Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học lên tiếng ý kiến đổi 'Giáo dục' thành 'Záo Zụk'

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
TPO - “Ý kiến đó chỉ là ý kiến, biết để thế thôi chứ nó chìm vào trong im lặng và chúng tôi cũng không có quan tâm đến đề xuất của ông Hiền, đó là công trình nghiên cứu riêng của cá nhân còn đề xuất này tác động đến ngôn ngữ học và tiếng Việt thế nào thì đó lại là chuyện khác”- Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam lên tiếng trước đề xuất cải cách tiếng Việt đang gây tranh cãi thời gian gần đây.

Mới đây, cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.

PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần một thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Trả lời báo Tiền Phong, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, chữ quốc ngữ đang đồng hành cùng tiếng Việt và chắc chắn không ai có thể thay đổi được đâu.

Đề xuất chỉ cho có?

 PV: Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt. Cá nhân ông có thấy bất ngờ về đề án này không?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Tôi không bất ngờ gì, tôi chính là người biên tập báo cáo đó trong số hơn 300 báo cáo gửi đến hội thảo và số báo cáo in trong kỉ yếu là trên 260 bài thì có báo cáo này. Chúng tôi không để ý, không mời ông Hiền đọc trong hội thảo mà nếu ông Hiền đọc thì cũng không gây ấn tượng gì vì chuyện đó đã được mang ra bàn quá lâu rồi và không quay trở lại nữa.

Theo ông, liệu phương án cải tiến của vị PGS này có gì mới không, thưa ông?

Phương án của ông Hiền được duy nhất một điểm là nhắc lại cho mọi người biết chữ quốc ngữ đang có điều bất hợp lý, chỉ thế thôi. Nó giống như chúng ta nhắc lại chuyện các phố cổ hiện nay đang có bất hợp lý và cần quy hoạch lại. Còn việc quy hoạch phố cổ thế nào thì giống y như đề xuất này đưa ra, là khó hơn trên trời.

Chuyện bất hợp lý của chữ quốc ngữ bàn lâu rồi. Trước đây, có nhiều dự án còn lớn hơn đề xuất này nhiều. Vì thế, đề xuất này với chúng tôi không có gì lạ cả. Mọi người cứ bình tâm, kê cao gối mà ngủ, chữ quốc ngữ đang đồng hành cùng tiếng Việt và chắc chắn không ai có thể thay đổi được đâu. Cho nên ý kiến đó chỉ là ý kiến, biết để thế thôi, và nó chìm vào trong im lặng. Chúng tôi cũng không có quan tâm đến đề xuất này của ông Hiền, đó là công trình nghiên cứu riêng của cá nhân còn đề xuất này có tác động đến ngôn ngữ học và tiếng Việt thế nào thì đó lại là chuyện khác.

Bởi vì  trong số hàng trăm báo cáo thì có rất nhiều ý kiến khác nhau, đó là quyền của người ta.

Không cần thiết và không khả thi

PV: Vậy theo ông, đề án này sẽ khó có tính khả thi?

Không cần thiết gì và tính khả thi cũng không có. Bởi vì chữ quốc ngữ đã tồn tại hàng trăm năm nay và định hình và việc thay đổi nó kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng khó. Tức là, nếu thực hiện chữ này thì tất cả các văn bản đã có sẽ thành văn bản cổ, sẽ xếp xó và những văn bản cổ không còn có ý nghĩa lắm, nó trở thành di sản.

Ngoài ra, giờ viết theo hệ thống kí tự mới thì vô cùng khó khăn như hệ thống nhà trường thay đổi, sách giáo khoa, học sinh viết lại, bao nhiêu người viết theo tiếng Việt, giờ viết theo cái đó chết ngay, không thể được đâu.

Việc thay đổi chữ quốc ngữ như tôi đã nói nó tương tự như quy hoạch phố cổ Hà Nội ấy, nhận thấy nó bất hợp lý đấy nhưng quy hoạch nó lại khó hơn lên trời.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, nghiên cứu của vị PGS này vừa thiếu cơ sở khoa học vừa thiếu tính thực tiễn, ông có đồng ý với nhận định này không, thưa ông?

Cái này thì cần phải xem vì ông Hiền mới chỉ công bố bước đầu còn ông sẽ có một công bố dài. Mà muốn đánh giá thì phải khảo sát được thực trạng tiếng Việt, nó có bao nhiêu âm vị, hệ thống âm vị ra sao,…

Điều bất hợp lý của đề xuất này cungx chưa thể nói được.  Nếu không phải là người có chuyên môn kể cả giới ngôn ngữ học không phải ai cũng bàn được. Trong trường hợp này phải có chuyên gia đọc đề án này, có những đánh giá về cơ sở luận cứ, luận điểm của tác giả thế nào và phương án của họ đến đâu.

PV: Cá nhân ông thấy thế nào khi đề xuất của ông Bùi Hiền lại bị “ném đá” đến thế?

Chúng ta hãy bình tâm đón nhận một ý kiến như thế, đó là việc bình thường. Giới ngôn ngữ học của chúng tôi không quan tâm đến vấn đề này mấy mà quan tâm đến những vấn đề bức xúc hơn rất nhiều. Ví dụ, như là việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài vào Việt Nam, chuyện thể hiện chuẩn xác các loại văn bản trên báo chí, văn bản hành chính nhà nước sao cho phù hợp và việc tiếng Việt sử dụng thế nào cho tốt. Chứ còn việc đề xuất này quá xa vời và quá khó khả thi, tiếp nó như câu chuyện vui mà thôi, không thu hút được giới chuyên môn.

Không nên đặt ra việc khó như đâm đầu vào núi Thái Sơn

PV: Vậy theo ông, Tiếng Việt cần thay đổi như thế nào?

Có rất nhiều cái có thể thay đổi nhưng riêng việc thay đổi chữ viết giờ chưa bàn được. Chỉ có điều chuẩn hóa lại một cách đúng mực về mặt ngôn ngữ và về mặt chính tả. Chính tả không phải là việc như đề xuất này mà chính tả là ở viết hoa, viết tắt, là sử dụng tiếng nước ngoài, là hiện tượng dùng lộn xộn chứ không bàn đến việc chuẩn hóa, cải tiến chữ quốc ngữ.

PV: Liệu trong tương lai chúng ta có cần cải tiến chữ Quốc ngữ hay không, thưa ông?

Không nên đặt ra và không đặt ra được. Tôi nói là Nga, Pháp và người Anh người ta đặt ra cải tiến chữ quốc ngữ quy mô hơn ta nhiều nhưng họ vẫn phải lùi, vấp phải nhiều chuyện giống  như chúng ta, nó như đâm đầu vào núi Thái Sơn ý, không được đâu. Cho nên trong việc đề xuất này đặt câu chuyện hơi xa rời thực tế, mất thời gian.

Tôi trân trọng công sức bỏ ra của ông Bùi Hiền vì đây là công trình của ông ấy. Nhưng không vì trân trọng mà chúng ta coi đó là việc cần phải bàn hiện nay. Mọi người cũng nên bình tĩnh, không ném đá vì cũng không có chuyên môn thì cũng không có cơ sở để bàn về vấn đề này.

GS. TS Trần Trí Dõi, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Vấn đề này người ta đã đưa ra bàn cả hơn nửa thế kỷ GS. TS Trần Trí Dõi cho rằng, ý kiến người ta trao đổi từ năm 1958 đến nay thành ra đề xuất này chả có gì mới. Chuyện thay đổi Tiếng Việt như thế này liên quan đến cả vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, chính sách, không hề đơn giản.

MỚI - NÓNG