Nhiều bộ sách giáo khoa mới xóa bỏ được độc quyền

Học sinh lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới Ảnh: Như Ý
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa cho năm học mới Ảnh: Như Ý
TP - Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014 về  đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trong đó yêu cầu thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Trong khi Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị ban hành chương trình, các tổ chức, cá nhân đang chuẩn bị nhân lực, điều kiện để viết SGK thì mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về việc nên xem xét lại việc thực hiện nhiều bộ SGK.

Nhiều bộ SGK: Phù hợp xu thế !

Sau cuộc họp trên, đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc nên hay không nên thực hiện nhiều bộ SGK. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên tập trung làm một bộ SGK thật tốt, những bộ sách khác dùng để tham khảo. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến giữ vững quan điểm, chỉ có thực hiện nhiều bộ SGK mới phá vỡ thế độc quyền, các đơn vị cạnh tranh nhau sẽ cho ra đời những bộ sách chất lượng. 

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, ông cảm thấy rất ngạc nhiên vì Nghị quyết đã ban hành rồi vẫn còn có ý kiến phân vân như vậy. Về mặt thẩm quyền, Quốc hội có thể sửa lại Nghị quyết nhưng quy trình để ban hành một Nghị quyết mới rất lâu. 

Theo GS Thuyết, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK là phù hợp với xu thế của thế giới. Nghị quyết 88 đưa ra một chương trình, nhiều bộ SGK là tạo điều kiện để huy động trí lực của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. “Giờ mình đổi mới mà thế giới người ta một chương trình nhiều SGK, mình nhất định giữ cái cũ một chương trình một bộ SGK thì không ổn” GS Thuyết nói.

GS Lê Phương Nga (ĐH Sư phạm 1 Hà Nội) cũng cho rằng, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam sớm muộn gì cũng phải làm. Theo GS Nga, việc có nhiều bộ SGK sẽ phá vỡ thế độc quyền lâu nay, nhà trường sẽ có sự lựa chọn. Tuy nhiên, mới đây, việc rộ lên làn sóng phản đối cuốn sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại cho thấy, dường như việc định hướng dư luận và truyền thông chưa được tốt. 

Giáo dục là chuyện tác động đến từng nhà, từng người dân. Do đó, khi họ chưa hiểu sẽ gây bất an trong xã hội. Ví dụ, khi có nhiều bộ SGK, người dân chưa hiểu sẽ thấy tại sao sách con nhà mình khác sách con nhà hàng xóm, nhà bên kia lại khác nữa... “Vì thế, ngành giáo dục phải coi đây là điều kiện mới cần xử lý. Phải làm cho người dân tin và hiểu trước khi thực hiện, nếu không những người viết SGK cũng sẽ cảm thấy bất an vì bị xã hội đánh giá không bởi căn cứ nào cả”, TS Nga nói.

TS Nga cũng cho rằng, nếu tính về tài chính để làm SGK thì 300-400 tỷ đồng không phải là con số quá lớn. Những người làm sách hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc rục rịch chuẩn bị, chờ Bộ GD&ĐT ban hành chương trình khung, chưa có ký hợp đồng với đơn vị nào. Nếu thành công, một phần cũng nhờ uy tín, tên tuổi chứ không phải vì tiền bạc. Vì tiền công trả cho tác giả được quy định bằng số tiết, không đáng kể. 

Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành về việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, từ trước đó ông đã có quan điểm nên để một chương trình, một bộ SGK thống nhất, chỉ có tài liệu tham khảo là có thể làm nhiều. Theo TS Tùng Lâm, hiện nay điều kiện đất nước còn nghèo, trình độ dân trí chưa cao. Vì thế, ông vẫn giữ quan điểm, cả nước tập trung nhân lực, điều kiện tổ chức thực hiện thật tốt một bộ SGK là đủ. 

 “Việc thực hiện nhiều bộ sách cùng lúc thì mặt lợi là các đơn vị làm sách sẽ phải cạnh tranh nhau nên làm đẹp hơn, giá thành mềm hơn nhưng mặt trái cũng nhiều. TS Tùng Lâm ví dụ, khi mỗi trường chọn một bộ SGK thì năm sau, em đã không học được sách của anh rất lãng phí”, ông nói. 

Ngoài ra, khi có nhiều bộ SGK, ở địa phương này, địa phương khác sẽ khó tránh khỏi chuyện quan hệ, “bôi trơn” bằng hoa hồng để bán sách tốt hơn. Khi đó, các trường thậm chí so đo, đơn vị nào trích phần trăm hoa hồng cao hơn sẽ chọn chứ không quan tâm đến chất lượng, ý kiến của phụ huynh, giáo viên nữa.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, khi thực hiện nhiều bộ SGK thì các tác giả viết sách, nhà xuất bản sẽ phải cạnh tranh nhau. Do đó, sẽ có những bộ sách chất lượng. Các nhà trường dựa vào ý kiến của các tổ chuyên môn đánh giá, lựa chọn chứ hiệu trưởng, hiệu phó không vì ý kiến cá nhân mà lựa chọn. Việc lựa chọn SGK cũng không giao cho những người quản lý ở Sở GD&ĐT vì như thế các nhà xuất bản sẽ tìm cách đi “cửa sau”. 

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, khi thực hiện nhiều bộ SGK điều lo ngại nhất là ý kiến phụ huynh không ủng hộ. Người cho rằng tại sao không học bộ này, người có ý kiến về bộ khác. Như vậy, việc thực hiện đồng bộ ban đầu sẽ gặp khó khăn.

“Việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam sớm muộn gì cũng phải làm. Việc có nhiều bộ SGK sẽ phá vỡ thế độc quyền lâu nay, nhà trường sẽ có sự lựa chọn”.
 GS Lê Phương Nga (ĐH Sư phạm 1 Hà Nội)

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).