Khi người Mông xuống phố... Hà Nội

TP - “Ngồi trong phòng thí nghiệm, giữa những chai lọ và hóa chất, tôi thấy nhớ da diết không gian núi rừng rộng lớn. Có lẽ, đó mới là nơi dành cho tôi. Tôi muốn làm gì đó ý nghĩa hơn cho đồng bào mình…”- Khang A Tủa nói về lý do từ bỏ trường đại học Bách Khoa danh tiếng để tham gia các hoạt động vì cộng đồng người Mông. 
Khi người Mông xuống phố... Hà Nội ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Cậu bé chăm học ở bản Háng Tầu Dê

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tại bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, huyện nghèo nhất của tỉnh Yên Bái, Khang A Tủa là con cả trong gia đình có 5 con. Nhà nghèo nhưng thấy Tủa thông minh, lanh lợi, bố mẹ vẫn cố gắng cho Tủa đi học. Năm lớp 3, cả nhà Tủa phải chuyển vào gần bìa rừng dựng lán ở để canh tác, khá xa trường học nên Tủa phải ở lại nhà cùng em trai 4 tuổi để tiện việc đến trường. Hàng ngày, Tủa cõng em đi học, tối về ăn cơm với rau má luộc. Mỗi tháng, bố mẹ về thăm 2- 3 lần. Cứ như thế trong 3 năm liền. “Tối tối, để em đỡ khóc vì nhớ mẹ, tôi phải kể chuyện cho em nghe, những câu chuyện cổ tích mà chúng tôi vẫn hay được nghe bố mẹ kể. Khoảng thời gian ấy đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm và kiến thức phục vụ việc làm sách truyện cổ tích của người Mông sau này”.

Lên cấp 2, Tủa thi đỗ vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải với tổng điểm đứng thứ 2 của xã. Rất nhiều lần Tủa nghĩ đến chuyện nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ, nhưng thấy Tủa học được, bố mẹ lại động viên.

Cấp ba, Tủa theo học tại trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tỉnh Thái Nguyên. Năm nào A Tủa cũng đạt học sinh giỏi. Lớp 11, Tủa còn nhận 2 giải Khuyến khích của cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, A Tủa đã xuất sắc đỗ thủ khoa của trường.

Không có thời gian ôn thi đại học, nhưng chàng trai sáng dạ người Mông vẫn trúng tuyển vào cả 2 trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Nông lâm Thái Nguyên. Thế là trong khi chúng bạn ở nhà lấy vợ đẻ con, Khang A Tủa khăn gói xuống phố học đại học. Tủa chọn trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngày nhập học, Tủa chỉ có vẻn vẹn số tiền 3 triệu đồng vay từ ngân hàng, đóng học xong còn đúng 400 nghìn. Để trang trải cuộc sống, Tủa quyết định đi bán mì tôm dạo vào các buổi tối trong ngày, công việc không chỉ giúp A Tủa có thêm thu nhập mà còn giúp Tủa tự tin hơn trong giao tiếp. Tủa còn nhận làm thêm công việc đánh máy cho các giáo sư tại trường để có cơ hội học thêm kỹ năng máy tính và tin học văn phòng.

Năm thứ 2, Khang A Tủa quyết định nghỉ học. Một lựa chọn khiến gia đình và cả bản làng bất ngờ, bởi từ trước đến nay, Tủa vẫn luôn là tấm gương học tập, là niềm tự hào của người Mông ở Háng Tầu Dê. “Ngồi trong phòng thí nghiệm, giữa những chai lọ và hoá chất, tôi thấy nhớ da diết không gian núi rừng rộng lớn. Có lẽ, đó mới là nơi dành cho tôi. Tôi muốn làm gì đó ý nghĩa hơn cho đồng bào mình. Suy cho cùng, ngay cả khi tôi học đại học ra trường, thì cũng sẽ về quê hương để phục vụ bà con, phục vụ cộng đồng người Mông. Vậy nếu đã tìm thấy đường đi, sao phải đắn đo”, Tủa vui vẻ chia sẻ. Tủa nghỉ học, cũng là thêm cơ hội đến trường cho những đứa em ở nhà.

Hành trình “tôi đi tìm mình”

“Hồi xuống Thái Nguyên học, phải mất gần 2 năm tôi mới hoà nhập được vì bị bạn bè chê cười, họ nói tôi đặc Mù Cang Chải, tôi nói tiếng Việt bằng âm sắc Mông nên mỗi lần nói là mọi người cười ồ lên, sai cũng cười, đúng cũng cười. Sau này học đại học ở Hà Nội, tìm được một bạn có thể nói tiếng Mông khiến tôi hạnh phúc vô cùng, nó khiến tôi bớt lạc lõng giữa thành phố. Và tôi khao khát nhiều hơn thế nữa”- Khang A Tủa chia sẻ.

Năm 2015, trong một lần làm tình nguyện viên cho dự án của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE ở Mèo Vạc, A Tủa được gặp gỡ với nhiều bạn trẻ người Mông đến từ nhiều địa phương trên cả nước. “Chúng tôi cùng nhau trò chuyện, chia sẻ và tôi chợt nhận ra vấn đề mình đang đối mặt không phải của riêng tôi mà của cả một cộng đồng. Người Mông khi được nhắc đến, vẫn thường bị gắn với những tính từ như lạc hậu, kém hiểu biết, mông muội. Nói nhiều đến nỗi chính bản thân người Mông cũng đang hoài nghi và tự định kiến chính mình”. Điều đó thôi thúc chàng trai trẻ bắt đầu dấn thân tìm hiểu những giá trị bản sắc đã tạo nên dân tộc mình.

Tháng 8/2015,  nhóm Action for Hmong Development (AHD- Hành động cho sự phát triển của người Mông) ra đời với 12 thành viên, là những bạn trẻ người Mông đang sống và học tập tại Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của tổ chức iSEE. Khang A Tủa được bầu làm trưởng nhóm.

Tủa nói, hành trình của nhóm AHD đang đi cũng chính là hành trình của Tủa đi tìm chính mình. Tủa học giỏi, Tủa chịu nghèo được, chịu đói được nhưng Tủa không chịu được cảm giác bị kỳ thị. Nhóm của Tủa đến từ khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, trải dài từ Điện Biên đến Hà Giang. Nhóm này cũng gồm rất nhiều nhóm người Mông khác nhau như Mông Lềnh, Mông Đu, Mông Hoa, Mông Xanh, Mông Trắng... Tủa nhận thấy dù văn hóa của mỗi nhóm người Mông ở mỗi vùng có thể khác nhau, nhưng họ đều có chung những giá trị.

Tết Mông xuống phố… Hà Nội

Vài tháng sau khi thành lập, nhóm của Tủa thực hiện dự án đầu tiên: Tết Mông xuống phố. Giữa Hà Nội, Tết Mông hiện ra với chợ Tết, các trò chơi dân gian ném pao, đánh yến, ném còn, những gian hàng ẩm thực của người Mông với banh dày ngày tết và nồi thắng cố quen thuộc.  Chính Khang A Tủa cũng bất ngờ khi “Tết Mông xuống phố” không chỉ thu hút người dân tộc Mông, mà còn có hàng ngàn lượt sinh viên các trường ĐH, CĐ, người dân Hà Nội và du khách nước ngoài đến tham quan.

Khi người Mông xuống phố... Hà Nội ảnh 2

A Tủa trong một buổi tổ chức và điều phối các buổi kể chuyện cổ tích Mông ở Sapa. Ảnh: Hạng Súa

“Thừa thắng xông lên”, mỗi tháng, AHD lại có một talkshow nói về văn hóa của người Mông với sự phân tích của các chuyên gia văn hoá, xung quanh nhiều chủ đề khác nhau như: tại sao lại có tục kéo vợ, những cách đưa tiễn người chết sang thế giới bên kia, những bài hát, bài thơ bằng tiếng Mông, những câu chuyện bên bếp lửa, và cả những kinh nghiệm người Mông đúc kết trong lao động sản xuất hay ứng xử với môi trường…

“Ngày xưa, cứ tối tối, trẻ con người Mông chúng tôi lại quây quần bên bếp lửa nghe bố mẹ kể chuyện cổ tích. Những câu chuyện vẫn được truyền miệng từ đời này qua đời khác nhưng là cả thế giới với chúng tôi. Nay bếp Mông vẫn còn, trẻ con người Mông vẫn thích nghe chuyện cổ tích nhưng không còn nhiều dịp nữa khi truyền hình và phim ảnh đã chiếm hết thời gian giải trí của người dân. Các già làng, trưởng bản là những người biết nhiều chuyện cổ tích nhất cũng lần lượt khuất núi. Điều này thôi thúc chúng tôi làm gì đó”- A Tủa kể. Và sau 1 năm, cuốn sách “Chuyện bên bếp lửa” đã ra mắt tại chương trình “Tôi tin tôi có thể 2018”. Cuốn sách nằm trong dự án tuyển tập truyện cổ tích cho người Mông, do nhóm AHD biên soạn, với sự bảo trợ của Tổ chức iSEE, Nhóm Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái (VTIK), Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSĐM)... Sách giới thiệu 3 tác phẩm kinh điển đại diện cho 3 thể loại truyện dân gian phổ biến: Thiên nhiên và con người; lịch sử người Mông và nhân loại; lý giải các thực hành văn hóa của người Mông.

A Tủa khoe, sau gần ba năm hoạt động, fanpage của nhóm AHD trên facebook đã thu hút gần 6.000 người thích và hơn 6.000 người theo dõi. Đây chính là diễn đàn hiếm hoi hiện có để các bạn trẻ người Mông trên cả nước được kết nối và cùng nhau thực hành văn hóa, ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Khi người Mông xuống phố... Hà Nội ảnh 3

Một tiết mục trong “Tết của người Mông”.

Nói về những khó khăn phải đối mặt, Khang A Tủa chia sẻ: “Khó nhất là giữ vững niềm tin. Nhiều lúc tôi đã khủng hoảng thực sự. Tại sao làm cái này? Có nên làm hay không? Liệu đã làm đúng chưa? Có ích gì không?... khi mà đi thuyết phục nhà tài trợ đều bị từ chối, đi mời nhà xuất bản hợp tác thì chỉ nhận được cái lắc đầu và chỉ đồng ý in sách khi bỏ hết tiếng Mông. Càng khủng hoảng hơn khi bạn bè xung quanh, thậm chí em gái tôi đi học về không còn nói chuyện với mẹ bằng tiếng Mông nữa”. Những lúc đó, cả nhóm lại ngồi với nhau, tự động viên nhau rằng càng khó khăn thì càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Cuối tháng 6 vừa qua, chàng trai Khang A Tủa đã về bản Háng Tàu Dê chia tay gia đình và chào từ biệt thôn bản để chuẩn bị cho hành trình mới: Nam tiến. Với dự án truyện cổ tích “Chuyện bên bếp lửa”, Khang A Tủa đã chinh phục thành công trường Đại học Fulbright Việt Nam để dành học bổng toàn phần trong 5 năm học. Tủa sẽ có cơ hội tiếp tục được học về nhân học, xã hội học, được phát triển nhóm AHD trong khu vực phía Nam và hoàn thành nốt tuyển tập sách dang dở. “Mọi con đường tôi đi đều hướng đến một mục đích: níu giữ lại những nét văn hoá của người Mông đang có nguy cơ mai một”- A Tủa khẳng định.

Tái tạo tục kể chuyện bên bếp lửa

Để thực hiện được cuốn sách “Chuyện bên bếp lửa”, nhóm đã chia nhau về các vùng người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), tìm đến những người già nhất trong buôn làng và ngồi nghe các câu chuyện cổ tích, ghi âm lại, sau đó đánh máy lại thành văn bản tiếng Việt và tiếng Mông. Bước đầu, tập truyện đã được in thành 200 bản và được chia sẻ miễn phí cho những độc giả quan tâm. Hiện, AHD đang có khoảng 15 câu chuyện vẫn đang được biên soạn. Mục tiêu của A Tủa và nhóm AHD là chuyển thể cổ tích thành phim và xuất bản đĩa bằng tiếng bản địa cho cộng đồng.

Mỗi câu chuyện đều có bản tiếng Việt, bản tiếng Mông kèm theo tranh minh họa và chú thích công phu, rõ ràng, mang đến màu sắc trẻ trung, hấp dẫn. Nhóm còn tổ chức các cuộc điền dã, tái tạo không gian kể chuyện cổ tích cho người Mông bằng cách về các vùng, tập trung kể chuyện bên bếp lửa cho trẻ em nghe. A Tủa cho biết, nhóm rất bất ngờ khi không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn cũng ngồi lại nghe đến khuya. Còn bất ngờ hơn khi nhóm rời đi, nhiều người lớn tuổi trong làng vẫn duy trì những buổi trò chuyện, kể chuyện bên bếp lửa như thế. Đó là thành quả ngoài sự mong đợi của AHD.

“Tôi càng khủng hoảng hơn khi bạn bè xung quanh, thậm chí em gái tôi đi học về không còn nói chuyện với mẹ bằng tiếng Mông nữa”.

Khang A Tủa

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.