Trường tư phản đối nghỉ hè kéo dài: Lo giảm nguồn thu

Nhiều ý kiến cho rằng, kéo dài thời gian nghỉ hè là cần thiết cho học sinh
Nhiều ý kiến cho rằng, kéo dài thời gian nghỉ hè là cần thiết cho học sinh
TP - Bộ GD&ĐT dự kiến từ năm tới, sẽ rút ngắn chương trình, cho học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng. Vấn đề này được sự ủng hộ của đa số phụ huynh. Tuy nhiên một số trường ngoài công lập lại phản đối vì lo ảnh hưởng đến “nồi cơm” của nhà trường, giáo viên.

Nghỉ 3 tháng quá dài

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Marie Curie Hà Nội cho hay, trước đó, Bộ đã có quy chế quy định trường tư thục được phép tựu trường trước trường công lập 4 tuần nhưng hiện nay Bộ có ý định sửa đổi điều này bằng cách cấm các trường học tập trung học sinh trước 1/9. Cùng với đó, Bộ dự kiến từ năm học tới sẽ cho học sinh nghỉ hè 3 tháng. “Hay tin này, các trường tư thục lấp ló nỗi lo trước mắt là nghỉ hè 3 tháng đồng nghĩa giáo viên không có lương. Nếu không có lương, họ sống bằng gì?”, ông nói.

Theo ông Khang, “Trường công lập nghỉ hè có lương Nhà nước lo nhưng trường tư “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Nhà nước trước khi ra chính sách nào đó, hãy xem tác động đối với xã hội thế nào”.

Thầy Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cũng nhận định, nghỉ 3 tháng hè đối với trường tư thục là quá dài. Các trường tư thục ngoài dạy kiến thức theo chương trình còn cần thời gian dạy nhiều kỹ năng sống khác. Nếu hạn chế thời gian hoạt động sẽ rất khó cho các nhà trường. Chưa kể, các gia đình ở thành thị sẽ rất khó khăn chỗ gửi con suốt
nhiều tháng.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường Đoàn Thị Điểm chia sẻ, hệ thống trường tư thục ngoài thực hiện mục tiêu giáo dục của Bộ GD&ĐT còn có những mục tiêu giáo dục khác mới thu hút được học sinh. “Nếu trường tư chỉ học như trường công sẽ phá sản, không ai học cả. Vì thế chúng tôi cần thời gian để học các chương trình khác. Với chương trình dạy học như hiện nay, trường tư không thể hoàn thành trong thời gian 9 tháng”, bà nói. Cũng theo bà Hiền, hơn 20 năm nay, trường Đoàn Thị Điểm luôn cho học sinh tựu trường từ ngày 1/8, khi đó mới đủ thời gian để dạy học cả kiến thức lẫn kỹ năng.

Các trường tư thục ở Hà Nội sau đó đã ký đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Cũng trong đơn kiến nghị, các nhà quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập cho rằng, Luật Giáo dục quy định: “Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.”

Cần nghỉ hè đúng nghĩa

Anh Trần Văn Hà, phụ huynh có 2 con bậc tiểu học và THCS tại trường tư ở Hà Nội cho biết ủng hộ quan điểm cho học sinh nghỉ hè 3 tháng. Trong thời gian đó, gia đình sẽ gửi con tham gia các hoạt động xã hội, rèn kỹ năng khác ví dụ như: học bơi, đá bóng, đi du lịch, về quê thăm ông bà… Anh Hà nói, những năm trước, cuối tháng 5 con nghỉ hè nhưng đến tháng 7 con đã đi học thêm Văn, Toán, Ngoại ngữ ở trung tâm, đầu tháng 8 đã phải đến trường, vì thế thực chất mỗi năm con chỉ được nghỉ khoảng 4 tuần hè ngắn ngủi.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ, học sinh học ngày 2 buổi là có đủ thời gian để dạy học theo chương trình và tổ chức thêm các hoạt động giáo dục. Vì thế, hằng năm nhất thiết phải có kỳ nghỉ hè kéo dài để trẻ được tham gia các hoạt động vận động như vui chơi thể thao, văn nghệ, thậm chí đi du lịch, nghỉ ngơi với gia đình.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội không ủng hộ quan điểm dạy học chương trình trước khai giảng nhưng ủng hộ quan điểm các nhà trường tổ chức các hoạt động hè cho học sinh. Theo bà An, Bộ GD&ĐT nên đánh giá tác động và đối tượng của việc thay đổi để tính toán phương án khả thi, không nên quy định cứng nhắc các loại hình nhà trường giống nhau.

Nhiều năm qua, các trường tư thục luôn tập trung học sinh từ 1/8, sớm hơn trường công. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ xem xét việc sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng phù hợp hơn về thời gian học tập, rèn luyện ở trường và thời gian nghỉ hè của học sinh phải được đảm bảo.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.