Thi THPT quốc gia 2019: Gian lận dễ xảy ra ở khâu coi thi

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chấm thi THPT quốc gia 2019 của Hà Giang. Ảnh: Nghiêm Huê
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực chấm thi THPT quốc gia 2019 của Hà Giang. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Ngày 18/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Giang. Qua bài học năm 2018, Hà Giang quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Xe bus đưa đón thí sinh đi thi

Tại điểm thi trường THPT Hùng An, huyện Bắc Quang, Hà Giang, cô Ngô Thị Lan Hương, hiệu trưởng trường cho biết: Trường có 190 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trường tổ chức ôn tập cho thí sinh theo đúng quy định của Sở GD&ĐT Hà Giang. Nhìn chung việc thực hiện kế hoạch dạy học và ôn tập cho học sinh khối 12 đảm bảo khoa học, nghiêm túc, chú trọng việc dạy học phân hóa phù hợp với trình độ nhận thức, yêu cầu, nguyện vọng của học sinh, không dồn ép hoặc gây quá tải. Lịch tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12 kết thúc vào ngày 15/6/2019.

Không những thế, nhà trường còn tuyên truyền tới cha mẹ học sinh, thống nhất phương án đưa đón học sinh trong những ngày thi. Các gia đình học sinh chịu trách nhiệm về việc tự bố trí nơi ăn, ở và phương tiện đưa đón học sinh từ nhà đến điểm thi để đảm bảo an toàn, đúng thời gian thi theo quy định. Phương tiện di chuyển thí sinh bằng xe máy, xe điện của gia đình. Đồng thời, trường hợp đồng 2 xe buýt đưa đón học sinh từ các xã xa trường là Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Vĩnh Tuy.

Cô Lan Hương cho biết, đã có trong tay số điện thoại của phụ huynh có thí sinh tham gia thi năm nay để đề phòng khi có sự cố bất trắc, ảnh hưởng đến thời gian tham gia kỳ thi của thí sinh.

Đối với phương án đưa đón cán bộ giảng viên ĐH đến làm nhiệm vụ tại điểm thi, bố trí nơi ăn, nghỉ cho cán bộ làm thi. Nơi nghỉ cách trường khoảng 900m để bố trí chỗ nghỉ cho cán bộ đến làm thi tại điểm thi. Bố trí cho toàn thể Ban lãnh đạo, cán bộ coi thi và nhân viên làm công tác bảo vệ, phục vụ ăn uống tập trung tại trường (bữa trưa, bữa tối). Hợp đồng thuê xe đưa đón cán bộ làm thi từ nhà nghỉ đến điểm thi.

Lãnh đạo Sở Giao thông tỉnh Hà Giang cho biết, đối với những lái xe bus được thuê để chở thí sinh, Sở có điều tra cụ thể về lý lịch của các lái xe này, đảm bảo những lái xe này là người của sở, có trách nhiệm với công việc được giao.

Thi THPT quốc gia 2019: Gian lận dễ xảy ra ở khâu coi thi ảnh 1

Camera được lắp trong phòng lưu trữ bài thi, đề thi tại điểm thi trường THPT Hùng An, Bắc Quang, Hà Giang. Ảnh: Nghiêm Huê

Năm nay, Hà Giang có 5.499 thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố bảo đảm kinh phí hỗ trợ cho thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các thí sinh lớp 12 thuộc diện chính sách đang hưởng các chế độ của nhà nước theo quy định của Chính phủ được giữ nguyên chế độ thêm 1 tháng (tháng 6) để đảm bảo tốt cho thí sinh tham gia kỳ thi. Tổng số học sinh hưởng chế độ cấp gạo trong 1 tháng ôn thi là 2.868 em với 43.020 kg gạo; ngân sách tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ cho 2.868 học sinh diện chính sách tham gia ôn thi là 812.149.000 đồng.

Thẩm tra thân nhân cán bộ làm thi

Ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết: Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia các Ban của Hội đồng thi của tỉnh rất chu đáo. Đó là lựa chọn, rà soát cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, nắm vững quy chế thi để tham gia các khâu tổ chức kỳ thi. Quá trình rà soát, chọn lựa được thực hiện từ cấp trường đến cấp Sở, có ý kiến thẩm tra của Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trước khi bố trí đảm nhiệm công tác thi, đảm bảo không có bất kỳ một cán bộ, giáo viên nào không đảm bảo về phẩm chất, năng lực tham gia tổ chức thi. Khâu lựa chọn qua nhiều vòng, từ trường lên sở, rồi báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các phòng, ban liên quan lên rà soát, chốt nhân sự. Những trường hợp nhạy cảm sẽ có báo cáo bằng văn bản mật. Dự kiến có gần 1.200 lượt người tham gia tổ chức thi, trong đó cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH khoảng 350 lượt; lực lượng an ninh bảo vệ khoảng 120 lượt).

Ông Bình cho hay, tất cả các khâu đều dễ xảy ra tiêu cực: In sao đề thi, coi thi, làm phách, chấm thi,… Do liên quan đến yếu tố con người - nhân sự trực tiếp tham gia quá trình tổ chức kỳ thi.

Camera giám sát hoạt động 24/24

Để hạn chế, phòng ngừa tiêu cực, ông Nguyễn Thế Bình cho hay thực hiện một số giải pháp như trước kỳ thi: Tập trung tổ chức phổ biến, học tập quy chế thi cho tất cả các lực lượng tham gia tổ chức thi (công an, cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên) và học sinh; thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, cha mẹ học sinh hiểu biết về kỳ thi, quy chế thi để đảm bảo tính chặt chẽ cho tất cả các đối tượng; Quá trình tổ chức in sao đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi, coi thi, chấm thi, phải đảm bảo thực hiện theo đúng theo quy chế. Tăng cường công tác quản lý, giám sát thi trong quá trình bảo quản, lưu giữ đề thi, bài thi, quá trình ra coi thi, vận chuyển, bàn giao bài thi.

Đối với nơi lưu giữ bài thi, ngoài việc có tủ sắt đựng bài thi, năm nay, Bộ GD&ĐT còn quy định phải có camera giám sát 24/24. Ông Bình thông tin, Sở đã bố trí  ở 20 điểm thi mỗi điểm 2 camera giám sát. Camera giám sát có nhiệm vụ “soi” trực tiếp tủ đựng bài thi trong phòng đựng đề. Trước khi bước vào kỳ thi, công an, điểm trưởng, giám sát sẽ có nhiệm vụ kiểm tra lại một lần, sau đó lắp thẻ nhớ, kiểm tra lần nữa. Khi đã đạt yêu cầu sẽ tiến hành niêm phong thẻ nhớ của camera.

Khi công việc lưu trữ bài thi đã xong thì công đoạn lấy thẻ nhớ cũng sẽ có sự có mặt của lực lượng công an, giám sát, điểm trưởng. Những công đoạn này, ông Bình khẳng định quy chế yêu cầu phải có biên bản ghi lại. Không những thế, tại các điểm thi đều có máy phát điện dự phòng trừ trường hợp mất điện. Tất cả 20 điểm thi của tỉnh đều có hộp tích điện cho camera. Hộp tích điện có khả năng trữ điện được 6 giờ để đề phòng khi có sự cố về điện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, camera không chỉ có nhiệm vụ “soi” tủ đựng bài thi, đề thi mà còn ghi lại hoạt động ở trong phòng, những người có thể ra vào khu vực này. Thứ trưởng nhắc lại yêu cầu không được để xảy ra mất điện đối với camera, nếu mất điện 1 tiếng là phải lập biên bản ngay.

Làm việc với ban chỉ đạo thi của tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn  Hữu Độ cho biết, cần phải chú ý sử dụng công nghệ cao trong quá trình thi. Năm nay,  khâu chấm thi đã được “siết” chặt.  Gian lận rất dễ xảy ra ở khâu coi thi, đề thi lộ lọt ra ngoài.  Sao in đề thi, vận chuyển đề thi cũng cần chú ý. Việc thu bài, vận chuyển bài cũng không kém phần quan trọng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.