Tai nạn kinh hoàng trong trường học: Ai phải chịu trách nhiệm?

Hình ảnh tại phòng học lớp 12A12 trường THPT Trần Nhân Tông sau vụ sập vữa trần nhà ngày 20/3/2018.
Hình ảnh tại phòng học lớp 12A12 trường THPT Trần Nhân Tông sau vụ sập vữa trần nhà ngày 20/3/2018.
TPO - Sập trần lớp học ở Hà Nội, bé mầm non bị nứt sọ do sụt bồn cầu ở Đắk Lắk hay nam sinh tử vong do mảng bê tông rơi trúng đầu... là những tai nạn học đường khiến cả học sinh và phụ huynh lo lắng, hoảng sợ.

Hôm qua, 20/3, nhiều học sinh lớp 12 trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị mảng vữa trần rơi trúng khi đang ở trong lớp học phải nhập viện. Lãnh đạo nhà trường cho hay, khu vực xảy ra vụ sập là một mảng trần kèm theo bóng điện. Vụ việc khiến 3 học sinh phải nhập viện cấp cứu.

Đây là vụ sập vữa trần thứ 2 tại ngôi trường này, một vụ việc tương tự đã xảy ra vào năm ngoái. Điều đáng nói, là trường này đã được cấp kinh phí lên tới 30 tỷ đồng để xây lại trường nhưng vì vướng các điều kiện chỗ thuê mới, chậm chạp việc di dời học sinh dẫn đến sự cố đáng tiếc như trên.

Tai nạn kinh hoàng trong trường học: Ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 1Cửa sắt cổng Trường Tiểu học Tam Quan 1 trước khi đổ và đè vào học sinh lớp 1 khiến cháu bé bị gãy xương quai xanh - Ảnh: Vietnamnet.
Trước đó vào tháng 10/2017, sau khi tan học tại trường Tiểu học Tam Quan 1 (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), cháu P.K.H (là học sinh lớp 1 tại trường) đang đi từ lớp ra cổng để mẹ đón về thì bị cánh cổng sắt đổ ập xuống đè lên người.
Tai nạn kinh hoàng trong trường học: Ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 2Cháu H. nằm viện sau tai nạn khiến gãy xương quai xanh - Ảnh: Vietnamnet.
Ngay sau đó, các phụ huynh khác đã chạy đến và bế cháu H. vào ghế đá của nhà trường, sau đó 2 giáo viên của nhà trường đã đưa cháu lên trạm xá để kiểm tra. Tiếp đó, cháu H. được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đảo, sau khi chụp chiếu các bác sĩ xác định cháu bị gãy xương quai xanh.
Tai nạn kinh hoàng trong trường học: Ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 3Bồn cầu trong trường mầm non Krong Ana

Kinh hoàng hơn là vụ tai nạn xảy ra tại trường mầm non Krông Ana, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, vào khoảng 11h trưa ngày 6/2/2017, sau khi ăn trưa trong khu bán trú, bé Nguyễn Văn An (5 tuổi) đi vệ sinh tại trường. Trong lúc đang vệ sinh, bất ngờ nền nhà và bồn cầu sụt lún và sập xuống, kéo bé An rơi xuống hố sâu, bị đá, gạch đè lên người gây nứt sọ và gãy xương chậu.

Một sự cố hy hữu xảy ra vào chiều 17/10 tại trường Tiểu học Thạnh Quới A, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long. 90 học sinh của lớp 3 và 4 đang ngồi học thì bị trần của phòng học cùng bóng đèn và đường dây điện đổ ập xuống đầu. 

Hẳn trong giới sinh viên, nhiều người còn chưa quên vụ việc đau lòng xảy ra tại khuôn viên ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) hồi năm ngoái. Sinh viên Nguyễn Thanh Long, 29 tuổi, sinh viên ngành Kỹ thuật Môi trường đã tử vong do bị bê tông của tòa nhà rơi trúng người, khiến nhiều người xót thương.

10 năm chưa được tu sửa bao giờ?

Tai nạn trong trường học thời gian qua phần lớn là do cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp chủ quan do con người.

Đơn cử, hồi tháng 4/2017 khi sinh viên đang ngồi học tại giảng đường V501 trường Đại học Thương Mại (Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) thì cũng bị một chiếc quạt trần rơi xuống. Hậu quả, 2 sinh viên bị thương còn nhiều sinh viên khác trong lớp hoảng loạn.

Theo nhiều sinh viên tại trường phản ánh, những chiếc quạt ở các giảng đường đều đã cũ và họ không bất ngờ khi nó bị rơi.

Tương tự vụ cháu bé bị chấn thương do sụt bồn cầu ở Đắk Lắk, Bà Lê Thị Hường, Hiệu trưởng trường mầm non Krông Ana cho biết, công trình vệ sinh cùng nhiều hạng mục khác trong trường này đều được tiếp nhận lại từ trường tiểu học Krông Ana đã gần 10 năm nay và chưa được tu sửa.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tất cả các vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng. Theo ông Lâm, người hiệu trưởng chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó mới quy trách nhiệm, kiểm điểm từng bộ phận phụ trách. 

Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc công ty luật Bảo An, Hà Nội cho rằng, tai nạn có thể xảy ra với bất kỳ ai, thậm chí các thầy cô giáo cũng có thể trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, ban giám hiệu hay bộ phận quản lý cơ sở vật chất của nhà trường thường không có chuyên môn trong việc đánh giá mức độ an toàn của công trình.

Do vậy, chỉ có ý thức thì chưa đủ mà cần có những quy định cụ thể hơn về đánh giá chất lượng công trình công cộng, đặc biệt là trường học, bệnh viện, nhà ga..., những nơi tập trung đông người, thời gian hoạt động 24/24.

Theo ông Vinh, định kỳ hàng năm hoặc 5 năm một lần (tùy theo hạng công trình), cơ sở vật chất trường học cần phải được kiểm định mức độ an toàn bởi cơ quan chuyên môn mới có thể hạn chế các tai nạn.

"Trước mắt, cơ quan chủ quản của ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát các công trình, hạng mục kém chất lượng và có phương án xử lý kịp thời. Những trường hợp phức tạp phải thuê cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định", ông Vinh đề xuất.

MỚI - NÓNG