Tự chủ đại học, sao xin mua một cái ô tô cũng không được?

Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung hy vọng sẽ cởi trói cho các trường ĐH. Ảnh: Nghiêm Huê.
Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung hy vọng sẽ cởi trói cho các trường ĐH. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Từ năm 2014, Chính phủ đã quyết định giao thí điểm tự chủ cho các trường đại học. Nhưng thực tế, có trường xin mua một cái xe ô tô cũng không được. 

Năm 2014, Chính phủ đã quyết định giao thí điểm tự chủ cho các trường ĐH, thời gian thí điểm kéo dài đến hết năm 2017. Tại hội nghị tổng kết thí điểm chủ trương này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ đối với các trường ĐH Việt Nam vẫn là “chiếc khóa 2 chìa, 4 nấc”. Luật giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung lần này đang tìm cách tháo gỡ những vướng mắc cho các trường.

Tự chủ, gỡ vướng mắc từ nhiều phía

ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong hai ĐH được tự chủ sớm nhất cả nước. Thế nhưng, vì được tự chủ sớm nên các chính sách đi kèm đã không theo kịp. GS Nguyễn Đình Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết,  việc tuyển dụng và bổ nhiệm giảng viên trong các trường ĐH, nếu quy định cứng sẽ hạn chế thu hút nhân tài.

“Tôi có nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH rất giỏi nhưng chưa có bằng tiến sĩ. Luật hiện nay quy định chỉ tuyển thạc sĩ, khuyến khích tuyển dụng tiến sĩ. Tuy nhiên mọi cơ chế, tuyển dụng, đãi ngộ vẫn phải tuân theo Luật viên chức. Như vậy, với các tiến sĩ giỏi, nhất là tiến sĩ trẻ từ nước ngoài các em sẽ không về trường công lập vì lương bổng, chế độ đãi ngộ chưa tốt. Tôi phải giữ các em cử nhân lại để tạo nguồn, vào trường mới tạo điều kiện hỗ trợ để học tập thì mới có thể có điều kiện làm tiến sĩ” - GS.Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Ông cũng cho biết thực tế, sinh viên của ĐH Quốc gia Hà Nội ra trường được trường ĐH Tôn Đức thắng tuyển dụng ngay, lương trên 7 triệu đồng. Trong khi lương của ông hiện tương đương PGS, dù đã làm GS từ lâu vì theo quy định của Bộ Nội vụ không có sự khác biệt giữa lương GS - PGS; không có sự khác biệt giữa người có nhiều công trình nghiên cứu, hướng dẫn nhiều NCS với người chỉ có 1-2 công trình.

“Rồi những vướng mắc khác về giảng viên cao cấp, chuyên viên cao cấp… nên lương của tôi giờ không khác nhiều với lương sinh viên mới ra trường. Trong khi đó ở các trường ngoài công lập, những người có hàng chục công trình nghiên cứu lương cao hơn hẳn người mới chỉ có 1-2 đề tài. Còn ở trường công, lương GS có 20 bài báo ISI cũng không khác với lương của GS không có bài nào” - GS. Nguyễn Hữu Đức nêu một thực tế khác.

Theo ông, với quy định về chế độ đãi ngộ lương bổng hiện nay theo Luật viên chức thì “hòa cả làng”, và không khuyến khích người lao động phấn đấu nâng cao năng suất hiệu quả công việc, trau dồi chuyên môn, trình độ.

Không chỉ khó tuyển người trẻ, chế độ đãi ngộ như vậy ở đơn vị sự nghiệp công lập như ĐH Quốc gia Hà Nội cũng rất khó giữ người già. Các GS về hưu họ cũng thích các trường ngoài công lập chứ không chọn trường công lập. Trong khi đó thu nhập TS của trường tư khoảng 40-60 triệu đồng/tháng, nếu có công bố nhiều bài báo còn được tăng thêm.

Như vậy các trường ĐH mới thu hút được nhân tài. Các trường chỉ đào tạo thôi không đủ, nhiều trường công thu được nhưng không chi được vì không có căn cứ để trả cao hơn. Vì thế, sửa trong Luật Giáo dục ĐH là chưa đủ, phải sửa cả luật khác có liên quan. Nếu không, những nút thắt về tự chủ sẽ không thể gỡ được, sẽ rất khó tạo ra những chuyển đổi trong thực tế.

Là trường được tự chủ theo Nghị định 77 (giai đoạn 2014-2017) của Chính phủ, GS. Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho biết, trường thực hiện theo đúng đề án tự chủ mà Chính phủ đã phê duyệt. Trong đó trường được tự chủ về bộ máy nhân sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, GS. Sơn lại thấy vướng ở việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị.

“Ví dụ, trường muốn mua một cái ô tô để phục vụ đưa đón giảng viên đi giảng dạy nhưng Bộ không cho phép. Trong khi ô tô của trường đang sử dụng được mua cách đây 10 năm. Về xây dựng thì các quy trình, thủ tục không khác lúc chưa tự chủ” - GS. Đinh Văn Sơn cho hay.

PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, thực hiện theo cơ chế tự chủ của Chính phủ, các trường ĐH chỉ lo không có kinh phí để thu hút người tài, giữ chân người tài, chứ không phải là không được tự chủ về tuyển dụng nhân lực.

Hết thời quan chức làm giáo sư, phó giáo sư

PGS TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban tài chính Quốc hội cho biết Luật GD ĐH 2012 quy định có 5 chức danh giảng viên. Trong Dự thảo Luật lần này đã quy định rõ hơn. Cụ thể là: Chức danh giảng dạy của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Như vậy nếu áp dụng thì sẽ không còn tình trạng tranh luận về việc, làm giáo sư nhưng không phải là người đi giảng dạy. Theo Luật sửa đổi, đã giáo sư phải là giảng viên ĐH.

Ngoài ra, chỉ cần giảng viên ĐH đáp ứng đủ tiêu chuẩn, trình độ thì được bổ nhiệm vào một trong 5 ngạch theo quy định. Điều này sẽ tạo động lực để giảng viên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, chấm dứt tình trạng “sống lâu lên lão làng, không nỗ lực phấn đấu nâng cao năng lực trình độ của một số giảng viên hiện nay.

Thêm nữa, Dự thảo luật lần này cũng quy định bổ sung những quyền hạn và trách nhiệm của giảng viên. Ví dụ như giảng viên đại học bắt buộc phải có hoạt động thực tiễn. Giảng viên ĐH bắt buộc phải tham gia và có khả năng tham gia để xây dựng phát triển các chương trình đào tạo.

Đồng thời, quyền của giảng viên cũng được mở rộng hơn để tham gia vào nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Ví dụ trước đây giảng viên chỉ được kí hợp đồng để thỉnh giảng, để nghiên cứu khoa học với các cơ sở GD&ĐT thì bây giờ được quyền kí hợp đồng và nghiên cứu với tất cả các cơ quan khác ngoài xã hội.

MỚI - NÓNG