Sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều: Giáo viên, phụ huynh nói gì?

Với những bài đọc, từ ngữ chưa thật sự phù hợp với học sinh lớp 1, giáo viên sẽ giải thích cho các em
Với những bài đọc, từ ngữ chưa thật sự phù hợp với học sinh lớp 1, giáo viên sẽ giải thích cho các em
TP - Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM vừa công bố dự thảo tài liệu điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều, để xin ý kiến giáo viên và xã hội. Nhiều giáo viên nói rằng, họ đã chủ động thay thế bài đọc, phương ngữ để phù hợp tình hình địa phương.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, cho biết, tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt đã được nhà xuất bản gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT để đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt. Đồng thời, đưa lên mạng để xin ý kiến giáo viên, nhà khoa học và xã hội từ ngày 14-20/11.

Thay thế 11 bài đọc, nhiều phương ngữ

Trên website lưu trữ phiên bản điện tử các cuốn sách thuộc bộ sách Cánh Diều đã xuất hiện tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, trong đó 11 bài đọc ở các SGK Tiếng Việt tập 1 và tập 2 được thay thế; nhiều từ ngữ được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Bài đọc “Ve và Gà” trang 67 được thay bằng bài “Bờ Hồ”; “Ve và Gà” trang 69 được thay bằng bài “Chăm bà”; “Quạ và Chó” trang 99 được thay bằng bài “Phố Thợ Nhuộm”; “Cua, cò và đàn cá” trang 115 được thay bằng bài “Kết bạn”; “Cua, cò và đàn cá” trang 117 được thay bằng bài “Hồ sen”; “Hai con ngựa” trang 157 được thay bằng bài “Mẹ thật ấm”; “Hai con ngựa” trang 159 được thay bằng bài “Sáng sớm trên biển”; “Lừa, thỏ và cọp” trang 163 được thay bằng bài “Bạn của Hà”…

Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp cũng đã được các tác giả loại bỏ, thay thế bằng từ khác. Ví dụ, bỏ các từ “tivi” trang 52, “thở hí hóp” trang 85…; thay “quà quà” bằng “quạ quạ”, thay “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” trang 61 bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”…

Chị Trần Thị Thương (có con học lớp 1 ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, bài đọc khá ổn, nhưng phần ngữ liệu thay thế vẫn chưa thật sự phù hợp. “Câu “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” được thay bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”… Từ “nhá” là phương ngữ không phù hợp nên bị bỏ đi. Nhưng thỏ la cà rong chơi chỗ nọ, chỗ kia thì sao lại lơ mơ ngủ? Hay như “dưa đỏ” trang 58 được thay bằng “quả dưa”, giáo viên lại phải giải thích có nhiều loại dưa, còn trong hình rõ ràng là dưa hấu”, chị Thương nói. SGK Tiếng Việt lớp 1 có nhiều “sạn”, mà đến thời điểm này, học sinh đã học đến nửa học kỳ I, nhưng sách vẫn chưa được chỉnh sửa, chị than.

Ðã chủ động điều chỉnh để dạy học

Cô Đỗ Thị Mai Hường, giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), người có nhiều năm dạy học lớp 1, cho biết, thời điểm này mới có tài liệu điều chỉnh SGK Tiếng Việt 1, trong khi thời gian qua học sinh đã học đến những bài được cho là có “sạn”, giáo viên phải chủ động giải thích cho các em. Ví dụ, với những từ có cách đọc, cách viết khác nhau giữa hai miền Nam-Bắc, cô giáo dạy âm, vần xong sẽ nói cho rõ nghĩa để học sinh nắm bắt được vì sao lại gọi tên như vậy. Trong mọi tình huống, giáo viên vừa bám sát nội dung SGK vừa chủ động tham khảo các tài liệu khác để dạy cho học sinh hiểu được nội dung của từng bài.

Trả lời phóng viên, không ít giáo viên dạy lớp 1 nói rằng, họ chưa được tiếp cận bản tài liệu chỉnh sửa của SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều. Một số người nói, mới chỉ tiếp cận tài liệu thông qua các bài báo. “Về bài đọc, ngữ liệu thay thế phù hợp với học sinh lớp 1, nội dung dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, các từ thay thế vẫn có từ như “dưa đỏ” thay bằng “quả dưa” trong khi hình vẽ là quả dưa hấu là chưa phù hợp lắm. Tuy nhiên, điều này không quan trọng, trong quá trình dạy, giáo viên sẽ giải thích cho học sinh”, một giáo viên nói.

Thầy Lê Văn Phương, Phó phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương chỉ có 4 trường sử dụng SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Khi nghiên cứu SGK, thầy cô cũng thấy có những bài đọc, ngữ liệu chưa thật sự phù hợp với địa phương, nên đã tổ chức giao ban, tập hợp toàn bộ đội ngũ giáo viên lớp 1, giáo viên cốt cán, hiệu trưởng các trường để cùng bàn phương pháp dạy học. Tại buổi trao đổi đó, Phòng GD&ĐT nhận được 100 câu hỏi từ giáo viên các trường liên quan đổi mới SGK.

Phòng đã chỉ đạo, SGK Tiếng Việt 1 có những từ ngữ, bài đọc chưa phù hợp, giáo viên có quyền chủ động thay thế ngữ liệu phù hợp. Ví dụ, những bài đọc phỏng theo truyện ngụ ngôn nước ngoài, khi dịch nghĩa sang Tiếng Việt sẽ khó trọn nghĩa, học sinh lớp 1 thường thấy khó hiểu. Quá trình dạy học, giáo viên sẽ phải giải thích nhiều. “Sắp tới, khi có bản hiệu đính, chỉnh sửa, các trường sẽ dùng tài liệu này để dạy học hoặc như một tài liệu tham khảo nếu chưa thật sự phù hợp. Giáo viên có quyền sử dụng tài liệu khác để thay thế miễn sao học sinh học xong phần nào nắm chắc được phần đó”, ông Phương nói.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, cho biết, sau khi lấy ý kiến rộng rãi dư luận, giáo viên, nhà trường, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11. Dự kiến, trước ngày 30/11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và chuyển tài liệu bổ sung này về các địa phương để giáo viên kèm vào SGK dạy học. Tài liệu đính kèm sẽ được phát hành miễn phí.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.