Lớp học bằng tay

Tại một lớp học ngôn ngữ ký hiệu
Tại một lớp học ngôn ngữ ký hiệu
TP - Lớp học im phăng phắc, thầy và trò liên tục múa tay, mặt đầy cảm xúc cố gắng diễn giải từng từ. Thỉnh thoảng, cả phòng học lại ồ lên tiếng cười nói xôn xao vì một cử chỉ không hiểu nhau. Họ là những người bình thường theo học ngôn ngữ ký hiệu để giúp đỡ người khiếm thính.
Tại một lớp học ngôn ngữ ký hiệu
Tại một lớp học ngôn ngữ ký hiệu.


Từ chuyện cô giáo trẻ....

Tối thứ sáu hằng tuần, cô giáo trẻ Lê Thanh Hoa (sinh năm 1988) múa tay kiểm tra bài cũ hơn 30 bạn trẻ là những người hoàn toàn khỏe mạnh theo học ngôn ngữ ký hiệu cơ bản. Ngồi trong lớp, học trò chăm chú nhìn theo tay và khẩu hình mặt cô giáo, chép nghĩa từng ký hiệu múa tay. Lớp học lạ này do CLB Ngôn ngữ ký hiệu kết hợp với Chi hội người Điếc Hà Nội, tổ chức tại trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội).

Lê Thanh Hoa, Phó Chủ nhiệm CLB được xem là người có duyên với ngôn ngữ dành cho người khiếm thính. Chỉ sau hai tháng theo học, Hoa đã có thể trò chuyện thông thạo với anh chị ở Chi hội người Điếc Hà Nội. Hoa trở thành thông dịch viên cho nhiều khách đến thăm. Từ trợ giảng, Hoa trở thành giảng viên chính lớp cơ bản mỗi tối thứ tư và thứ sáu hằng tuần. Hoa là giáo viên duy nhất không thuộc Chi hội người Điếc Hà Nội giảng dạy ngôn ngữ này.

Ở nhiều hội thảo dành cho người khiếm thính, Hoa nhỏ nhắn ngồi ở vị trí chủ tọa làm thông dịch viên cho các tổ chức phi chính phủ. Cô hiện là một trong ba người ở Việt Nam có thể phiên dịch thông thạo ngôn ngữ ký hiệu này.

“Cái khó của ngôn ngữ ký hiệu chính là ngữ pháp khá phức tạp, lượng từ mới có hạn. Ví dụ, với câu: “Tôi yêu bạn” – với ngôn ngữ khiếm thính lại ghép các ký tự tôi + bạn + yêu. Có những từ phải giải thích dài dòng như để hiểu món cơm sushi của Nhật phải giải thích loại cơm được làm từ những thứ gì, người đối diện mới hiểu được”, Hoa tâm sự. Bí quyết học nhanh và nâng cao trình độ của Hoa chính là nhờ những buổi chăm chỉ đến trò chuyện, chia sẻ với các anh, chị ở các trung tâm người khuyết tật.

Cô giáo trẻ Thanh Hoa. Ảnh: Nguyễn Hà
Cô giáo trẻ Thanh Hoa. Ảnh: Nguyễn Hà.


...Đến khám phá ngôn ngữ lạ

Sau 3 tháng tham gia lớp học, Đặng Hoàng Nhu, sinh viên trường ĐH Thương mại (Hà Nội) đã là học viên lớp nâng cao. Nhu học nhanh, thuộc khá nhiều từ mới bởi cô rất mê ngôn ngữ này. Một lần Nhu cùng CLB đến thăm trường dạy trẻ câm điếc, cô rất muốn được nói chuyện với các em nhưng không được. Cô quyết định đăng ký học.

Càng khám phá thể loại ngôn ngữ lạ, Nhu càng ghiền vì có nhiều điều thú vị. Nhu hứng khởi khoe, học bộ môn này đòi hỏi người học phải vận dụng nhiều yếu tố cảm xúc, cử chỉ, nét mặt, tư duy. Có nhiều từ cử chỉ giống nhau nhưng nét mặt biểu hiện cảm xúc khác nhau lại có nghĩa khác.

Mỗi người đến đăng ký học với mỗi lý do khác nhau. Người đến học vì trong gia đình có người khiếm thính, học để hiểu, để trò chuyện. Có người học vì yêu thích, muốn khám phá một thể loại ngôn ngữ mới lạ, tăng khả năng tư duy...Vì thế, số lượng đăng ký học mỗi ngày một đông hơn.

CLB Ngôn ngữ ký hiệu được thành lập năm 2006 tại Hà Nội với mục đích quảng bá ngôn ngữ ký hiệu đến cộng đồng, giúp người khiếm thính giao tiếp với người bình thường. Đến nay, CLB thu hút được hơn 100 tình nguyện viên hoạt động chuyên nghiệp ở các trường học khiếm thính, trường dạy trẻ câm điếc ở Nhân Chính (Hà Nội), dạy nghề cho trẻ khuyết tật Hoa sữa...

Nguyễn Ngọc Anh, lớp 11 trường THPT Việt Đức (Hà Nội) ví thế giới phi ngôn ngữ là thế giới tư duy. Lúc đầu Ngọc Anh tò mò lớp học không âm thanh sẽ như thế nào, khiến cậu tìm đến và bị cuốn hút. Ngọc Anh khám phá ra, những người khiếm thính có trí tưởng tượng rất tốt.

Chưa một lần nhìn thấy đồi núi, nhưng trong đầu họ khi nghĩ đến núi là liên tưởng đến độ cao, đồi là thấp, biển mênh mông nước, cá sẽ bơi theo hình sóng lượn… Vì thế, Ngọc Anh nghiệm ra, người học ngôn ngữ khiếm thính cũng giàu trí tưởng tượng và tăng tính tư duy. Từ ngày học ngôn ngữ này, Ngọc Anh học tốt hơn các môn toán, lý, hóa...

Ngoài các buổi học thú vị trên lớp, hàng tuần, các tình nguyện viên của CLB đến chăm sóc, trò chuyện, dạy các em học bài, hướng dẫn các em học nghề. Với slogan Tình yêu trong đôi tay bạn, các tình nguyện viên kết nối được nhiều người trong xã hội với người khiếm thính thông qua các hoạt động xã hội và liên kết xây dựng chương trình mang tên: Điều kỳ diệu cuộc sống, phát sóng trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

Chị Lã Thúy Quỳnh, Chủ tịch CLB cho biết, ngôn ngữ ký hiệu ngày càng được quảng bá sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên. Tính đến tháng 6 - 2010, đã có 26 lớp được mở với hơn 500 học viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, THPT được đào tạo, chưa kể nhiều người dân cũng tự tìm đến lớp học.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).