Ra trường phải biết bơi: Tranh luận nóng tại nghị trường

Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh VOV
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh VOV
TPO - Trong khi nhiều đại biểu quốc hội cho rằng bơi cần trở thành môn học bắt buộc; học sinh ra trường phải biết bơi thì lại có luồng ý kiến quan ngại sẽ tạo áp lực với nhà trường, gia đình, học sinh.

Sáng 31/5, Quốc hội nghe Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Theo đó về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, một số ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, Dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời, đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu Quốc hội coi đây là vấn đề quan trọng thì chưa có bể bơi rồi sẽ có bể bơi và sẽ có cách để tổ chức cho học sinh biết bơi. Theo đại biểu Trí, phải yêu cầu học sinh khi học xong biết bơi từ đó mới có quỹ đất để làm bể bơi, có tiền, kinh phí, thời gian, giáo viên dạy bơi.

Cũng theo ông Trí, cả 1 huyện chỉ cần 3, 5, 7 bể bơi tùy theo dân số. Môn học đó có giờ thì học sinh đến đó để học bơi. Việc này tôi thấy không hề khó. 

“Như vậy phải có luật thì mới có cơ chế, có biện pháp, có kinh phí, có quỹ đất để làm bể bơi cũng như tổ chức các hoạt động thể thao khác. Tôi hoàn toàn nhất trí ý kiến của nhiều đại biểu là phải có tiêu chí này, yêu cầu bắt buộc học sinh khi ra trường thì phải biết bơi”- đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.  

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, Luật phải cụ thể hóa những quy định bắt buộc để dạy bơi cho học sinh, ví dụ phải biết bơi mới được thi đại học.

Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng, không nên hiểu bắt buộc học môn bơi thì nhà trường phải có bể bơi, mà chỉ cần đưa ra tiêu chí học sinh THCS phải biết bơi chẳng hạn để nhà trường, gia đình cùng thực hiện. 

“Vì với điều kiện địa hình của chúng ta, để phòng tránh đuối nước, việc phổ cập bơi là rất cần thiết”- đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu thực trạng trẻ em đuối nước năm sau cao hơn năm trước, đề nghị sửa đổi luật này cần gắn với sửa đổi Luật Giáo dục về tính ràng buộc trong việc dạy bơi với tư cách một kỹ năng sống hơn là một môn thể thao.

Trong khi đó đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) lại cho rằng, tổ chức hoạt động dạy và học bơi hiện nay rất khó khả thi để thực hiện trong cả nước. Bởi hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4%-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học là có bể bơi).

Cũng theo bà Hương, nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.

Theo bà Hương, hãy để môn bơi được hình thành và phát triển theo nhu cầu của người có sở trường, sở thích và theo hướng khuyến khích, xã hội hóa để được đầu tư đa dạng cho hoạt động thể thao phục vụ nhu cầu của người dân.

"Hiện nay có nhiều học sinh bỏ học vì không có tiền đóng học phí chứ đừng nói chuyện phải xã hội hóa tham gia trong việc mời thầy, cô để dạy bơi, không khéo tạo ra gánh nặng đối với học sinh và gia đình học sinh”- bà Mỹ Hương nói.

Nữ đại biểu này cũng cho rằng, khi đề cập đến giáo dục thể thao thì phải lưu ý đến sở thích, sở trường và sức khỏe của học sinh, bởi không phải em nào cũng bơi được.

“Tôi đã từng công tác tại cơ sở giáo dục, nhà trường hiện nay cũng có miễn học môn thể dục đối với những học sinh không đảm bảo sức khỏe. Giờ đưa tiêu chí đánh giá thể chất học sinh là phải biết bơi là khó khả thi”- đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho biết.

MỚI - NÓNG