Tuyển sinh 2019: Những khối ngành nào hút thí sinh?

Ngành Y vẫn thuộc tốp đầu thu hút thí sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngành Y vẫn thuộc tốp đầu thu hút thí sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, 17/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi) tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.

Báo cáo về công tác tuyển sinh 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết tổng chỉ tiêu là gần 490.000, tăng 7%. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia là trên 341.000, tương đương năm 2018 và có gần 150.000 chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức khác, tăng 36% so với năm 2018. Số thí sinh đăng ký xét tuyển là 653.278 và tổng số nguyện vọng là hơn 2,5 triệu.

Trong 7 khối ngành đào tạo, khối ngành kinh doanh, quản lý, sức khỏe, an ninh quốc phòng thu hút nhiều nguyện vọng nhất, trên 1,7 triệu. Cũng theo bà Phụng, ngày 18/7, các địa phương công bố tốt nghiệp, ngày 21/7, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn đối với ngành sức khỏe và sư phạm, từ ngày 22/7 - 31/7 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Số liệu của Vụ Giáo dục ĐH cho thấy, 90% nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển là thuộc 5 tổ hợp truyền thống A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Sinh, Hóa), C00 (Văn, Sử, Địa và D01 (Toán, Văn, Anh). Như vậy, 10% nguyện vọng còn lại là thuộc về 133 tổ hợp khác.

Do đó, các trường không cần đặt ra quá nhiều tổ hợp trừ các ngành đặc thù. Bà Phụng cũng cho biết, các trường đào tạo nhóm ngành sư phạm, sức khỏe cần thông tin rõ với thí sinh về điều kiện tuyển sinh theo đúng quy chế. Thời gian qua, báo chí phản ánh có nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe đã không đưa ra điều kiện khi xét tuyển bằng kết quả học bạ. Bà Phụng cho biết chỉ có 400 nguyện vọng xét tuyển vào trung cấp sư phạm.

Vì vậy, bà đề nghị các trường CĐ, trung cấp sư phạm cần cân nhắc, nếu ước tính số lượng thí sinh trúng tuyển không đủ để mở lớp thì phải thông báo với thí sinh để các em điều chỉnh nguyện vọng. Tránh tình trạng như năm 2018, do không đủ mở lớp, có trường đã tăng vống điểm chuẩn để không có thí sinh nào trúng tuyển, gây hiệu ứng xã hội không tốt và ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu  về giảng viên, sinh viên

Phát biểu tại hội nghị, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng từ trước đến nay, khi xác định chỉ tiêu, ngoài điều kiện đảm bảo chất lượng, các trường đều dựa vào nhu cầu xã hội. Nhưng nhu cầu đó như thế nào rất khó xác định. Ví dụ, với ĐH Y Hà Nội khi xác định chỉ tiêu đào tạo điều dưỡng.

Trường tính số lượng điều dưỡng/ đầu người, lấy số liệu đó làm căn cứ để đào tạo nhưng lại chưa phù hợp với thực tế. Vì nếu dựa theo tính toán này một tỉnh mỗi năm cần đào tạo vài nghìn điều dưỡng nhưng thực tế chỉ vài người được tuyển, do đó thất nghiệp nhiều.  Chính vì vậy, cần có cơ sở dữ liệu xác định vị trí việc làm để các trường xác định chỉ tiêu đào tạo.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết đang xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên, sinh viên các trường ĐH. Sắp tới, toàn bộ dữ liệu sinh viên nhập học các trường ĐH năm 2018, 2019 cũng như danh sách giảng viên của các trường sẽ được cập nhật lên cổng thông tin tuyển sinh của bộ để xã hội giám sát.

Không những thế, người học còn có thể biết mình nằm trong danh sách sinh viên chính thức hay sinh viên “chui” của trường. Mặt khác, sau này, các cơ quan tuyển dụng cũng có thể dựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu này để biết người lao động có bằng thật hay bằng giả. Ngoài ra, bộ cũng sẽ thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường.

Tuyển vượt chỉ tiêu, hiệu trưởng, chủ tịch trường có thể bị xử lý

“Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo; hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng trường và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức; bị phạt hành chính, hình sự... tùy theo mức độ”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho rằng nên xem lại chuyện phạt các trường tuyển vượt chỉ tiêu. Năm trước, các trường tuyển vượt chỉ tiêu bị phạt đa số là các trường hàng đầu (ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội...). Tại sao không thưởng các trường này mà lại phạt? Vì có nhiều trường gọi nhập học 1.000 thí sinh nhưng không đến 100 thí sinh vào học.

Theo ông Dũng, việc tính toán gọi nhập học bao nhiêu là gánh nặng trên vai của hiệu trưởng bởi tuyển không đủ chỉ tiêu thì không có ngân sách trả lương cho cán bộ còn nếu dư thì bị phạt...

         NGUYỄN DŨNG

MỚI - NÓNG