Phụ huynh phát hoảng đưa con đi xét nghiệm sán: Ai giám sát bữa ăn của trẻ?

Hàng trăm phụ huynh đưa con lên Bệnh viện nhiệt đới T.Ư xét nghiệm sán lợn ngày 16/3. Ảnh: Thái Hà
Hàng trăm phụ huynh đưa con lên Bệnh viện nhiệt đới T.Ư xét nghiệm sán lợn ngày 16/3. Ảnh: Thái Hà
TP - Trong ngày 16/3, Bệnh viện nhiệt đới T.Ư như vỡ trận vì có hàng trăm phụ huynh ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đưa con đi xét nghiệm sán do trước đó phát hiện 62 trẻ nhiễm sán lợn. Sự việc gióng lên hồi chuông báo động cho nhiều trường học. Riêng phụ huynh có con đến trường không tránh khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng về bữa ăn của trẻ.

Giật mình bữa ăn của trẻ

Sự việc nhà trường “tuồn” thực phẩm kém chất lượng vào Trường mầm non Thanh Khương được phụ huynh trường này phát hiện từ tháng 2/2019. Cụ thể, khi phụ huynh đưa con đi học, phát hiện thịt đã được nấu chín có nhiều hạt li ti màu trắng như sán gạo nhưng khi kiến nghị với hiệu trưởng, đã không được giải quyết thoả đáng. Kiến nghị lên công ty cung cấp thực phẩm TNHH Hương Thành, đơn vị này cho rằng, “thịt không có vấn đề”, hoặc nếu có đã được công ty đổi sang thực phẩm khác. Phụ huynh, nhà trường và công ty cung cấp thực phẩm cũng đã có buổi đối thoại, trong đó phụ huynh yêu cầu nhà trường và công ty đưa trẻ đi khám sức khoẻ, kiểm tra sán lợn tuy nhiên yêu cầu đó không được đáp ứng thoả đáng.

Đầu tháng 3, phụ huynh trường mầm non Thanh Khương tiếp tục phát hiện trường này dùng thịt gà “nát như cám” bởi khi lấy tay bóp nhẹ thịt gà nát vụn để nấu cháo cho trẻ. Hiệu trưởng trường này giải thích, đó là thịt gà công nghiệp nên mới dễ bóp vụn tuy nhiên, không đồng ý với cách giải thích đó, phụ huynh trường này đã ra chợ mua thịt gà công nghiệp về luộc chín và bóp không vụn đồng thời mời công an đến lập biên bản, niêm phong thực phẩm tại trường để mang đi xét nghiệm. Theo cơ quan chức năng huyện Thuận Thành, sau 2 tuần sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trên.

Để phản đối cách đối xử vô nhân đạo đối với bữa ăn của trẻ, rất nhiều phụ huynh trường này đã đồng loạt cho con nghỉ học. Theo ghi nhận của PV khi đó, trường có gần 600 trẻ nhưng những ngày đầu tháng 3, chỉ có khoảng 50 trẻ đến trường. Bà Nguyễn Thị Lê, gia đình có 3 cháu theo học tại trường bức xúc: “Ở nhà thực phẩm nào tươi ngon, sạch bố mẹ, ông bà mới nấu cho con ăn không ngờ ở trường, thầy cô vì lợi ích gì mà cho trẻ ăn loại thịt lợn bệnh, gà ôi như vậy”, bà Lê nói. Một phụ huynh khác kiến nghị: “Đề nghị cơ quan chức năng phải kiểm soát nguồn gốc thực phẩm vào nhà trường, nếu không dễ bị những người đứng đầu trường học trục lợi, đầu độc sức khoẻ của rất nhiều trẻ em”.

Điều đáng nói, một sự việc “ầm ĩ”, tốn nhiều giấy mực của báo chí từ đầu tháng 3/2019 đến nay nhưng chỉ khi một trẻ của Trường mầm non Thanh Khương bị sốt cao, đi xét nghiệm dương tính với nhiễm sán, hàng trăm phụ huynh khác lo lắng phải tự đưa con lên Hà Nội kiểm tra. Trao đổi với Tiền Phong ngay trong chiều 15/3, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng: “Nếu phụ huynh đã yêu cầu nhà trường và đơn vị cung cấp thực phẩm kiểm tra sức khoẻ cho trẻ thì chính quyền địa phương phải ưu tiên giải quyết yêu cầu chính đáng đó của phụ huynh là đảm bảo sức khoẻ cho trẻ rồi mới tính đến phương án khác”.

Kiểm soát chất lượng thực phẩm bỏ ngỏ?

Điều đáng nói, Công ty TNHH Hương Thành là công ty cung cấp thực phẩm cho 19/26 trường học ở huyện Thuận Thành. Ngay sau đó, các trường học có cùng đơn vị cung cấp thực phẩm đã buộc phải tạm dừng việc nấu ăn bán trú cho đến khi tìm được đơn vị cung cấp thực phẩm mới. Câu hỏi đặt ra khiến hàng triệu phụ huynh lo lắng, quy trình cung cấp thực phẩm vào trường học như thế nào? Khi có sự việc xảy ra ai là người chịu trách nhiệm hay chỉ cần đổi đơn vị cung cấp thực phẩm là xong?.

Phụ huynh phát hoảng đưa con đi xét nghiệm sán: Ai giám sát bữa ăn của trẻ? ảnh 1 Bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư lấy máu xét nghiệm

Nhiều người dự đoán, trong những ngày tới Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư sẽ tiếp tục quá tải, bởi không chỉ phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương, nơi thực phẩm bẩn bị phát hiện mà phụ huynh của 19 trường học, nơi Cty TNHH Hương Thành cung cấp cũng sẽ đưa con đi xét nghiệm, kiểm tra sức khoẻ.

Theo quy định, thực phẩm để vào tất cả các trường học, đều phải do một công ty, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân cũng như đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp. Nhà trường không được tự ý thu mua thực phẩm ở chợ hay các địa chỉ trôi nổi. Hàng ngày, nhà trường, phụ huynh có trách nhiệm giám sát chất lượng thực phẩm bằng que thử, bắng mắt thường, tham quan nơi chế biến, sản xuất thực phẩm. Thực phẩm sau khi giao nhận phải được phân loại sơ chế, chế biến theo quy trình bếp 1 chiều. Sau khi trẻ ăn, tất cả mẫu thực phẩm phải được lưu lại để kiểm tra.

Quy định là vậy, trên thực tế, khi xảy ra sự việc, phụ huynh mới ngã ngửa vì sao thực phẩm kém chất lượng như lợn nhiễm sán, thịt gà bục nát vẫn lọt qua rất nhiều cửa để vào bữa ăn của trẻ. Phải chăng vì lợi nhuận, những nhà quản lý sẵn sàng mua rẻ, nhập giá thấp chấp nhận cho những đứa trẻ chưa biết gì ăn loại thực phẩm tồi tệ nhất?

PV từng trong vai hiệu trưởng một trường mầm non tư thục chuẩn bị thành lập trường tiếp cận đơn vị cung cấp thực phẩm trường học có địa chỉ tại quận Thanh Xuân. Theo bảng giá công ty này mời chào, 1 kg thịt gà cung cấp cho trường học chỉ có giá 50.000 đồng (gà thịt trên thị trường có giá 100-130.000 đồng); thịt bò các trường thường chỉ mua loại rẻ như thịt cổ 180.000 đồng/kg; cá rô phi 25.000 đồng/kg;… Nhân viên công ty này cho rằng, kể cả những trường có mức học phí 6-7 triệu đồng, cũng họa hoằn lắm mới cho trẻ ăn một bữa cua nấu cháo, còn lại cũng chỉ nhập những thực phẩm “thường thường bậc trung” như vậy. “Để tránh việc thanh kiểm tra hoá đơn mua thực phẩm, nhiều trường còn yêu cầu đơn vị cung cấp kê cao hoá đơn lên so với thực tế”, nhân viên này nói.

Câu chuyện gióng lên hồi chuông báo động cho nhiều trường học. Riêng phụ huynh có con đến trường không tránh khỏi tâm lý hoang mang. Trên các diễn đàn mạng, các hội phụ cha mẹ học sinh chia sẻ câu chuyện đau lòng ở Thuận Thành (Bắc Ninh) và đặt ra câu hỏi, liệu mình có phải đưa con đi kiểm tra sức khoẻ. Bởi, đa số phụ huynh bận rộn, hàng ngày đưa con đến trường rồi lao vút đi làm. Cánh cổng trường khép lại, bữa ăn của trẻ thế nào không ai dám chắc.

TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã yêu cầu Sở GD&ĐT Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong trường học. Yêu cầu địa phương sớm báo cáo việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng xuất hiện tại Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Ngày 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ông Nguyễn Tử Quỳnh đã chủ trì cuộc họp cùng các sở ban ngành chức năng của tỉnh và huyện Thuận Thành về việc cung cấp thực phẩm vào trường học. Theo đó, ông Quỳnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức xét nghiệm đối với trẻ của Trường mầm non Thanh Khương; Yêu cầu Công an tỉnh làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn vào trường học.

MỚI - NÓNG