Tổng Liên Đoàn Lao động đặt câu hỏi chức danh GS của hiệu trưởng Tôn Đức Thắng

 trường ĐH Tôn Đức Thắng,
trường ĐH Tôn Đức Thắng,
TPO - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GD&ĐT về một số vấn đề liên quan đến trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị Bộ này xem xét tính hợp pháp của việc ban hành các chức vụ chuyên môn giáo sư của trường này, đặc biệt là việc ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng được phong giáo sư tại Preston University có hợp pháp và được công nhận tại Việt Nam hay không?

Cụ thể, theo văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn biết các nội dung mà đơn vị này chỉ đạo Hội đồng trường và Ban giám hiệu ĐH Tôn Đức Thắng tại văn bản số 655/TLĐ ngày 07/05/2019 có phù hợp các quy định pháp luật hiện hành hay không? Nội dung chỉ đạo đó có vi phạm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại công văn số 499/BGDĐT-GDĐT ngày 14/02/2019 về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học?

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi về việc tiến hành bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường thực hiện theo các quy định của Luật Giáo dục Đại học có phải thực hiện theo các quy định của Đảng và cơ quan chủ quản về cán bộ hay không? Các quy định của Đảng về công tác cán bộ có là căn cứ để quy định nội dung, quy trình về cán bộ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường hay không?

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng muốn làm rõ khái niệm “cơ quan quản lý có thẩm quyền” ở đây là cơ quan nào? Đối với trường ĐH Tôn Đức Thắng, cơ quan quản lý có thẩm quyền có phải là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không? Quy chế tổ chức và hoạt động của trường có định danh rõ cơ quan quản lý là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được không?

Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét tính hợp pháp của việc ban hành các chức vụ chuyên môn giáo sư của ĐH Tôn Đức Thắng, đồng thời thẩm định, xác minh và cho ý kiến về việc ông Lê Vinh Danh được phong giáo sư tại Preston University có hợp pháp và được công nhận tại Việt Nam, cùng quy trình bổ nhiệm giáo sư của ông Danh tại Việt Nam.

Song song với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này chưa thu một đồng nào của trường ĐH Tôn Đức Thắng, dù theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ VN thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Được biết, tiền thân của trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường ĐH Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, được thành lập theo quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng. Năm 2003, Thủ tướng ra quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân của trường thành ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc UBND TP.HCM.

Năm 2006, với quyết định số 146, Chính phủ cho phép ĐH Bán công Tôn Đức Thắng chuyển sang loại hình trường đại học công lập theo cơ chế tự chủ thu chi học phí.

Năm 2008, Thủ tướng ký quyết định số 747/QĐ-TTg về việc đổi tên ĐH Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TPHCM thành Đại học Tôn Đức Thắng, chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, nhiều cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã nộp đơn phản đối cơ quan chủ quản của mình là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên Đảng, Chính phủ vì yêu cầu phải nộp lại tài chính...

Tiền Phong sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...

MỚI - NÓNG