Giới trẻ góp phần đẩy lùi cơn sốt khẩu trang y tế

Khẩu trang y tế đã sử dụng bị vứt bừa bãi ngoài đường
Khẩu trang y tế đã sử dụng bị vứt bừa bãi ngoài đường
TP - Ngay khi Đà Nẵng xuất hiện bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên, cơn sốt khẩu trang y tế đã trở lại. Cũng bắt đầu từ giây phút đó, giới trẻ đã vào cuộc quyết liệt: chia sẻ thông tin khoa học, trấn an người tiêu dùng và lan tỏa những lựa chọn sáng suốt… góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi cơn sốt ảo lần này. 

Tỉnh táo trước cơn sốt ảo

Trước tình trạng thị trường nhốn nháo vì nhu cầu khẩu trang đột ngột tăng cao, rất nhiều diễn dàn thông tin về COVID-19 do những người trẻ mở ra đã liên tục làm động tác trấn an những người đang sợ hãi, tránh bị các “con buôn” dắt mũi.

“Cuộc chiến khẩu trang” bắt đầu ngay từ khi Bộ Y tế công bố kết quả xét nghiệm 3 lần dương tính với SARS-CoV-2 của bệnh nhân ở Đà Nẵng. Chỉ sau 24 giờ, các hội nhóm mua bán online ở Hà Nội đã bắt đầu cuộc chiến săn lùng khẩu trang y tế. Những nick bán khẩu trang chính là nguồn cung cấp thông tin cực kỳ tỉ mỉ về diễn tiến của dịch bệnh. Họ gần như cập nhật mỗi giờ. Có lẽ vì rút kinh nghiệm những trường hợp bị phạt vì tung tin giả trong lần cách ly trước đó, các tài khoản bán hàng lần này chỉ xoáy sâu vào nỗi sợ của mọi người bằng những lịch trình di chuyển dày đặc của bệnh nhân, lẫn với hình ảnh người Trung Quốc xuất hiện khá nhiều ở Đà Nẵng, khách du lịch nháo nhác tìm cách rút lui... Chỉ một tuần sau thì ngay cả những hội nhóm bán sách online (vốn được cho là mua bán bình tĩnh nhất) cũng đã đăng tin “có nguồn khẩu trang y tế tin cậy”.

Bắt đầu từ một vài người có lượng theo dõi khá lớn trên mạng xã hội, nhóm Keep Calm – Hãy bình tĩnh (một nhóm tự phát ban đầu chỉ có 6 thành viên, hiện nay lên tới 280 thành viên) đã liên tục đưa ra những bài phân tích, trích dẫn về diễn tiến (có thể xảy ra) của dịch cũng như các cách phòng tránh khoa học nhất từ những nguồn chuyên môn. Mấy ngày đầu, lượng tương tác của các bài viết khá nhỏ, du học sinh Nguyễn Thúy Hà (admin của Keep Calm, ĐH Sorbonne – Pháp) mới nảy ra ý tưởng chia sẻ trực tiếp những bài viết này trong các nhóm bán hàng trực tuyến. Hà cho biết: “Bọn em chia sẻ đến ngày thứ ba thì đã có hiệu quả rồi. Lượng tương tác rất cao và rất nhiều người vào comment bảo nhau hãy bình tĩnh, đừng vội tích trữ khẩu trang. Sau đó, có nhóm chặn nick của em, một số người bán hàng còn vào bình luận công kích, đe dọa. Nhưng chính khách mua lại là những người đứng ra bênh vực và chia sẻ thông tin. Nhiều người tiêu dùng bình thường cũng vào cuộc bóc phốt các chiêu trò tạo sốt ảo trên thị trường khẩu trang”.

Đáng quý hơn, nhóm Keep Calm nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều dược sĩ và chủ nhà thuốc. Anh Nguyễn Văn Lộc (chủ nhà thuốc Lộc Phương – Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Trong một tuần, chúng tôi nhận được ba mức giá khẩu trang khác nhau, khởi điểm là 2 triệu đồng/thùng, đến 4 triệu đồng/thùng, rồi giờ lên 7 triệu đồng/thùng. Đây là mức tăng ảo vì theo tôi được biết, từ đợt dịch trước, các công ty dược và cơ sở sản xuất khẩu trang đã vào cuộc, lượng khẩu trang không khan hiếm. Bà con nếu không phải vào viện thì có thể dùng khẩu trang vải, đừng cố tích trữ mà tiếp tay cho cơn sốt giả”.

Sau anh Lộc, một số thành viên của Keep Calm cũng liên tục đưa ra những thông tin tương tự về sự “không thiếu khẩu trang” khiến các giao dịch mua bán mặt hàng này trên mấy diễn đàn online giảm nhiệt hẳn.

Khẩu trang vải và sự hưởng ứng từ những người nổi tiếng

Để không bị phụ thuộc vào khẩu trang y tế, nhóm Keep Calm tích cực khuyên mọi người dùng khẩu trang vải để thay thế.

Để chứng minh, tất cả các thành viên của nhóm mỗi ngày đều chụp ảnh ra đường, đi làm... với khẩu trang vải. Một số thành viên còn gợi ý các chị em (là đối tượng chính trong các hội nhóm mua bán) nên tự may khẩu trang vải để phối với quần áo, coi nó như một phần của thời trang và chung sống hòa bình với dịch bệnh, không nên quá sợ hãi.

Phong trào này ban đầu được một số chị em có gu hưởng ứng và chia sẻ, dần dần, cả những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng cũng tích cực lăng xê lựa chọn này.

Đi đầu là nghệ sĩ Đại Nghĩa. Anh đã nhắn tin cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả, kêu gọi mọi người sử dụng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế. Anh Nghĩa viết: “Khẩu trang không phải là liều thuốc, mà chỉ là vật che chắn giúp chúng ta một phần ngăn ngừa dịch bệnh tấn công. Vì vậy khẩu trang vải vẫn làm tốt được điều đó. Nếu các bạn có được khẩu trang y tế thì tốt, còn nếu không thì cũng đừng quá hoang mang, hãy sử dụng khẩu trang vải, vẫn tốt như thường. Chúng tôi đã và đang dùng khẩu trang vải hàng ngày, kể cả trong mùa dịch”.

Sau đó, hàng loạt sao Việt cũng vào cuộc hưởng ứng dùng khẩu trang vải như NSND Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT thành Lộc, siêu mẫu Xuân Lan, diễn viên Cát Tường, ca sĩ Nam Cường, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, MC Quỳnh Hoa... Những người này cùng nhau đăng hình ảnh mình sử dụng khẩu trang vải và kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng khẩu trang vải.

Ca sĩ Sỹ Thanh viết: Tình hình càng căng thì giá khẩu trang y tế càng tăng nên thay vì sử dụng khẩu trang y tế, thì dùng khẩu trang vải là hợp lý. Mình có thể giặt sạch và sử dụng nhiều lần mà còn tiết kiệm chi phí nữa.

Nghệ sĩ Cát Phượng cũng khuyên người hâm mộ: “hãy dùng khẩu trang vải vì khẩu trang vải giặt được. Phơi nắng cho khô ủi lại lần nữa là ổn. Khẩu trang vải mát nữa”! Chị cũng kêu gọi cộng đồng hãy dành khẩu trang y tế cho các bác sĩ, những chiến sĩ ở tuyến đầu và những bệnh nhân đang cách ly điều trị bệnh.

Gần như tràn ngập các diễn đàn mua bán sau đó là những hình ảnh người người, nhà nhà sử dụng khẩu trang vải. Một số diễn đàn hướng dẫn may khẩu trang vải “thời trang và ôm mặt” đã thu hút lượng lớn người quan tâm. Giá khẩu trang y tế ở những chợ online này, trong ngày 14/8 đã hạ xuống còn 50.000đ/ hộp, giảm hơn hai phần ba so với mấy ngày trước đó.

Hãy chỉ dùng khẩu trang y tế khi thật cần thiết

Một thành viên của Keep Calm, Lê Hoàng Việt (tình nguyện viên của tổ chức Môi trường WWF Vietnam) cho biết: “Theo các thống kê của nhiều tổ chức môi trường thế giới, từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, mỗi ngày thế giới thải ra môi trường khoảng hơn 100 triệu tấn rác thải là khẩu trang y tế, gây ra những thách thức lớn cho môi trường sống. Đây được đánh giá là gánh nặng khổng lồ cho các công ty xử lý rác thải khi tình hình bệnh dịch dự đoán còn kéo dài và người dân vẫn phải sống chung với khẩu trang”.

Một khảo sát mới đây của WWF Vietnam cũng cho thấy, ở Việt Nam, hầu hết khẩu trang y tế sau khi bị vứt bỏ không được xử lý như rác thải y tế. Trái lại, nó được đựng chung với rác sinh hoạt, thậm chí “rơi như lá cây” ở ngoài đường. Ai dám đảm bảo, số lượng khẩu trang được vứt bỏ vô ý thức này không phải là nguồn lây và la nơi phát tán virus?

Nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn hiện cũng tích cực khuyến khích người dân lựa chọn “khẩu trang vải” thay cho khẩu trang y tế để giảm gánh nặng cho môi trường và dành khẩu trang y tế cho những người cần sử dụng như: nhân viên y tế, người bệnh...

Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (BV Đại học Y, Hà Nội) cho biết: “Khẩu trang không phòng được virus 100%, dù là khẩu trang y tế. Bởi các bác sĩ được trang bị bảo hộ kín kẽ vẫn có thể lây nhiễm. Điều cốt yếu để phòng bệnh là đeo khẩu trang, giữ vệ sinh và giữ khoảng cách. Chỉ cần giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang thì khả năng lây bệnh gần như là bằng không. Khẩu trang vải cũng có tác dụng che giọt bắn. Chỉ cần bạn giữ đúng khoảng cách, và tránh tụ tập đông người”.

Trong khuyến cáo mới đây nhất của Bộ Y tế để phòng chống dịch COVID-19, hình ảnh khẩu trang vải cũng đã được đưa vào poster minh họa cho việc “đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tham gia các phương tiện công cộng”. Cộng với việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch diệt khuẩn và khuyến cáo hạn chế đi ra nơi đông người, đây có thể coi là tam giác cân để phòng dịch trong giai đoạn này.

Đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng ngừa hạn chế lây lan một số bệnh về đường hô hấp, bao gồm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khẩu trang là không đủ để bảo vệ một cách toàn diện mà còn cần kết hợp với các biện pháp khác.

Đeo khẩu trang y tế khi không được chỉ định có thể tạo ra khoản chi phí không cần thiết, tăng gánh nặng mua sắm và tạo ra cảm giác chủ quan rằng chúng ta đã được bảo vệ. Từ đó có thể dẫn đến việc không thực hiện hoặc quên đi những biện pháp thiết yếu khác như thực hành vệ sinh tay. Hơn nữa, việc mang khẩu trang không đúng cách có thể làm giảm hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh.

(Khuyến cáo mới về việc sử dụng khẩu trang phòng bệnh của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh)

Ca sĩ Sỹ Thanh ủng hộ khẩu trang vải

Giới trẻ góp phần đẩy lùi cơn sốt khẩu trang y tế ảnh 1 Ca sĩ Sỹ Thanh ủng hộ khẩu trang vải
Giới trẻ góp phần đẩy lùi cơn sốt khẩu trang y tế ảnh 2 Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để phòng bệnh
MỚI - NÓNG