Vinh danh những người “đưa đò”

Cô Nguyễn Thị Vân, 9 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non
Cô Nguyễn Thị Vân, 9 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non
TP - Gần 300 nhà giáo của Thủ đô, những người được ví làm nghề “đưa đò” tận tụy, tâm huyết, có nhiều sáng tạo trong dạy học trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng ở các bậc học đã được Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội vinh danh, tặng bằng khen hôm qua (11/11).

Gắn bó với nghề giáo viên mầm non đã 9 năm, cô Nguyễn Thị Vân, Mầm non Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội) đã trải qua những năm tháng khó khăn khi kết hôn được 2 năm thì chồng qua đời. Một mình nuôi con,vừa làm bố, vừa làm mẹ lại đảm đương nhiệm vụ nuôi dạy trẻ. “Không có chồng hỗ trợ, đồng lương giáo viên eo hẹp, mình nghĩ đến việc đi làm thêm nhưng nghề giáo viên có mặt từ 6h30 sáng đến 7 giờ tối mới về nên không biết làm gì. Cũng có lúc áp lực, mình nghĩ đến chuyện bỏ nghề nhưng rồi yêu trẻ lại gắn bó”, cô Vân nói. Hiểu hoàn cảnh của hai mẹ con nên nhà trường bố trí cho cô ở lại trông trẻ muộn để có thêm thu nhập nuôi con thơ.

Nhiều năm liền cô Vân là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt” tiêu biểu Thủ đô. Dù trường chưa đưa phương pháp giảng dạy Montesori nhưng cô Vân đã tự đọc các tài liệu, học hỏi ứng dụng vào dạy trẻ ở trường. Cô thiết kế lại lớp học thành những góc học tập có chủ đề, chuyên sâu phù hợp với sở thích của từng nhóm trẻ. Ứng dụng công nghệ thông tin, những bài dạy trẻ trên lớp như: đọc thơ, múa, hát… cô đều ghi lại và kết nối với phụ huynh qua zalo, facebook để tối cha mẹ ôn lại bài cho con; hướng dẫn phụ huynh rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ. Sáng kiến dạy học của cô Vân được giải C cấp ngành giáo dục của Hà Nội.

Theo cô Vân, ở lớp giáo viên dành nhiều thời gian rèn cho trẻ thói quen tự lập, tự phục vụ nhưng không ít phụ huynh lại nuông chiều, khi đưa trẻ đến trường, cô giáo dạy trẻ khoanh tay chào nhưng có người để con tự đi vào lớp hoặc trao trẻ cho cô là vội vàng quay lưng đi. Hay cô rèn cho trẻ đến lớp tự cởi giày dép để lên kệ thì phụ huynh lại làm thay cho con tất cả những việc đó.

Bận rộn là thế nhưng hàng năm cô Vân vẫn thu xếp thời gian đến với trẻ vùng cao để tặng quà, dọn dẹp điểm trường và chia sẻ khó khăn với những em nhỏ mắc bệnh ung thư. Cô giáo trẻ đã có 15 lần hiến máu cứu người.

Cô Nguyễn Thị Hạ, giáo viên Trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tuy không còn lành lặn sau một lần tai nạn giao thông phải cắt bỏ chân phải năm 2013 nhưng với tấm lòng bao dung, thương trẻ, nhiều năm qua cô tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh.

Kỳ thi vượt cấp lên lớp 10 của học sinh THCS năm nào cũng căng thẳng, chỉ có 60% học sinh có suất học trường công, nhiều em có lực học yếu kém thường nản lòng, muốn bỏ cuộc. Cô Hạ là người dạy học miễn phí, tình nguyện kèm cho hàng chục học sinh của trường để giúp các em vượt qua kỳ thi. Cô tìm đến tận nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn để vận động các em tiếp tục đến trường. Cô Hạ từng được TP Hà Nội vinh danh “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

Không riêng cô Vân, cô Hạ mà hàng trăm giáo viên được lựa chọn từ hơn 2.000 trường học của Hà Nội được đánh giá là những tấm gương sáng cho học trò với những công trình, thiết bị dạy học sáng tạo. Tiêu biểu như cô Phạm Minh Ngọc, giáo viên Trường mầm non Mai Dịch, người thiết kế ra 320 bài giảng bằng phần mềm; đội ngũ thầy cô giáo trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu hàng ngày nỗ lực dạy trẻ khuyết tật kiến thức và hòa nhập với cộng đồng…     

Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội chúc mừng thành tích các thầy cô giáo - những người tận tụy, tâm huyết đóng góp cho sự nghiệp giáo dục học sinh Thủ đô. Nhờ đó, trong năm qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 239 huy chương, giải thưởng các loại. Trong đó, có 55 huy chương Vàng, 66 huy chương Bạc; 88 huy chương Đồng và 155 giải học sinh giỏi cấp quốc gia.

MỚI - NÓNG