Tự chủ đại học: Không gỡ vướng, ai dám tiên phong?

Tự chủ đại học: Không gỡ vướng, ai dám tiên phong?
TPO - So với các nước phát triển, tự chủ đại học (ĐH) của Việt Nam mới đang ở mức sơ khai. Do đó, cùng với việc được Luật hoá, tự chủ giáo dục ĐH cần có sự tháo gỡ đồng bộ từ các quy định khác để không có những bài học đau lòng.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông vừa tổ chức tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy để phát triển giáo dục ĐH Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong giáo dục.

TS.Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng nói đến tự chủ ĐH là nói đến tự chủ học thuật, nhân sự, tài chính. Tuy nhiên, theo ông, tự chủ học thuật là chính, từ đó dẫn dắt các tự chủ khác. TS. Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, giáo dục ĐH Việt Nam chỉ thực hiện được tự chủ khi Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất. Ông cho rằng nếu thực hiện tự chủ mà vẫn phải thực hiện mọi quy định như khi chưa tự chủ thì chẳng khác nào không khác gì nhau.

Từ góc độ chuyên gia, TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam khẳng định, nếu không có Hội đồng trường đích thực thì không có tự chủ ĐH và khi đó chủ trương của Đảng, Nhà nước không thực hiện được.

Ông Lê Viết Khuyến cho hay, muốn tự chủ ĐH được thì hệ thống văn bản pháp luật phải đồng bộ. Hiện nay, Luật Giáo dục ĐH và Nghị định hướng dẫn dưới Luật là một bước tiến trong hệ thống văn bản về tinh thần về tự chủ ĐH, đổi mới tuy nhiên các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Công chức, Luật Viên chức… vẫn chưa thể hiện được tinh thần này.

Còn theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đối với 35 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ đã có 31 cơ sở thành lập Hội đồng trường theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung 2018. Còn với hơn 200 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc các tỉnh, thành phố, bộ, ngành khác thì mới có 54 cơ sở thành lập Hội đồng trường theo quy định mới.

Ai dám đi tiên phong?

Theo TS. Lê Viết Khuyến, trong khi thực hiện tự chủ, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài việc chấp hành Luật Giáo dục ĐH còn phải tuân theo các luật khác, trong khi khi các luật này chưa sửa thì làm sao thực hiện được tự chủ, ai dám đi tiên phong? Do đó, ông đề xuất, Chính phủ cần ban hành một nghị định riêng cho các trường thực hiện thí điểm tự chủ để có cơ sở thực hiện, không để tình trạng vừa làm vừa mò như hiện nay.

Nhìn nhận về tự chủ ĐH thời gian qua, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định ở Việt Nam, cải cách giáo dục đi liền với rủi ro, ai đi trước, đi tiên phong là “dễ chết”. Do đó, PGS. Trần Đình Thiên khẳng định muốn tự chủ ĐH thành công, các trường phải được định hình bằng một hệ tiêu chuẩn chung. Hiện nay hệ thống giáo dục ĐH dường như được quy về thông qua bằng cấp và rất hình thức.

“Khi nào bỏ được chế độ tuyển dụng thông qua bằng cấp thì sẽ giải quyết được câu chuyện bằng giả, bằng thật và lúc đó hệ thống giáo dục tự ắt sẽ thay đổi căn bản, toàn diện”, PGS. Trần Đình Thiên nhận định.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận khi đổi mới bất kỳ một điều gì đều rất khó. Vì muốn đổi mới thành công phải có sự đồng tâm của các bên liên quan từ người dân đến những người làm trong ngành giáo dục. Tức là tất cả các lực lượng đều thay đổi tư duy cùng lúc về tự chủ ĐH. Đi kèm với đó là đổi mới cách thực hiện. do vậy, quá trình chuyển từ bao cấp sang tự chủ của giáo dục ĐH là cực kỳ gian nan, vất vả.

Từ kinh nghiệm thực hiện cách đây 3 năm, PGS. Đỗ Văn Dũng nêu thực tế khi tự chủ, cán bộ, giảng viên phải làm gấp 5-6 lần so với trước nên mức lương cũng phải được trả xứng đáng. Chỉ khi nào chiêu mộ được người giỏi thì chất lượng mới tăng lên. Chính vì vậy từ năm 2017, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh không nhận chi thường xuyên 60 tỷ đồng/năm trong khi lúc đó học phí không thể tăng do thực hiện theo quy định trần học phí của Chính phủ. Nhưng chiến lược của trường là dành 80% nguồn lực để thu hút, giữ chân người giỏi.

MỚI - NÓNG