Chàng trai thích làm việc miễn phí

Độc giả đến đọc sách còn được hưởng không khí vui vẻ. Hoàng Quí Bình- người cầm đàn
Độc giả đến đọc sách còn được hưởng không khí vui vẻ. Hoàng Quí Bình- người cầm đàn
TP - Không chỉ sáng lập thư viện sách D Free Book, Hoàng Quí Bình còn sáng lập câu lạc bộ “Ngày mai tươi sáng - ACE”, qui tụ khoảng 200 bạn trẻ. Nếu D Free Book phục vụ văn hóa đọc thì “Ngày mai tươi sáng” lại có tác dụng xoa dịu nỗi đau của những đứa trẻ cần hơi ấm. Cả hai địa chỉ này, đều hoạt động miễn phí.

“Đặt cọc” bằng niềm tin

Từng nghe nói về D Free Book song mường tượng của tôi về thư viện sách tư nhân này khác xa với thực tế. Thư viện nằm khá sâu trong con ngõ 67, phố Lê Thanh Nghị, lẫn trong nơi sinh sống của cộng đồng dân cư. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ nhưng bên trong khá nhộn nhịp, khoảng chục bạn trẻ đang có mặt, có người đọc sách, có người chăm sóc cây ở mảnh sân nhỏ trước cửa. Hoàng Quí Bình cũng đang có mặt. Chàng trai trẻ đang là sinh viên năm cuối, Trường Đại học Bách khoa. Anh hồn nhiên khoe: Ngôi nhà đã có tuổi đời 100 năm. Bình biết tuổi đời ngôi nhà do được một cụ bà 95 tuổi tiết lộ. Còn thư viện chỉ mới sắp tròn 2 tuổi.

Trong khoảng diện tích khoảng 70 m2, 5.000 đầu sách nằm ngay ngắn trên giá. Không gian đọc sách không được trang bị điều hòa, cũng không có bàn ghế phục vụ cho sự đọc… chẳng có gì để thu hút người ta “check-in”, chẳng lẽ lại đứng chụp bên giá sách hay bức tường được trang trí bằng tranh do các “họa sỹ” nghiệp dư tự vẽ. Tôi băn khoăn không hiểu vì sao thư viện lại hấp dẫn độc giả? Hoàng Quí Bình giải thích: “D Free Book tạo môi trường mở, hoạt động từ 8-21 giờ hằng ngày, bằng sự tự giác. Độc giả mượn sách không phải đăng ký trước, không cần để lại giấy tờ hay tiền đặt cọc, chỉ cần để lại số điện thoại, rồi mang sách về”. Dù “ký gửi” với nhau bằng niềm tin là chính nhưng không độc giả nào mượn sách ở D Free Book lại “quên” không trả. Nếu “thượng đế” mượn sách quá lâu, nhân viên của thư viện chỉ gọi điện nhắc khéo.

Hoàng Quí Bình cho biết, hiện nay có khoảng 80 người trẻ tuổi, chủ yếu là học sinh, sinh viên đang thay nhau phục vụ cho hai thư viện sách miễn phí do anh sáng lập. Ngoài D Free Book ở Lê Thanh Nghị, các bạn trẻ còn mở thêm một địa điểm khác ở Cầu Giấy. Đối tượng độc giả đến với thư viện sách miễn phí đa dạng. Có những gia đình đã đưa con đến đọc sách ở D Free Book, dù điều kiện đọc ở đây không thể sánh bằng những thư viện lớn, song ý nghĩa giáo dục lại lớn hơn. Các bậc phụ huynh muốn con làm quen với những hoạt động thiện nguyện có ích cho cộng đồng, như cách Hoàng Quí Bình và các bạn trẻ đang thực hiện.

Chàng sinh viên Đại học Bách khoa kể: Ý tưởng để anh xây dựng hai thư viện sách miễn phí, hoàn toàn “do duyên”.  Bình vốn là người yêu sách ngay từ khi còn sống ở quê nhà Hải Dương: “Tôi ít bạn bè nên chủ yếu làm bạn với sách”. Sau này đỗ đại học, Bình thuê một căn trọ nhỏ, diện tích 6 m2 để ở. Phòng nhỏ xíu, chỉ đủ kê một chiếc giường cá nhân nhưng quanh giường vẫn xếp khoảng 300 cuốn sách, khiến không gian vốn đã bí bách, ngột ngạt càng khó chịu hơn. Bình toàn phải mở cửa mới có thể hít thở không khí. Thế nhưng bạn bè của Bình vẫn tích cực vào, ra vì sức hút của kho sách. Nhận thấy tình yêu sách vở của người trẻ, Bình nảy ra ý tưởng thành lập thư viện sách miễn phí. Ngay lập tức ý tưởng được bạn bè ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Bằng sự nỗ lực của các thành viên, sức ảnh hưởng của D Free Book ngày càng lan tỏa. Đến nay fanpage D Free Book đã có hơn 18 ngàn lượt thích. Để kích thích người trẻ tìm lại cảm hứng với văn hóa đọc, thư viện sách miễn phí tổ chức nhiều hoạt động khác nhau. Hiện tại họ đang bắt tay tổ chức những khóa học ngoại ngữ miễn phí, từ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung… do các bạn sinh viên đang theo học những chuyên ngành này đứng lớp.

Nhưng cũng như mọi hoạt động thiện nguyện khác, thư viện sách chật vật để duy trì, vì thiếu kinh phí. Hiện nay, mỗi quí Hoàng Quí Bình và cộng sự phải chi trả 18 triệu đồng cho việc thuê nhà, chưa kể tiền điện, tiền nước. Các thành viên tham gia điều hành thư viện sách đóng góp một phần, thiếu bao nhiêu Bình bù vào. Mỗi quí, ít nhất Hoàng Quí Bình phải “rút ví” 5 triệu đồng. May mắn, chàng trai đã quen với bươn chải, từ năm thứ hai đại học, Bình đã lăn lộn làm thêm kiếm sống.  Các thành viên của D Free Book cũng từng phát lời kêu gọi hỗ trợ trên fanpage, song hiệu ứng chưa cao. Họ vẫn phải tự thân vận động là chính. Ngay cả nguồn sách cũng do các bạn tự đóng góp và gom thêm từ dự án về môi trường mang tên “đổi giấy lấy cây”. Nhiều người gợi ý, Hoàng Quí Bình nên đến gõ cửa các nhà xuất bản để xin sách, hoặc bán thêm cà phê, nước ép hoa quả để có thêm thu nhập duy trì hoạt động của thư viện song anh lắc đầu, vì thấy “làm vậy có vẻ giống kinh doanh”. Ngay tại thư viện sách, họ chỉ bán duy nhất một thứ: Cây xanh. Độc giả đến đây đọc sách có thể mua những bình cây xanh nhỏ xinh mang về. Không chỉ quan tâm văn hóa đọc, các thành viên của thư viện miễn phí còn đặc biệt quan tâm đến những vấn đề về môi trường.

Ngôi nhà ACE

Hoàng Quí Bình vốn quan tâm đên những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ngay từ khi còn học phổ thông ở quê nhà: “Tôi biết đến làng trẻ S.O.S thông qua những bài học giáo dục công dân từ hồi lớp 6”. Khi về thủ đô học đại học, Bình bắt xe bus từ trường Đại học Bách khoa đến làng trẻ S.O.S để chơi với các em. Trong quá trình giao lưu, anh nhận ra, các em nhỏ học kém. Anh đề đạt nguyện vọng với những người có trách nhiệm của làng trẻ, xin dạy văn hóa miễn phí cho các em suốt một năm. Chính từ công việc này, Hoàng Qúi Bình đã nảy ra sáng kiến thành lập câu lạc bộ “Ngày mai tươi sáng- ACE”, hướng đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị tổn thương trong cuộc sống. Đến nay, câu lạc bộ đã tròn 4 tuổi. “ACE” nghĩa là “Anh, Chị, Em”. Đã tham gia câu lạc bộ, mọi người coi nhau như anh em trong nhà: “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”.

4 năm lăn lộn với ACE, Hoàng Quí Bình có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Như trường hợp một em học sinh lớp 7 có hoàn cảnh éo le: Cha mất sớm, bị mẹ thường xuyên bạo hành, bản thân em mắc chứng rối loạn tự kỷ. Thông thường, nhóm ACE chủ động liên lạc với các phường trên địa bàn thủ đô hay làng trẻ để xin danh sách những trẻ em cần hỗ trợ. Song trường hợp của em học sinh lớp 7 lại khác. Bà nội của em sau khi xem chương trình ti vi giới thiệu về ACE đã chủ động liên lạc với người sáng lập. Sau khi tiếp nhận thông tin Hoàng Quí Bình đã đến gặp em nhỏ. Thoạt đầu, anh bị sốc vì cậu bé toàn buông những lời vừa hỗn láo, vừa nghiệt ngã khiến người khác bị tổn thương. Nhưng qua quá trình tiếp xúc và tìm hiểu Bình nhận ra cậu bé cực kỳ thông minh và hiểu chuyện đến mức cực đoan. Mặc dù cậu thú nhận không thích đi ra ngoài, không thích tiếp xúc đám đông, chỉ muốn ở “trong hộp”, ngại đọc sách, thích chơi game, song cậu đưa ra những tổng kết khiến Bình giật mình: “Con người ta làm việc với nhau hay chơi với nhau chỉ để lợi dụng nhau”; “Người lớn thật là rắc rối, cứ làm mọi thứ rối tung lên”. Bình hẹn với cậu bé sau một tháng sẽ gặp lại nhau để xem bạn nhỏ tiến bộ thế nào. Còn trong tuần đã có những thành viên khác kèm cậu bé, khoảng 2-3 buổi.

Chàng trai thích làm việc miễn phí ảnh 1 Một chuyến từ thiện lên vùng cao của “ACE”

Có những kỷ niệm tiếp thêm động lực cho Bình cũng như các thành viên thiện nguyện ACE: “Một em học lớp 11, đã nghe thầy giáo nói qua về câu lạc bộ “Ngày mai tươi sáng”. Khi chúng tôi tìm đến nhà, em reo lên vui sướng. Chúng tôi không nghĩ em ấy biết và chờ đợi chúng tôi như vậy. Và còn bao nhiêu em nhỏ khác đang chờ đợi ACE đến…”, Bình tâm sự. Có trường hợp một cô bé học sinh lớp 11 tìm đến ACE, mong được trợ giúp trong học tập. Khi thành viên ACE tìm đến nhà, bố cô bé bày tỏ ý định không muốn con gái học cao, vì gia đình khó khăn, cô bé học xong lớp 12 sẽ phải nghỉ để đi làm. Các thành viên ACE động viên cô bé và thay nhau làm gia sư miễn phí. Họ dạy học ở thư viện trường, ở quán trà đá, ở trung tâm mua sắm… Bất kể chỗ nào có không gian đều có thể trở thành lớp học. Cô bé đã thi đỗ Học viện Bưu chính Viễn thông. Hiện nay cô cùng em trai đã trở thành những thành viên tích cực của ngôi nhà ACE.

Đã nhiều người hỏi: Liệu các hoạt động thiện nguyện do Hoàng Quí Bình đứng đầu có bền lâu? Bình tự tin: Sẽ đi được đường dài, dù khó khăn vô kể. “Đất khô cằn thì có loại cây phù hợp, Như sa mạc có xương rồng vậy”. Tham gia những hoạt động thiện nguyện, được gì? Tôi hỏi Bình. Chàng trai trẻ đáp: “Được một trái tim ấm”. Thông điệp của ACE: “Sống để yêu thương, sống là cho đi, cho đi là còn mãi”.

Có vẻ Hoàng Quí Bình mát tay khi qui tụ thành viên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Nếu D Free Book qui tụ được 80 thành viên, luân phiên nhau phục vụ độc giả thì câu lạc bộ “Ngày mai tươi sáng- ACE” có sự tham gia của khoảng 200 thành viên, là học sinh, sinh viên hoặc bạn trẻ đã đi làm.

MỚI - NÓNG