Nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam từ trần

GS.TS Hoàng Thị Châu. Ảnh: Thành Long
GS.TS Hoàng Thị Châu. Ảnh: Thành Long
TPO - Nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam Hoàng Thị Châu vừa từ trần, hưởng thọ 87 tuổi.  

Giáo sư Tiến sĩ – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thị Châu là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực địa danh học, phương ngữ học, phương pháp dạy tiếng Việt, ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số.

 Ngay khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Lômônôxốp năm 1962, về nước công tác trong tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn – ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), bà đã có những bài nghiên cứu được giới chuyên môn chú ý, như: “Vấn đề xác minh các tộc người ở Việt Nam"; "Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua những tên sông"...

Bà từng được cử sang CHDC Đức làm chuyên gia dạy tiếng Việt ở trường Đại học Humboldt. Trong 5 năm tại đây bà vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; xuất bản cuốn sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức. Cuốn sách được ghi nhận có chất lượng, nhất là phần ngữ âm, do đó vẫn được sử dụng làm giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên trường Đại học Humboldt sau khi nước Đức hợp nhất.
Năm 1991, bà được phong học hàm giáo sư và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Năm 2005, bà nhận được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ.

Trong ấn tượng của các thế hệ học trò và đồng nghiệp, bà là gương sáng về tinh thần dấn thân, miệt mài nghiên cứu và giảng dạy. Những ngày sơ tán, bà cùng sinh viên ngược lên vùng rừng núi Việt Bắc và gắn mình với cuộc sống giảng dạy, học tập.

Khi Bộ môn thực hiện công trình nghiên cứu ngôn ngữ Tày – Nùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà – phụ nữ duy nhất của tổ Bộ môn không chấp nhận sự “ưu tiên”, đã khoác ba lô hướng dẫn sinh viên đi thực tế, điều tra tình hình ngôn ngữ của các dân tộc ít người.

Khi làm quản lý chuyên môn với vai trò Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, bà tích cực làm cầu nối mở rộng hợp tác với các đơn vị bạn trong nghiên cứu và đào tạo; đồng thời cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, công bố nhiều công trình.
 PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH&NV) bày tỏ: "Cuộc đời của GS.TS. NGND Hoàng Thị Châu là một tấm gương lao động không mệt mỏi, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Giáo sư mất đi để lại một khoảng trống khó bù đắp cho ngành Ngôn ngữ học Việt Nam nói chung và Khoa Ngôn ngữ học nói riêng".

Chiến đấu trong đội du kích thiếu niên tại nội thành Huế từ những năm kháng chiến chống Pháp, bà từng hai lần bị địch bắt giam, nhưng vẫn bền gan vững chí tham gia hoạt động cách mạng. Bà trở thành hình mẫu xây dựng nhân vật nữ du kích bé nhỏ tên Châu trong cuốn “Đội thiếu niên du kích kinh thành Huế” của tác giả Văn Tùng.

GS.TS. NGND. Hoàng Thị Châu, sinh năm 1934, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1983-1993), sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao, bệnh trọng đã từ trần hồi 2h32′, ngày 6/8/2020 (tức ngày 17 tháng Sáu năm Canh Tý) tại nhà riêng - số 9, ngách 15, ngõ 82, phố Yên Lãng, P. Thịnh Quang, Q. Đống Đa, Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng bắt đầu từ 11h30, ngày 8 tháng 8 năm 2020 (thứ Bảy) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 12h45, ngày 8 tháng 8 năm 2020.

Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ, Văn Điển.

MỚI - NÓNG