Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 4: Đoàn hành hương

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán tác nghiệp trước mộ Alexandre de Rhodes
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán tác nghiệp trước mộ Alexandre de Rhodes
TP - Như được trao một sứ mệnh, giáo sư Hưng lặng lẽ đề ra một chương trình hành động. Ông thiết kế hai tấm bia để ghi danh cha Alexandre de Rhodes bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Iran và nhờ thợ khắc đá đặt ngay dọc chiều dài của mộ đá.

Tấm bia quan trọng nhất, đặt ở đầu phần mộ, sẽ phải làm tại Việt Nam và do chính những người Việt mang tới bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Từ năm 1975, giáo sư Hưng có nhiều bạn, nhất là những vị có tiếng tăm, từng làm trong guồng máy nhà nước, nhiều bạn bè xứ Quảng quê hương ông, nơi phát tích đầu tiên của chữ Quốc ngữ. Nghe trình bày dự định của ông, hầu như ai cũng tán đồng.

Thế rồi Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt của Đại học Duy Tân, Đà Nẵng được thành lập, do giáo sư Nguyễn Đăng Hưng làm viện trưởng. Một chương trình hành hương sang Isfahan để lập bia tưởng niệm cha Alexandre de Rhodes được tổ chức, với nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, tự đóng góp tài chính. Trong nửa tháng, tour du lịch đầu tiên tới Iran của chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng kín khách đăng ký.

Ngược nguồn chữ Việt, Kỳ 4: Đoàn hành hương ảnh 1 Chuẩn bị nghi lễ trên mộ Alexandre de Rhodes

Công việc quan trọng đầu tiên là phải thiết kế một tấm bia vinh danh cha Alexandre de Rhodes, có hình ảnh ngài, có chữ Việt, chữ Latin, chữ Iran bằng thứ đá hoa cương Quảng Nam, do những người thợ đá trứ danh Đà Nẵng tạo tác. Có ngay một Mạnh Thường quân xin giấu tên cung tiến. Gian nan nhất sẽ là việc đóng kiện và vận chuyển bảo vật cồng kềnh nặng hàng mấy tạ này để đến xứ sở Ba Tư mà không có thảm bay thần kỳ.

Sáu tháng sau, vào ngày 1/11/2018, cùng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng còn có thêm mười chín con dân Việt Nam nữa, tám nữ, mười một nam, thuộc đủ thành phần, lứa tuổi, xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, quá giang qua Hà Nội, sang Istanbul.

Trong đoàn có một nhà sử học, đúng hơn là nhà khảo cổ học: tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, hiện là Phó Tổng Biên tập tạp chí Xưa và Nay . Có lẽ công việc khảo cổ ở xứ sở Ba Tư, nếu có liên quan đến việc xác định xương cốt của người quá cố cách đây hơn ba trăm năm, sẽ không xảy ra. Nhưng rất cần những chứng cứ, những dấu mốc liên quan đến quá khứ mà chỉ có lịch sử mới đủ khả năng minh định. Có hai nhà nhiếp ảnh và quay phim quan trọng được mời đi trong đoàn. Nhà nhiếp ảnh Việt kiều Nguyễn Văn Tâm và nhà nhiếp ảnh kiêm quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền.

Vợ chồng anh Tâm người Sài Gòn, theo đạo gốc. Khi đã thân quen rồi, anh mới hé lộ một khoảng đời khó quên, ấy là thời kỳ trước năm 1975, anh từng là lính kỹ thuật trong hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Chính anh đã tham gia cùng với các sĩ quan kỹ thuật trong hạm đội hải quân gồm các tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, hộ tống hạm Nhật Tảo, khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng… trong trận bảo vệ Hoàng Sa từ ngày 17 đến 19/1/1974.

Vì là lính am hiểu kỹ thuật, sau năm 1975 anh được trọng dụng, tiếp tục phục vụ cho đến khi nghỉ hưu. Niềm đam mê nhiếp ảnh đã cho anh đi khắp các nẻo đường đất nước. Chính anh, và có lần cả chị Thu vợ anh, đã chín lần đi phượt lên đỉnh Phanxipan để săn mây. Anh bảo, có lần gần lên đến nóc nhà nước Việt thì bị mưa tuyết, thức ăn mang theo gần cạn, cả đoàn tưởng không thể trở về…

Trước chuyến đi này, vợ chồng anh Tâm đã tìm đến nhà thờ Măng Lăng ở Phú Yên, xin với cha xứ cho xem báu vật “Phép giảng tám ngày” rồi nài nỉ xin được photo lại, đóng thành quyển mang sang Iran để trình trước mộ cha Alexandre de Rhodes và xin mọi thành viên trong đoàn ký ngay tại mộ để làm kỷ niệm chuyến đi để đời.

Nhà nhiếp ảnh trẻ Huỳnh Văn Truyền là một bí ẩn, mà sau này mọi người mới phát hiện ra và thốt lên Eureka! Truyền vốn là một nhà kinh doanh. Anh từng thành lập một doanh nghiệp, lương tháng tầm bốn chục triệu, nhưng quá say mê nghệ thuật thứ bảy, anh bỏ nghề, mua máy quay, máy ảnh, để thỏa lòng đam mê. Tại Hội nghị Apec 2017 tại Đà Nẵng, anh là một tay máy được đặc cách mời vào bộ phận truyền thông và ghi nhiều dấu ấn với những thước phim, những khuôn hình đầy ấn tượng.

Mùa băng tuyết nào ở Mẫu Sơn, Sa Pa, anh đều vác máy lăn lộn trong giá rét để săn ảnh hàng tuần. Trước khi sang Iran anh kịp gửi những bức ảnh tâm đắc nhất trong năm tham dự cuộc triển lãm ảnh quốc gia năm 2018 tại Hà Nội. Và, anh không thể ngờ, bộ ảnh Hạ Long của anh, với những góc nhìn mới lạ, với bố cục độc đáo được chiếu rọi bởi thứ ánh sáng thần tiên của biển trời Đông Bắc, ngay trong thời gian Truyền ở xứ sở Ba Tư đã đoạt huy chương vàng, khẳng định tay máy của một tài năng trẻ.

Có hai hành khách trong đoàn lên từ ga Nội Bài. Đó là người đẹp Nguyễn Thu Hà thuộc Trung tâm Bưu điện Hà Nội và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Trong giới văn chương, báo chí hầu như rất ít người không biết đến Nguyễn Đình Toán, một tay máy thượng thặng, tất nhiên, nhưng còn là một nghệ sỹ thứ thiệt say mê nghệ thuật nhiếp ảnh đến tận cùng, một ham mê định mệnh, phi lợi nhuận.

Ngay từ năm 1965, khi còn làm pháo thủ số 2, số 3 pháo 100 ly của trung đoàn 261 phòng không Hà Nội, từng đặt bệ pháo bên hồ Trúc Bạch để săn máy bay Mỹ, chàng tân binh Nguyễn Đình Toán đã mơ ước có được một chiếc máy ảnh như phóng viên quân đội Đoàn Công Tính đang nổi như cồn ngày đó. Ông yêu khẩu pháo đã gắn bó phần đời trai trẻ của mình, tới mức, ngày Bảo tàng Phòng không Không quân được thành lập, đến thăm, nhìn thấy khẩu 100 ly, ký hiệu viết bằng chữ Nga MBI (N ngược) 1263 M2, ông nhận ra ngay.

Hệt như nó là đứa con, người bạn thân thiết máu thịt của đời mình. Những vết bom bi trên thân pháo kia thì đúng rồi, nhưng còn những vết xì kia, vết rách ở lốp kia thì không phải, đó là những vết tôn tạo. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, mà khoảnh khắc thời gian, giới hạn không gian là tiêu chí sự thật quan trọng ngang với bố cục, góc nhìn của nhà nghệ sỹ, thì điều sắp đặt kia là sự phản nghệ thuật...

Không có bức ảnh nào của Nguyễn Đình Toán chụp con tuấn mã 100 ly của ông ngày ấy, nhưng ông đã chụp nó bằng trái tim, tâm hồn. Năm 1993 Nguyễn Đình Toán xuất ngũ với quân hàm đại úy. Và từ đó ông là tay máy chuyên nghiệp không biên chế của một cơ quan nào. Cầm máy không lương. Nhuận ảnh không đủ mua phim Kodak, phim Orvo, càng không đủ tiền để in tráng…

Không có một sự kiện văn hóa văn nghệ nào vắng mặt ông. Không có một gương mặt ấn tượng của văn nghệ sỹ nào của Hà Nội (và cả nước) không được ông ghi lại. Càng những tài năng bị khuất lấp, những số phận chông chênh, chìm nổi càng được ông nâng niu từng khuôn hình. Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc… đã trở thành đặc sản của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG