4 điều bạn trẻ nên biết khi viết thư từ chối nhận việc

4 điều bạn trẻ nên biết khi viết thư từ chối nhận việc
Trong quá trình tìm việc và phỏng vấn, không ít người chọn cách nộp hồ sơ và nhận phỏng vấn ở nhiều nơi nhằm tiết kiệm thời gian cũng như làm tăng cơ hội có việc làm.

Điều này không sai và cũng không có vấn đề gì nếu chỉ một công ty thông báo nhận bạn vào làm việc. Thế nhưng nếu rơi vào trường hợp 2 đó chính là bạn được nhiều hơn một doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận, lúc này bạn sẽ rất bối rối, không biết nên lựa chọn công việc nào và từ chối như thế nào với doanh nghiệp kia. Vì vậy, khá nhiều những trường hợp ứng viên phản hồi sai quy cách hoặc thậm chí cứ thế lờ đi, bỏ qua và không liên lạc gì với doanh nghiệp để xem như là một sự từ chối. Đây là quyết định không nên và có thể khiến bạn gặp nhiều phiền toái, nhất là trong việc phát triển sau này.

Thể hiện sự kịp thời trong email phản hồi

Đây là một yếu tố cực kì cần thiết và quan trọng mà bạn cần để ý đầu tiên. Bởi nhu cầu tuyển dụng cho vị trí còn thiếu nên doanh nghiệp mới lựa chọn bạn, thế nên nếu bạn có ý định từ chối nhận việc thì cần nhanh chóng phản hồi với bộ phận tuyển dụng dù bạn đang tìm việc ở Hà Nội, TP.HCM hay các địa phương khác. Phương tiện thuận tiện và hiệu quả nhất ngày nay chính là email mà bạn dùng để gửi hồ sơ xin việc cho nhà tuyển dụng trước đó. Bạn có thể viết ra và thể hiện rõ những điều đó trong thư gửi nhà tuyển dụng, cho thấy bạn đã suy nghĩ và quyết định sớm nhất vì không muốn lỡ việc tuyển dụng nhân sự khác của công ty, doanh nghiệp. Việc bảo đảm thời gian phản hồi cần thiết trong việc giúp nhà tuyển dụng có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm và thay thế vị trí mà lẽ ra bạn đã được nhận vào.

Sự chần chừ, e ngại có thể sẽ dẫn đến tình trạng quên trả lời email hoặc điện báo xác nhận công việc là điều nên tránh. Thời gian phản hồi cho vị trí công việc của bạn nên trong khoảng 24 giờ kể từ khi nhận được email báo kết quả phỏng vấn.

Trình bày ngắn gọn, rõ ràng

Có thể bạn sẽ cảm thấy ngại và khó xử khi phải từ chối doanh nghiệp về cơ hội công việc mà mình từng mong muốn, thế nhưng đừng vì vậy mà biến lá thư thành nơi chia sẻ tâm tư, suy nghĩ và mang tính cá nhân quá mức. Với nội dung rõ ràng, đầy đủ các ý chính bao gồm: thông tin cá nhân, vị trí công việc, tên doanh nghiệp, lí do từ chối nhận việc và quan điểm khách quan khác (nếu có). Đặc biệt là ở phần lí do, nên tránh đưa ra các lí do quá dài dòng hoặc gây hiểu nhầm cũng như làm thư từ chối mất đi tính nghiêm túc. Việc kiểm soát và thể hiện bố cục, nội dung thông minh sẽ khiến bạn có được sự thoải mái trong việc trình bày, mang lại hiệu quả giao tiếp cao hơn rất nhiều.

Sự tôn trọng và trân trọng

Hơn ai hết, bạn phải hiểu rõ giá trị của công việc mình được doanh nghiệp trao cho cũng như cơ hội nghề nghiệp không phải là lúc nào cũng nhận được. Vì vậy mặc dù có thể có những lí do ngoài luồng, trái chiều về doanh nghiệp khiến bạn phải từ chối thế nhưng phải đảm bảo sự tôn trọng một cách khách quan và không quên bày tỏ sự trân trọng đối với cơ hội việc làm mà doanh nghiệp mang đến. Để dễ dàng trong việc thể hiện sự tôn trọng và trân trọng này, mẫu câu đơn giản bạn có thể dụng đó là “đánh giá cao cơ hội được làm việc…” và “xin lỗi vì đã từ chối cơ hội này…”. Những cách trình bày như vậy không những giúp cả hai bên được thoải mái trong quá trình giao tiếp trao đổi mà còn giúp doanh nghiệp có cái nhìn đầy thiện cảm về bạn dù cho có là sự từ chối, qua đó còn giúp bạn tạo lập tác phong chuyên nghiệp trong bất kỳ trường hợp khó xử nào khác.

Giới thiệu ứng viên

Cuối cùng nhưng sẽ là một phần hữu ích nếu như bạn có thể giới thiệu một ứng viên khác cho vị trí mà bạn từ chối doanh nghiệp. Thường thì những mục này thường được sử dụng cho các vị trí như quản lý, giám sát trong các mảng khác nhau, phụ thuộc vào tầm hiểu biết và mạng lưới mối quan hệ của cá nhân bạn. Hành động này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian để tìm kiếm ứng viên khác mà có thể ngay lập tức xét duyệt hồ sơ của ứng viên do bạn giới thiệu đồng thời thể hiện một phần trách nhiệm nào đó của bạn khi mang đến sự tham khảo hữu ích cho doanh nghiệp.

Trên đây là 4 điều nên có khi viết thư từ chối nhận việc. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn biết cách từ chối một cách khéo léo và chuyên nghiệp.

MỚI - NÓNG