Khởi nghiệp vì cộng đồng

Dự án thú bông tạo việc làm cho hơn 400 phụ nữ cả nước, trong đó có nhiều người khuyết tật Ảnh: U.P
Dự án thú bông tạo việc làm cho hơn 400 phụ nữ cả nước, trong đó có nhiều người khuyết tật Ảnh: U.P
TP - Khởi nghiệp xã hội được xem là một mô hình khởi nghiệp đặc biệt, vừa giúp các bạn trẻ xây dựng ước mơ làm giàu, đồng thời tạo ra những giá trị tốt đẹp, cải thiện đời sống cộng đồng xã hội. 

Ý tưởng từ thực tế cuộc sống

Khởi nghiệp vì cộng đồng ảnh 1 Nguyễn Trần Vân Thủy bỏ công ty ở Anh về Việt Nam khởi nghiệp vì cộng đồng 
Ảnh: U.P

  Nguyễn Trần Vân Thủy (32 tuổi), chủ nhân của Bobi Craft chuyên làm thú nhồi bông, vốn là du học sinh Anh, lập công ty tại xứ cờ hoa. Một lần về Việt Nam nghỉ hè, được một em bé đường phố mời mua móc khóa, trong đầu cô chợt lóe lên ý tưởng về nước kinh doanh, đồng thời tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật.

Tham khảo nhiều ý kiến bạn bè, người thân, Thủy quyết định chọn làm thú nhồi bông bằng len, vừa là món đồ chơi bảo vệ trẻ em, vừa giới thiệu sản phẩm thủ công Việt Nam ra thế giới. Ngay từ đầu, Thủy đã đặt mục tiêu xuất khẩu. “Mình bắt đầu với những sản phẩm nhỏ để chào hàng tại Anh, rồi từ từ mở rộng quy mô. Hiện thú nhồi bông handmade (làm bằng tay) đã xuất khẩu qua hơn 10 nước trên thế giới và mở được chi nhánh tại Anh và Singapore”, Thủy chia sẻ.
Một thành công nữa của Thủy là cô đã tạo việc làm cho hơn 400 phụ nữ ở khắp mọi miền đất nước có việc làm, thu nhập ổn định. Xưởng của cô tại TPHCM còn có 5 thợ là người khiếm thị. “Tặng bánh mì ăn rồi cũng hết, nhưng nếu mình trao cần câu thì họ sẽ không bao giờ lo đói”, Thủy nói.

Kể về lý do đang du học ở Mỹ rồi bỏ về nước khởi nghiệp, Trần Nguyễn Lê Văn (34 tuổi), nhà sáng lập Vexere.com, nhớ lại: “Vào những dịp lễ tết, để đỡ nhớ nhà, tôi lên mạng đọc báo và thấy cảnh người dân ở Việt Nam vất vả chen lấn tại các bến xe để kiếm tấm vé về quê ăn Tết. Từ đó, tôi quyết định nghỉ học để lên kế hoạch cho một mô hình đặt vé xe trực tuyến phục vụ người dân Việt Nam như ở nước Mỹ”.

Vexere.com của Văn cho phép người dùng tìm và đặt mua trực tuyến của nhiều hãng. Hành khách có thể chọn vị trí, ghế ngồi phù hợp nguyện vọng. Giá vé linh hoạt với thị trường khi có thể tăng giảm theo mùa. Người dùng cũng có thể mua hoặc thanh toán vé xe qua hệ thống các cửa hàng tiện lợi hay những địa điểm có liên kết với Vexere. Đến nay, Vexere.com đã trở thành website bán vé xe khách trực tuyến hàng đầu Việt Nam với 1,5 triệu người truy cập mỗi tháng, hơn 100 hãng với nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi. Năm 2019, công ty của Văn huy động được 12.000 vé xe miễn phí tặng sinh viên nhập học. 

Không chỉ là lợi nhuận

Cô gái 8X Trịnh Thị Ngọc Hiện, Chủ tịch HĐQT Công ty AnFoods cũng chọn con đường khởi nghiệp xã hội sau 5 năm “lăn lộn” cùng người dân vùng Thạnh Phú, Bến Tre, vừa tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường vừa khai thác thủy sản sạch.

Ý tưởng kinh doanh của cô nhen nhóm trong quá trình thực hiện các dự án về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại vùng ven biển Thạnh Phú. “Trung bình mỗi hộ dân ở địa phương được khoán khoảng 10ha, nhà nước chi trả 100.000 đồng/ha/năm. Số tiền này rất nhỏ, nên người dân chủ yếu sống bằng khai thác thủy sản dưới tán rừng. Nguồn thủy sản này hoàn toàn tự nhiên nhưng giá bán chưa cao, thậm chí bị đánh đồng với các loại thủy sản nuôi công nghiệp. Vì vậy, tôi muốn kết nối với những người giữ rừng, mục đích đưa sản phẩm từ tự nhiên đến người tiêu dùng và giúp người dân có thu nhập ổn định, an tâm giữ rừng” - Ngọc Hiện chia sẻ.

Khởi nghiệp xã hội (Social Entrepreneurship) rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam những năm gần đây, nhiều bạn trẻ cũng chọn con đường này để dấn thân. Đó có thể là các ý tưởng kinh doanh xã hội tận dụng nguồn rác thải để tái chế sản xuất phân bón tự nhiên, tạo cơ hội việc làm cho người nội trợ thất nghiệp. Đó có thể là những mô hình giáo dục sáng tạo để phát triển tiềm năng của trẻ em hay bảo tồn văn hoá… Doanh nghiệp xã hội cũng hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng với triết lý kinh doanh gắn liền với xây dựng cuộc sống bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là lợi nhuận.

“Nó đòi hỏi phải dấn thân, ý tưởng phải thật sự khác biệt, chưa kể sự đầu tư về tiền bạc rất nhiều. Thêm vào đó, thị trường mà các startup vì xã hội bước vào chưa chắc đã rõ ràng như các sản phẩm dịch vụ mà ta thường thấy. Do đó, chọn khởi nghiệp xã hội đòi hỏi phải sự kiên trì cùng lòng quyết tâm cao độ”, một CEO khởi nghiệp xã hội chia sẻ.

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cho biết luôn có ít nhất 20% số hồ sơ đăng ký đến từ các startup xã hội. “Chúng tôi đang tổ chức cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì sự phát triển bền vững – Én Xanh 2019. Không chỉ hỗ trợ vốn, kết nối các gói đầu tư với những dự án tiềm năng, chúng tôi còn mong muốn “mỗi một sáng kiến là một cánh én mang hy vọng và thúc đẩy sự tích cực cho xã hội” thông qua những mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo vì cộng đồng”, bà Oanh nói.

“Càng cho nhiều thì càng nhận được nhiều. Dự án của mình giúp được nhiều người, được cộng đồng hỗ trợ thì mình càng cố gắng, nỗ lực nhiều hơn. Sự tử tế là phần không thể thiếu cho những người khởi nghiệp”. CEO vexere Trần Nguyễn Lê Văn

MỚI - NÓNG