Vì sao nhiều học sinh phát ớn với giáo dục thể chất

Vì sao nhiều học sinh phát ớn với giáo dục thể chất
TPO - Giáo dục thể chất trong nhà trường đang trong tình trạng dạy và học để thi chứ không phải để trang bị kiến thức nên môn thể dục từ trước đến nay và luôn được coi là môn phụ. Đương nhiên, môn này học sinh sẽ không học hoặc học cầm chừng để… cho có

Vì sao nhiều học sinh phát ớn với giáo dục thể chất ảnh 1 Nhiều trường ở nội thành của Hà Nội sân chật đến nỗi phải trả học sinh ngoài vỉa hè thì lấy đâu ra sân tập thể dục đủ chuẩn? Ảnh: Đỗ Hợp
Cả năm loanh quanh vài động tác khởi động

Nhiều học sinh ở Hà Nội cho rằng, bao giờ ở các trường phổ thông có được những phòng hay sân tập dành riêng cho thể dục, lúc đó các em sẽ cảm thấy môn này được đặt ngang bằng với các môn văn hóa khác ở trong trường. Còn bây giờ, giáo dục thể chất đang trong tình trạng dạy và học để thi chứ không phải để trang bị kiến thức nên môn thể dục từ trước đến nay và luôn được coi là môn phụ.

Em Đỗ Hương, học sinh trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, môn thể dục không hấp dẫn với em vì ở lớp chỉ học… qua loa. “Môn thể dục là để vận động nhưng chúng em lại được vận động quá ít, hết đứng hoặc ngồi chờ đến lượt thầy gọi lên làm động tác. Cả giờ học, chúng em chỉ vận động trong vòng chục phút còn lại các bạn trong lớp túm tụm ngồi nói chuyện, làm việc riêng” – học sinh này thẳng thắn chia sẻ.

Vũ Quốc Cường, học sinh lớp 8D  trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) cho rằng, vì sân trường em cũng là sân tập thể dục luôn nên đương nhiên là chật, không thể tập luyện một cách thoải mái.
Cường cho biết, em được tự chọn một môn bên cạnh môn học theo quy định. Em thích tự chọn môn bóng đá, tuy nhiên, sân tập không thể làm sân bóng đá được. Vì thế muốn chơi môn mình yêu thích, em và các bạn phải thuê sân bóng ở ngoài và phải trả tiền.

Em Đỗ Thanh Hương, học sinh lớp 7 của trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng bản thân các em được lựa chọn học các môn thể dục mà mình thích. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất không có nên việc chọn hay học cũng chỉ là hình thức, học chay. “Trường em có sân chơi làm thành sân tập thể dục luôn. Nhưng mang tiếng là học chạy dài thì cũng chỉ cho học sinh chạy một vòng sân 1 vài phút thì thử hỏi tăng thể lực làm sao được. Bọn em muốn đá bóng, đánh cầu lông không có sân. Hiện tại, tiết học thì người này chơi người kia nghỉ vì sân tập chật chội”- Hương than thở.

Trong khi đó, Đỗ Nguyệt Hà - một học sinh một trường THCS ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, bản thân việc tập thể dục là để tăng thể lực cho học sinh thay vì đánh giá bằng sự cố gắng, thái độ chăm chỉ hay sự tiến bộ trong thể lực thì tất cả lại được quy đổi thành những bài kiểm tra vô nghĩa với bài thi vài động tác khởi động hay môn chạy ngắn, chạy dài, đẩy tạ, nhảy xa... 

“Vậy những bạn nữ không chơi đá cầu từ nhỏ như các bạn nam thì sao, những bạn thể lực vốn kém không ném tạ, nhảy xa được thì biết thế nào? Mục đích là tập cho khỏe nhưng sao cuối cùng lại chỉ quan tâm được mấy điểm, kiểm tra vài động tác khởi động vu vơ?”- học sinh này băn khoăn.

Thể dục ơi bao giờ hết chán?

Câu hỏi đặt ra vậy bao giờ môn thể dục sẽ hết chán?

Học sinh Nguyễn Thị Nhu (học sinh trường THCS Quang Trung, Hà Nội) cho rằng, nên dành hẳn một buổi dạy môn tự chọn chứ không chỉ học chung với môn học bắt buộc như bây giờ.

Cũng theo học sinh này, các em cần đa dạng nhiều môn để học sinh có sự lựa chọn hơn các môn đang bắt buộc: cầu lông, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, đá cầu, quần vợt... 

“Nhà trường và thầy cô cho chúng em được tự chọn, đừng bắt tất cả học sinh với nhiều tính cách, khả năng đều học một môn như nhau như hiện tại. Tuy nhiên, những môn bọn em thích học thì lại không có sân tập còn những môn không thích lại cứ phải học”- Nhu chia sẻ.

Nhu cũng cho rằng, nhà trường cũng cần tăng cường cơ sở vật chất và cập nhật giáo trình mới, những môn học mới chứ đừng để phải học những môn cũ kĩ cả hình thức và nội dung mà năm nào cũng như nhau.

Theo cô Hoàng Thị Lê, giáo viên thể dục của trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, việc học sinh cảm thấy nhàm chán cũng bởi giáo trình cũ cứ lặp đi lặp lại. Việc học môn thể dục nên để các em tự chọn theo sở thích và năng khiếu của mình.

Tuy nhiên cũng theo cô Lê, việc dạy giáo dục của mình rất nhiều hạn chế: “Chừng nào những người làm giáo dục môn này là môn phụ, cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn như bây giờ thì môn này vẫn chưa thể hết chán”- vị giáo viên này cho hay. 

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.