Ngày 23/4, Bộ GD&ĐT sẽ nói hết những 'vướng mắc' xử lý gian lận thi?

TPO - Tuần tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ GD&DT, Bộ Công an sẽ có cuộc họp kín để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử thời gian qua.

Bên lề phiên họp Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, thứ ba 23/4 tới, Ủy ban sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an về bê bối gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.

Ông Bình cho biết Ủy ban muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ “chuyện gì đang xảy ra”, tại sao Bộ GD&ĐT  lại chưa dám nói. Luật hiện hành đã quy định xử lý cả ba đối tượng gồm người tổ chức, người tham gia và người hưởng thụ, vậy tại sao lại không làm được?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng muốn tại cuộc họp này, Bộ GD&ĐT phải nói ra hết những vướng mắc để từ đó tìm cách giải quyết. Để Bộ không ngại ngần thông tin, cuộc họp sẽ được tổ chức kín, không mời báo chí. 

Cho đến nay, vụ gian lận thi cử chấn động năm 2018, đã có 108 thí sinh thuộc 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình được xác định là được nâng điểm so với điểm thực.

Hầu hết thí sinh gian lận, nâng điểm đều nộp hồ sơ vào các trường công an và quân đội.

Tính đến 17/4, có 53 học viên trường công an nhân dân bị trả về địa phương do bị phát hiện có gian lận, bao gồm cả 28 trường hợp là thí sinh Hòa Bình.

Trong số 44 thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Sơn La có nhiều thí sinh “xuất thân” từ những gia đình có “vai vế” trong xã hội. Đa số những thí sinh này đều đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường khối công an nhân dân, quân đội nhân dân và đã trúng tuyển.

Trưa 19/4 trao đổi với báo chí, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Sơn La -  ông Lê Hồng Long thông tin, hiện tại các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đều đang có việc bận nên chưa thể đưa ra thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí.

“Hôm nay tôi nhận được ủy quyền của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Quỳnh sẽ ra tiếp nhận các ý kiến của báo chí, rồi sẽ truyền đạt lại để có thông tin chính thức. Bản thân tôi không có chức năng phát ngôn trước báo chí thay Tỉnh ủy Sơn La”, ông Lê Hồng Long nói.

Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Sơn La chia sẻ thêm, các cơ quan tiến hành tố tụng đang vào cuộc xử lý vụ việc gian lận điểm thi tại địa phương. Khi có kết luận cuối cùng, căn cứ vào kết quả sai phạm đến đâu, các cơ quan tiến hành xử lý đúng quy định của cơ quan Đảng.

Trước thông tin rất nhiều con em của cán bộ tại các đơn vị thuộc tỉnh nằm trong danh sách được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua, ông Long cho biết chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào từ cơ quan chức năng.

“Cách đây một vài hôm tôi có nhận được thông tin này thông qua mạng xã hội Facebook, ngoài ra tôi chưa nhận được văn bản nào liên quan đến danh sách các thí sinh được nâng điểm này”, ông Long thông tin. 

Trước đó, Cục Đào tạo Bộ Công an cũng đã quyết định trả về Hòa Bình 28 sinh viên thuộc các trường công an vì gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018. Trong đó, có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), 9 thí sinh trúng tuyển Học viện An ninh nhân dân (ANND) và 2 thí sinh trúng tuyển Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Động thái trên được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận danh sách 64 trường hợp (63 sinh viên năm 2018, 1 sinh viên năm 2017) được nâng điểm thi THPT Quốc gia tại Hoà Bình. Thậm chí, có sinh viên được nâng 26,45 điểm cho 3 môn; sinh viên khác được nâng 9,25 điểm cho riêng môn Hóa học.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, phần lớn trong số các trường hợp được nâng điểm là con, em cán bộ hoặc doanh nghiệp công tác tại tỉnh Hòa Bình. 

Liên quan đến tiêu cực trong thi cử ở các địa phương, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can do về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh thành (Sơn La 8 người; Hòa Bình 3 và Hà Giang 5).

MỚI - NÓNG