Nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp 'phiền phức, lãng phí, hành' giáo viên?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng nên xem xét bỏ các chứng chỉ không có ý nghĩa thực tế.
Nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng nên xem xét bỏ các chứng chỉ không có ý nghĩa thực tế.
TPO - Đa số giáo viên, nhà quản lý cơ sở giáo dục đều cho rằng, nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên vì điều này gây phiền phức, lãng phí, không có ý nghĩa thực tế.

Giáo viên cho rằng, sau nhiều năm, điều đáng mừng là Bộ GD&ĐT đã kiến nghị, đề xuất các đơn vị liên quan để loại bỏ chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ “hành giáo viên”.

Tuy nhiên, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp liên quan đến các Thông tư số 01, 02, 03, 04 do Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành khiến nhiều người lo lắng. Để được thăng hạng, nâng ngạch giáo viên phải tự đăng ký học các khóa để cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Cô giáo Lê Thị Tuyết Nga, giáo viên dạy Ngoại ngữ, Trường THPT Phong Châu (Phó Thọ) cho biết, cô ra trường và gắn liền với nghề dạy học từ năm 2003. Đến năm 2018, cô là một trong những giáo viên được Sở GD&ĐT Phú Thọ cho đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để chuẩn bị điều kiện cho việc nâng hạng.

Quá trình học, giáo viên vẫn phải tự bỏ tiền nộp học phí và điều quan trọng hơn là các buổi học đó có nhiều kiến thức, nội dung trùng lặp với chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hằng năm. Vì thế, cô Nga cho rằng, nâng hạng, bổ nhiệm giáo viên nên căn cứ vào các tiêu chí khác liên quan đến quá trình giảng dạy, hoạt  động chuyên môn, không nên yêu cầu các chứng chỉ. Khi có yêu cầu chứng chỉ, việc đầu tiên là giáo viên sẽ phải học để đủ điều kiện, trong khi đó chúng ta có thể căn cứ như: giáo viên đạt thành tích giỏi, có học sinh giỏi…

Cũng theo cô Nga, giáo viên ở trường đều mong mỏi có thể bỏ các loại chứng chỉ để yên tâm công tác. Như ngày trước, bản thân cô là giáo viên ngoại ngữ, yêu cầu phải có thêm chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ 2. Khi đó, cô cũng đã phải đi học để được cấp chứng chỉ tin học, riêng Ngoại ngữ 2 đang rất khó khăn thì được Bộ GD&ĐT thông báo bỏ 2 loại chứng chỉ này.

Ai học cũng được cấp chứng chỉ thì ý nghĩa gì?

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nói rằng, quy định về các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp này khiến giáo viên tâm tư. Nhiều người băn khoăn, họ đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm, đã được phân công đề án việc làm rồi thì học thêm các buổi để lấy chứng chỉ kia có ý nghĩa gì? Một số giáo viên đã đăng ký học trực tuyến và cho thấy, trung tâm tổ chức học hình thức, học viên điểm danh rồi thoát ra ngoài. 

Hay thậm chí có giáo viên lâu nay đã là giáo viên cao cấp, thạc sỹ đủ điều kiện là giáo viên hạng I từ lâu nhưng theo quy định mới vẫn phải học thêm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp bổ sung mới được. Theo hiệu trưởng này, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội Vụ nên xem xét, hủy bỏ các loại hình chứng chỉ này vì trên thực tế nó đang rất hình thức, không có ý nghĩa. “Các trung tâm được cấp phép quá nhiều, mời chào liên tục, học viên chỉ đóng tiền và học mấy buổi được cấp chứng chỉ hàng loạt. Như vậy, thử hỏi chứng chỉ này có ý nghĩa gì?”, hiệu trưởng này nói.

Còn thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, nếu các cơ quan, các cấp thực hiện nghiêm túc thì các loại hình chứng chỉ rất có ý nghĩa để đánh giá năng lực nghề nghiệp đến đâu. Tuy nhiên, trên thực tế, điều xã hội băn khoăn là liệu các loại chứng chỉ này có thực sự nhằm nâng cao chất lượng nhà giáo và là căn cứ xác đáng để đánh giá, xếp hạng nhà giáo theo quy định không thì cần phải quan tâm.

Thầy Trung phân tích, giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm nhưng qua các kỳ thực tập, thực tế của sinh viên cho thấy, sinh viên giỏi cũng chỉ là thước đo những bài kiểm tra thời điểm đó. Khi về cơ sở giảng dạy phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực thầy cô mới được bồi đắp chuyên môn thực tế để giảng dạy. “Do đó, việc tăng cường, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nhà giáo rất cần thiết. Nhưng nếu làm hình thức, sẽ là cơ hội cho các trung tâm đào tạo chứng chỉ trục lợi, giáo viên và cơ sở giáo dục lãng phí thời gian, tiền bạc. Không hiệu quả, giáo viên kêu nhiều liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội Vụ cũng nên xem xét”, thầy Trung nói.

Học online cũng được thì không cần thiết

 Xét theo quy định mới của thông tư 04, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên vô cùng quan trọng. Phải có loại chứng chỉ này, giáo viên mới có thể thăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch.

Đa số giáo viên khi hay nội dung trên đều cho rằng, đây là một quy định thừa, gây rườm rà, tốn kém về thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, không giúp ích được cho công tác chuyên môn.

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên của trường THCS Dương Liễu, Hoài Đức năm ngoái phải chi số tiền kha khá để hoàn thiện cả chứng chỉ tin học bên cạnh chứng chỉ tiếng Anh, chức chỉ chức danh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, việc có đủ chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên theo cô Dung chỉ là hình thức. “Đúng vì yêu cầu nên phải đi học chứ học về giờ không có kiến thức gì nữa”- cô Dung nhấn mạnh.

Cũng theo cô Dung, việc cô có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có giúp là cô được thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II sau hơn 20 năm đi dạy. Nhưng việc thăng hạng khiến lương của cô chỉ tăng khoảng 30 nghìn đồng/tháng không đủ “hấp dẫn” với giáo viên cũng như thắc mắc: “không biết học để được gì”.

Cô Nguyễn Đình Thủy cho rằng, về nguyên tắc, giáo viên hay các nghề nghiệp khác, về nguyên tắc đều cần có thang đánh giá năng lực cũng như sự phấn đấu thực sự của các cá nhân. Tuy nhiên, việc yêu cầu giáo viên có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ theo phong trào thì cũng không cần thiết.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM, cho rằng quy định này là công cần thiết với giáo viên. Trước đây thì đúng nhưng bây giờ nên bỏ. Vì chương trình học trùng khá nhiều với chương trình Tập huấn và Bồi dưỡng thường xuyên của Bộ giáo dục.

“Giáo viên học và tập huấn online đã có chứng chỉ thì đâu cần phải đi học để có chứng chỉ.”- cô Thảo nhấn mạnh.

Một hiệu trưởng của trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trước thông tin, xét theo quy định mới của thông tư 04, phải có loại chứng chỉ này, giáo viên mới có thể thăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch.

Vì thế, một loạt giáo viên các trường đã phải bỏ tiền ra để đi học nhận chứng chỉ này. Vì dịch covid, nên có giáo viên đi học theo diện tập trung, có giáo viên chọn theo cách học online.

“Vì quy định nên giáo viên đành phải đi học. May mắn, thời gian học ngắn và học gì thi đấy nên cũng đỡ, chỉ gói gọn trong mấy triệu. Tuy nhiên, học online thì tính hiệu quả đến đâu thì mọi người tự biết. Nên chăng, có cơ chế bỏ quy định phải có chứng chỉ này, gây tốn kém và không cần thiết cho giáo viên”- vị hiệu trưởng này nhận định.

MỚI - NÓNG