Vụ gian lận điểm thi năm 2018: Công lý không thể chỉ thực thi một nửa

TP - “Các trường đại học cần cân nhắc gọi nhập học bổ sung để bù đắp cho số sinh viên bị loại vì gian lận điểm thi... Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa”, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà bày tỏ tại phiên thảo luận tổ về kinh tế- xã hội, sáng 22/5.

Đề cập vụ gian lận thi cử, đại biểu (ĐB) Quốc hội Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng, căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, thí sinh được nâng điểm cần bị hủy kết quả thi và gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

Theo bà, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm giải quyết từ gốc - hủy kết quả thi THPT Quốc gia, đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển đại học. Người được nâng điểm cần bị buộc thôi học, bởi họ đã vi phạm quy chế thi THPT quốc gia, điểm thi là bất hợp pháp. “Các trường đại học cần cân nhắc gọi nhập học bổ sung để bù đắp cho số sinh viên bị loại vì gian lận điểm thi và trao lại cơ hội chính đáng cho các thí sinh khác. Công lý không thể chỉ được thực thi một nửa”, bà Hà nói.

Đối với các phụ huynh tham gia nâng điểm cho con, theo bà Hà, cơ quan điều tra có thể làm rõ để xử lý theo tội đưa hối lộ quy định tại Bộ luật Hình sự. Hành vi đưa hối lộ có thể là vật chất, tiền bạc, cũng có thể là phi vật chất (hứa hẹn được thăng tiến, lợi ích trong công việc...). Bên cạnh đó, có thể phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để con em được nâng điểm thì có thể coi là hành vi trục lợi được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng.

Cũng tại phiên thảo luận tổ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, vừa qua, Ủy ban đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và Bộ Công an. Các thành viên trong Ủy ban còn băn khoăn về một số vấn đề. “Báo cáo lần này của Chính phủ cũng không làm rõ được mà chỉ có một vài dòng. Cái mà lòng dân không yên hiện nay là chúng ta xử lý những sai phạm đó như thế nào.”, ĐB Hoa nêu.
Theo bà Hoa, sai phạm trong thi cử xảy ra ở ba tỉnh Hoà Bình, Sơn La và Hà Giang, nhưng trong báo cáo gần đây nhất của các ngành mới tập trung ở cách xử lý tại Hoà Bình và Sơn La. “Vậy việc xử lý sai phạm ở Hà Giang như thế nào? Chúng ta cần có lời giải và cung cấp thông tin cho người dân để lòng dân được yên hơn”, bà Hoa đề nghị. 

Cũng theo ĐB Hoa, nhiều trường hợp liên quan đã bị xử lý, như đối tượng trông thi, chấm thi, thanh tra, các thầy cô giáo. Người học cũng đã xử lý cơ bản, một số lãnh đạo cũng đã xử lý. Nhưng còn một nhóm đối tượng là người nhà của thí sinh sẽ xử lý thế nào? Bà Hoa cũng cho rằng, khi làm việc với các bộ, ngành, thấy điểm vướng là muốn truy cứu trách nhiệm phải có chứng cứ, nhưng chứng cứ chỗ người thân này chưa làm được. Tại buổi làm việc, Bộ Công an cho biết, sẽ tiếp tục điều tra, xem xét. 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh: “Một tháng nữa có kết quả”

Ngày 22/5, bên lề phiên thảo luận tổ về tình hình kinh- tế xã hội, trao đổi với PV xoay quanh vụ gian lận điểm thi 2018 tại Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nói, vụ việc đang trong quá trình xử lý. “Tôi vừa gọi điện về, nói phải khẩn trương kiểm điểm đi”, ông Vinh nói, và rằng “cái gì cũng có quy trình của nó. Khởi tố vụ án liên quan đến con người thế nào, trách nhiệm ra sao? Vụ việc đang trong quá trình xử lý, một tháng nữa sẽ có kết quả. “Thậm chí tôi còn muốn làm nhanh hơn anh”, ông Vinh nói. 

MỚI - NÓNG