người chứ đâu phải cỗ máy

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh
TPO - Qua vụ việc nam sinh lớp 10 ở trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự sát và để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ sự khủng hoảng tinh thần trước áp lực học hành, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, loại bỏ những dấu hiệu bệnh lý tâm thần, nói đến chuyện tự tử ở giới trẻ gần đây, mới thấy, trẻ vị thành niên giờ đây quá dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” để nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời sau những kỳ thi.

Dư luận “dậy sóng”

Vụ việc một em nam sinh ở trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự sát và để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ sự khủng hoảng tinh thần trước áp lực học hành đang là sự kiện buồn, làm xôn xao dư luận.

Độc giả Nhan Thanh Frey chia sẻ, đọc nhiều bài viết về trường nào cũng thấy thông tin về tỉ lệ đỗ đạt của học sinh. Cái thống kê này thì sẵn lắm và trường nào cũng có, bố mẹ nào cũng quan tâm về nó lắm... điều đó đủ cho thấy họ quan tâm đến thành tích và các con số chứ không phải quan tâm thực sự đến cá nhân con em mình.

Một độc giả khác cùng quan điểm cho biết: nếu không phải là cái lò luyện thi thì người ta đã có một thời gian biểu khác hợp với lứa tuổi của các em hơn. Làm gì thì làm, học gì thì học nhưng có những khung giờ chỉ nên dành cho chơi, ngủ, nghỉ. Đằng này các em kết thúc một ngày bằng việc nhồi học, ngủ chưa đã giấc đã hốt hoảng tỉnh dậy lo bị kiểm tra bài. Người lớn thử vào học như các em xem, có chịu được không? Không trầm cảm, stress là chuyện lạ”- bạn đọc này chia sẻ.

“Con người chứ không phải những cỗ máy không có cảm xúc chỉ cần tra dầu mỡ là xong đâu”- độc giả này chia sẻ.

Nhiều độc giả cùng chung quan điểm, chính bố mẹ là người bắt trẻ gồng lên. Khi con bị ép, bị mệt thì bảo nhà người ta con người ta học đấy, thôi cố! Đừng đổ lỗi cho giáo dục mà lỗi là do bố mẹ muốn con phải hơn con người khác..

“Dù sao em cũng là nạn nhân, sự thực là em bị quá sức đến không còn muốn sống, không trách em được. Chỉ số EQ của em hết sức bình thường, chỉ có EQ của những người liên quan (cha mẹ, thầy cô, các bộ ngành giáo dục) là có vấn đề thôi”- một độc giả nêu quan điểm.

Bố mẹ vô tình hay “thủ phạm” tạo ra những “ước mơ chết”?

Qua vụ việc nam sinh lớp 10 ở trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự sát và để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ sự khủng hoảng tinh thần trước áp lực học hành!, trao đổi với PV Tiền Phong, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, loại bỏ những dấu hiệu bệnh lý tâm thần, nói đến chuyện tự tử ở giới trẻ gần đây, mới thấy, trẻ vị thành niên giờ đây quá dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” để nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời sau những kỳ thi.

"Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cả xã hội chúng ta phải nhìn nhận lại việc giáo dục trẻ, hoặc nói rộng hơn, là phải đấu tranh để thay đổi cả tư tưởng – cách nhìn của họ về việc học tập của con cái, quan niệm về sự thành đạt trong xã hội”- TS Thụy Anh nêu quan điểm.

TS Thụy Anh cũng cho rằng, có lẽ không cần phải nói nhiều nữa về những áp lực từ phía gia đình và xã hội đang vô tình đè nặng lên vai những đứa trẻ vị thành niên. 

“Cái sự giận ở mức độ nho nhỏ thì có thể còn qua đi, “ước mơ chết” sẽ chỉ là những ý nghĩ vớ vẩn thoảng qua. Nhưng nếu cấp độ giận cao hơn thì sao? Nhất là trong các trường hợp đứa trẻ bị chính những người thân của mình nhiếc móc, nhục mạ thì việc muốn tìm chết là phản ứng hoàn toàn hiểu được”- TS Thụy Anh phân tích.

TS Thụy Anh cho rằng, trong rất nhiều cách day dỗ trẻ, chúng ta đều vô tình nhận được một thông điệp: muốn “thành người”, ta phải vào đại học, phải cố gắng có một địa vị cao trong xã hội. “Lập thân tối hạ thị…”.

“Áp lực từ đó mà ra. Vô hình. Nhưng có thật. Nhưng trẻ càng lớn áp lực ấy càng nặng nề hơn”- TS Thụy Anh chỉ ra nguyên nhân.

Con cái, cha mẹ đều cần phải học?

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định vội vàng của trẻ về cái chết là sự thiếu khuyết cái gọi là “kỹ năng sống”. 

Vì thế, theo TS Thụy Anh, để đối mặt với nhiều tình huống khác nhau của cuộc đời, ngay từ nhỏ trẻ đã phải được học cũng như tự học rất nhiều kỹ năng, trong đó, có kỹ năng tự đánh giá bản thân là một trong những điều quan trọng cần được học: học để biết phân tích, so sánh những hành vi của mình và của những người xung quanh. 

“Những đứa trẻ “khó tính”, khắt khe với cả bản thân lẫn người khác, có ít bạn bè… – là một trong những nhóm có nguy cơ cao. Đánh giá quá cao bản thân, vượt cả những khả năng mình có hoặc ngược lại, đánh giá quá thấp bản thân, tự ti, không dám thể hiện mình… cũng đều dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống”- TS Thụy Anh nhấn mạnh.

“Những bậc phụ huynh cần học cách trở thành bạn của con, học cách cầm tay, ôm vai, ngồi cạnh lắng nghe, nghĩa là tất cả những cách chia sẻ cảm xúc trong im lặng. Điều này đôi khi là chìa khóa của thành công trong giáo dục cái”- TS Thụy Anh nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG