Những người bén duyên với nghề độc, lạ: Hóa tiên, làm ma…

Hóa tiên dù rất mệt, say nắng nhưng vẫn phải tươi tắn, vui cười với khách Ảnh: U.P
Hóa tiên dù rất mệt, say nắng nhưng vẫn phải tươi tắn, vui cười với khách Ảnh: U.P
TP - Hóa trang thành công chúa, tiên nữ, thậm chí giả làm ma để khách chiêm ngưỡng, chụp hình, tìm cảm giác mới lạ là công việc làm thêm thu hút nhiều bạn trẻ ở TPHCM.

Ðội nắng làm tiên

Tại nhiều khu vui chơi như Suối Tiên, Đầm Sen… ngày cuối tuần hoặc những lễ hội đặc biệt luôn xuất hiện các nàng tiên, công chúa xinh đẹp, lộng lẫy, diễu hành qua nhiều điểm.

Trong trang phục nàng tiên cá Ariel với mái tóc đỏ rực, Nguyễn Thùy Trang (20 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế) cho biết, cô đến với công việc được hơn 2 tháng. “Có người bạn từng làm ở đây do bận lịch học nên giới thiệu em vào thế chỗ. Để được trở thành công chúa, tiên nữ, phải qua tuyển chọn như có vóc dáng cao ráo, gương mặt xinh, tươi tắn và phải luôn mỉm cười với khách. Người không được chọn làm nhân vật chính sẽ đảm nhận vai tiên bướm, múa phụ họa trên đường. Dù được phân vai gì, chúng em đều cố gắng hoàn thiện thật tốt phần việc của mình”, Trang nói.

Sau khi được nhận việc, đội diễu hành thường xuyên tập luyện các điệu nhảy múa, cách vẫy tay, những điệu bộ mà nhân vật mình đảm nhận. “Chúng em thường đứng trên xe diễu hành vừa múa, vừa giao lưu với khán giả đi theo bên dưới. Lúc đầu chưa quen, em còn gượng gạo, có khi còn chóng mặt vì không quen đứng trên cao. Sau vài lần dần quen, giờ tuần nào được thông báo diễn là em đều sẵn sàng hóa trang cho vai diễn của mình”, Tú Uyên (sinh viên trường ĐH Bách khoa), đảm nhận vai công chúa bạch Tuyết, chia sẻ.

Hoàn thành buổi diễu hành cả giờ đồng hồ giữa cái nắng chói chang cũng là thử thách đối với các cô gái trẻ. Chương trình thường bắt đầu lúc 10h, họ phải có mặt từ sáng sớm để hóa trang, trang điểm và sẵn sàng vào việc. “Có khi chương trình kéo dài hai giờ liền, dù mồ hôi nhễ nhại nhưng ai cũng phải giữ vẻ tươi tỉnh suốt hành trình. Nhiều lúc quá nắng, có bạn say nắng xa xẩm mặt mày. Lúc đó, người bên cạnh phải hỗ trợ kịp thời. Chưa kể, sau diễu hành thường có buổi giao lưu, chụp hình với khách. Đôi lúc không tránh khỏi việc bị khách sờ soạng do quá đông người. Chúng em phải tự bảo vệ mình và giúp đỡ lẫn nhau mà không làm chương trình mất vui”, Thi Hồng, người có 2 năm trong nghề làm tiên ở Suối Tiên, chia sẻ.

Những “con ma” lầy lội

Khi hóa trang làm thêm, ai cũng muốn thật đẹp để khách hứng thú chụp hình, vậy mà tại Sài Gòn, một quán trà sữa theo phong cách âm phủ có nhiều bạn trẻ chọn làm ma để mưu sinh.

Một “con ma” được giao nhiệm vụ dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh quán trà sữa Âm Ty (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận). Một màu đỏ, đen bao trùm cả không gian. Những tấm bùa, mô hình đầu lâu, hay xương tay, chân người treo lơ lửng... khiến ai bước vào cũng phải rợn tóc gáy.

Sau khi chỉ chỗ ngồi ngay cạnh ngôi mộ, phục vụ thức uống xong xuôi, “con ma” bắt chuyện cùng khách. “Em tên Nguyễn Thanh Vinh, 19 tuổi, sinh viên năm 2 trường ĐH Nguyễn Tất Thành mới vào nghề được 2 tháng. Thấy công việc này là lạ nên em xin vào làm thử và tiếp tục đến giờ”, Vinh tự giới thiệu.

Theo Vinh, giả ma quỷ không hề dễ chút nào. Ngoài bộ tóc giả bù xù che hết mặt, bộ đồ trắng toát, “ma” còn phải biết cách dạo để khách hết hồn nhưng không kém phần vui nhộn, hóm hỉnh. Để sau đó, khách vui vẻ chụp hình với “ma” và muốn quay lại lần sau. “Chúng em cũng phải được đào tạo bài bản, cách bắt chuyện thu hút khách chứ không phải muốn hù dọa thế nào cũng được”, Vinh cười nói.

Vốn sợ ma nên Nhật Hào (23 tuổi) xin đi làm ma cho… bớt sợ. “Đúng lúc dịch bệnh COVID-19 nên công việc càng khó, thấy quán tuyển nhân viên làm ma nên em xin và được nhận. Càng làm càng thấy đây là công việc thú vị. Ở quán cũng có các bạn “ma” khác hỗ trợ cho mình rất nhiều, luân phiên nhau làm nên ai cũng có thời gian nghỉ ngơi”, Hào nói và cho biết, ngoài làm ma, còn đảm nhận việc bưng bê, lau dọn quán…

Những người bén duyên với nghề độc, lạ: Hóa tiên, làm ma… ảnh 1 Hóa trang thành ma bưng bê, phục vụ của bạn trẻ Sài Gòn Ảnh: U.P

Đang trò chuyện, bỗng một bàn chân từ đâu “rụng” trước mặt khiến tôi hét toáng. Hóa ra đây là một trong những chiêu dọa khách thót tim mà các bạn “ma” ở đây làm ra. Ngồi một góc thưởng thức đồ uống nhưng gương mặt vẫn còn sợ vì gặp “ma”, chị Thu Hạnh (ngụ Q.Phú Nhuận) nói: “Đang ngồi uống nước, nhìn mấy anh giả ma lướt qua lướt lại vừa sợ vừa buồn cười lắm. Công việc này chắc cực hơn ở mấy quán bình thường, nhưng mình thấy đây cũng là điểm nhấn để giữ chân khách quay lại”.

Anh Nguyễn Khánh Hoàng (26 tuổi, chủ quán trà sữa ma) quyết định mở quán vì biết nhiều bạn trẻ thích thể loại kinh dị, cảm giác mạnh. “Mình có khoảng thời gian làm diễn viên sân khấu, chuyên những vai diễn giả ma, giả quỷ, rồi ghiền kinh dị hồi nào không hay. Mình mong muốn mở ra một quán trà sữa, cà phê mang phong cách kinh dị cộng với việc hù, dọa ma cho vui, mong là khách đến có cảm giác mạnh”, anh Hoàng nói.        

(còn nữa)
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.