Quy định giãn cách 1,5m làm khó các trường: Chờ quyết sách mới?

Quy định giãn khoảng cách đang gây khó cho các trường.
Quy định giãn khoảng cách đang gây khó cho các trường.
TPO - Hiệu trưởng các trường cho rằng, quy định giãn cách đảm bảo 1,5m giữa các học sinh đang làm khó các nhà trường nóng về sĩ số. Chưa kể, học sinh hiếu động, giờ học thì giãn cách giờ chơi quay lại đùa nghịch, ôm nhau.

 Thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Hồ, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, toàn trường có 2400 học sinh nhưng trường đang xây mới nên đang phải đi mượn cơ sở vật chất để dạy học. Nếu thực hiện quy định giãn cách lớp học trường sẽ rất bối rối vì không chỉ thiếu phòng học trầm trọng mà giáo viên cũng không đủ để tăng ca. “Một giáo viên hiện đang dạy 19 tiết/ tuần với 5 lớp nếu chia nhỏ lớp, tăng lên 40 tiết/ tuần sẽ rất khó sắp xếp”, ông nói.

Vì thế, hiệu trưởng trường này sẽ chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT Hà Nội mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên ông Hà cũng nói, nếu thực hiện giãn cách là biện pháp bắt buộc thì nhà trường sẽ phải giảm số tiết học sinh học trên lớp, học sinh các khối lớp nghỉ luân phiên; kết hợp học trực tuyến và trực tiếp mới giải được bài toán này.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ, trên địa bàn hiện còn 4 trường học đang xây dựng. Thời gian nghỉ dịch, công việc xây dựng bị đình trệ, từ thời điểm này các công trình tiếp tục thi công tuy nhiên khó khăn vì thiếu thợ cho nên chưa đánh giá được công trình có hoàn thành theo tiến độ để sử dụng trong năm học tới hay không. Tây Hồ là một trong những quận “nóng” về sĩ số học sinh, những năm gần đây UBND Quận liên tục xây mới trường học, giảm sĩ số. Vì thế, có trường, có thời điểm sĩ số lên tới 60 em/ lớp thì năm học 2019-2020 đã giảm xuống từ 40-50 em/ lớp.

Hiện nay, quận Tây Hồ còn 4 trường đang xây dựng, trong đó 3 trường phải đi thuê cơ sở vật chất như: THCS Chu Văn An; THCS Đông Thái; Tiểu học Quảng An và 1 trường mầm non mới. Ví như THCS Chu Văn An hiện chỉ có 30 phòng học nhưng có tới 40 lớp. “Bình thường để đảm bảo hoạt động dạy học, trường này phải đi học nhờ địa điểm của Trường THCS Nhật Tân và thuê thêm 1 cơ sở khác. Do đó, nếu đồng loạt học sinh đi học thì khó có thể thực hiện giãn cách 1,5m giữa các học sinh như quy định”, ông Vũ nói.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT Quận Cầu Giấy khẳng định, với sĩ số lớp học như hiện nay, không trường nào ở Hà Nội có thể đảm bảo thực hiện được giãn cách lớp học theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Vì lớp học đông như hiện nay, mỗi bàn chỉ 2 cháu ngồi không đủ cả về bàn học, phòng học và giáo viên. 

Do đó, ông Ngọc Anh cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội đang có phương án chia 4 giai đoạn học sinh tới trường để có thể thực hiện. Trong đó, sớm nhất đầu tháng 5 học sinh lớp 9, lớp 12 tới trường. Các nhà trường sẽ tách đôi lớp học, mỗi lớp học 1 buổi theo chương trình chính khoá để hoàn thành chương trình còn ôn tập sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến. Riêng các lớp dưới, dự kiến cuối tháng 5 các em mới đến trường, khi đó đảm bảo tình hình dịch bệnh đã ổn định thì không cần thực hiện giãn cách như hiện nay.

Giờ học giãn cách, giờ chơi ai quản?

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nói rằng, tuỳ tình hình điều kiện thực tế của địa phương để cố gắng thực hiện tối đa nhất có thể về việc giãn cách học sinh trong lớp học. Việc này sẽ dễ thực hiện đối với các nước có điều kiện sĩ số chỉ khoảng 20 học sinh/ lớp. 

Còn nếu đúng 100% không thể đảm bảo được. Dù không phải địa phương nóng về sĩ số nhưng các trường ở thị trấn, TP sĩ số học sinh trung bình cũng ở mức 45 em/ lớp. Không có phòng học, không có giáo viên để chia đôi lớp mà địa phương chỉ có thể tăng thêm mỗi khối một lớp học.

Nghệ An chấp nhận cho học sinh tiểu học đi học từ thứ 2 đến thứ 7 và học sinh học 1 buổi/ ngày, không tổ chức ăn bán trú tránh việc học sinh ăn uống, chung đụng thìa nĩa…

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng, ngoài giờ học, còn có giờ giải lao, học sinh không thể như người lớn, các em sẽ trò chuyện, nô đùa. Các nhà trường cũng có các đội cờ đỏ đi nhắc nhở các em tránh tụ tập tuy nhiên sẽ chỉ hạn chế một phần nào đó.

Hiệu trưởng 1 trường THCS ở quận Nam Từ Liêm cũng cho rằng, quy định giãn cách học sinh đảm bảo khoảng cách 1,5m là đẩy các trường vào thế khó khi thực tế điều kiện không có để thực hiện. “Chưa kể, lứa tuổi học sinh nghịch ngợm, hiếu động, có thể quản giờ học nhưng giờ ra chơi không thể quản 100% nên các cháu sẽ lại vui đùa, cười nói với nhau không giữ được khoảng cách”, ông nói. 

"Trước đó, Bộ Y tế gửi công văn cho Bộ GD&ĐT  về việc thực các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục nêu rõ: “Đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi 1 bàn hoặc 2 học sinh ngồi 1 bàn hoặc ngồi so le cho phù hợp nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu”. Theo đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các nhà trường nếu lớp học đông sẽ tách đôi, đảm bảo lớp học không quá 20 học sinh.

MỚI - NÓNG