Vụ lương hưu cô giáo 1,3 triệu đồng/tháng:

Sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương

Thang bảng lương trong ngành giáo dục đang thấp so với yêu cầu, nhất là giáo viên mầm non. (Trong ảnh: Giáo viên mầm non một trường công lập đang cho các em đi tập thể dục trong lớp). Ảnh: Ngọc Châu.
Thang bảng lương trong ngành giáo dục đang thấp so với yêu cầu, nhất là giáo viên mầm non. (Trong ảnh: Giáo viên mầm non một trường công lập đang cho các em đi tập thể dục trong lớp). Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Đấy là nhận định của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, khi đề cập tới câu chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) về hưu chỉ nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng.

Do mới được biên chế

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Đức Chính cho hay, trường hợp như cô Trương Thị Lan khi về hưu chỉ nhận lương 1,3 triệu đồng không phải cá biệt. “Tất cả những giáo viên mầm non công tác cùng thời kỳ cô Lan khi về hưu đều có mức lương như thế. Tính cả nước có thể lên tới vài nghìn người như vậy, nhưng lâu nay không ai nói nên mọi người không để ý tới”, ông Chính nói.

Vậy theo ông gốc vấn đề ở đâu, tại sao lương giáo viên sau hàng chục năm cống hiến khi về hưu lại thấp như vậy?

Trước 1995 ngân sách chỉ trả lương giáo viên tiểu học trở lên, khi về hưu cũng được ngân sách nhà nước đảm bảo. Từ năm 1995 có chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tất cả mọi người phải trích lương để đóng BHXH. Riêng với những người lao động do nhà nước chi trả lương thì được tính cả thời gian công tác trước năm 1995 để ngân sách đóng bù BHXH, nên thời gian tham gia BHXH dài hơn, lương hưu cũng cao hơn.

Với giáo viên mầm non, trước đây cấp mầm non như kiểu xã hội hóa ngày nay, giáo viên mầm non không phải biên chế nhà nước. Người dân có con em gửi ở trường mầm non tự đóng góp để trả công cho cô giáo, thậm chí đóng góp bằng khoai, sắn, thóc, gạo… tương tự cán bộ cấp xã thời điểm đó. Mãi sau này nhà nước mới đưa giáo viên mầm non vào diện biên chế và đóng BHXH. Nên trường hợp cô Lan mới có thời gian tham gia BHXH hơn 22 năm, tức mới biên chế và đóng BHXH từ năm 1995. Theo Luật BHXH, với thời gian đóng BHXH như trên, lương hưu của cô Lan chỉ bằng 69% lương tính đóng BHXH. Thực tế, theo cơ quan BHXH, mức lương hưu của cô Lan chỉ gần 1,3 triệu đồng/tháng, chưa bằng mức lương cơ sở. Do đó, ngân sách nhà nước phải bù hàng tháng thêm mấy chục nghìn đồng cho được 1,3 triệu đồng/tháng - bằng mức lương cơ sở, theo đúng quy định.

Ngoài ra, hệ số lương với công nhân viên chức nhà nước được tính theo bằng cấp, thậm chí giáo viên còn có phụ cấp thâm niên, nhiều ngành còn không có khoản đó. Giáo viên mầm non chỉ yêu cầu bằng trung cấp, nên hệ số lương cũng chỉ 1,86. Mức lương nhận được khi còn công tác đã rất thấp kéo theo lương tính đóng BHXH thấp nên lương hưu thấp. Cả thời kỳ đó chính sách như vậy nên mọi người đều như vậy cả, không làm sao khác được.

Sắp thay đổi căn bản

 Theo ông, để giải quyết vấn đề trên cần sửa thế nào?

Dự kiến ở kỳ họp đầu năm tới Trung ương Đảng sẽ có nghị quyết về cải cách căn bản chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp người có công. Hiện Tổng Liên đoàn Lao động đã thành lập đoàn đi khảo sát thực tế về tiền lương, để có báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với Trung ương.

Nhưng hiện ngân sách nhà nước đang khó khăn, đã dùng tới 70% ngân sách cho chi nuôi bộ máy, giờ tăng lương lấy đâu ra nguồn?

Cách đây 10 năm tôi đã từng đề xuất phải thay đổi cách tính lương nhà nước, nhưng mọi người cứ hỏi nhau nguồn đâu, rồi lại thôi. Hiện bộ máy công nhân viên chức nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công quá lớn, riêng giáo viên khoảng 1,3 triệu người, y tế khoảng 300.000 người, chưa kể các ngành khác… Nên chỉ có cách giảm 50% công, viên chức nhà nước mới có nguồn để tăng lương cho những người còn lại.

Như trong y tế, giáo dục, hướng tới nhà nước chỉ bao cấp cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Còn các trường (đặc biệt đại học), bệnh viện ở thành phố thì xã hội hóa, thậm chí cổ phần hóa để hoạt động như doanh nghiệp. Bài toán giờ là tự chủ vì không còn nguồn tăng lương nữa, và sẽ cải cách lương ở tất cả khu vực, không chỉ giáo viên.

Cảm ơn ông.

Chiều 31/10, PV Tiền Phong liên hệ với lãnh đạo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nhưng vị này từ chối bình luận về câu chuyện lương giáo viên quá thấp, và chỉ sang hỏi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cùng ngày phía Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bộ này chỉ xây dựng chính sách và quản lý lương với người lao động khu vực doanh nghiệp, còn công chức viên chức nhà nước bộ không quản lý.

MỚI - NÓNG